Triều Tiên lớn mật “bắt con tin” Trung Quốc

Triều Tiên có một chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân thực sự từ khoảng 30 năm nay, nhằm thách thức Mỹ và khẳng định sự độc lập với Trung Quốc. Toan tính của Bình Nhưỡng dựa trên niềm tin là Bắc Kinh, dù bực bội nhưng không dám mạo hiểm đẩy Triều Tiên vào chân tường.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong un muốn thể hiện sự mạnh mẽ và độc lập với Trung Quốc
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong un muốn thể hiện sự mạnh mẽ và độc lập với Trung Quốc

Báo Le Monde (Pháp) dẫn ra một số lý do có thể có đằng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước hết là mục tiêu nâng cao uy thế của chế độ và duy trì một tâm lý ‘‘liên tục bị vây hãm’’ trong dân chúng, đánh lạc hướng chú ý khỏi những vấn đề nội bộ của đảng Lao động Triều Tiên đang chuẩn bị Đại hội 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo nhiều nhà phân tích, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đã củng cố được quyền lực. Với các vụ thử hạt nhân và tên lửa mới đây, rõ ràng Bình Nhưỡng muốn khẳng định là một cường quốc hạt nhân quân sự.

Theo Le Monde, sau các động thái này, Trung Quốc và Mỹ đổ lỗi cho nhau đã không thể ngăn chặn được Bình Nhưỡng. Bắc Kinh chỉ trích Washington thiếu mềm dẻo do ‘‘chiến lược kiên nhẫn’’ của chính quyền Obama coi việc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân là điều kiện tiên quyết cho mọi thương lượng. Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc là mắt xích yếu trong hệ thống chính sách trừng phạt của quốc tế.

Le Monde phân tích, Triều Tiên tin tưởng Bắc Kinh sẽ không dám gây bất ổn cho nước láng giềng của mình, trong bối cảnh việc Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần hơn dưới sự bảo trợ của Mỹ trực tiếp tác động đến Trung Quốc». Tình trạng hiện nay là «bế tắc». Bởi Bình Nhưỡng không chịu lùi bước, cho dù chương trình vũ khí hạt nhân khiến dân cư nước này phải trả giá rất đắt. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cương quyết không chấp nhận Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân.

Theo ông Stephen Bosworth, đại diện Mỹ trong các đàm phán với Triều Tiên từ 2009 đến 2011, không nên đặt vấn đề Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân như một điều kiện tiên quyết của đàm phán, và cần đặt vấn đề này trong một thỏa thuận «bình thường hóa quan hệ» giữa Mỹ và Triều Tiên. Le Monde kết luận với nhận định của ông Andrei Lankov, người Nga, chuyên về Triều Tiên (đại học Kookmon – Seoul): chiến lược nói trên hiện không phải là mối quan tâm của chính quyền Mỹ, đang chuẩn bị bước vào mùa tranh cử.

Le Monde cho rằng Bắc Kinh chính là nạn nhân của thói yêng hùng của Kim Jong-un. Bài viết lưu ý, việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân  khiến Hàn Quốc sẵn sàng tiếp nhận hệ thống lá chắn hạt nhân THAAD của Mỹ - khiến Trung Quốc đứng trước một nguy cơ thực sự: Hệ thống hạt nhân răn đe của Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa. Chuyên gia về Trung Quốc Kim Hueng-kyu, đại học Hàn Quốc Ajou, đánh giá Bắc Kinh sợ rằng liên minh khu vực Mỹ-Nhật-Hàn sẽ được tăng cường, với hệ thống lá chắn THAAD nói trên.

Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa cho thấy Bắc Kinh đã thất bại khi không tìm được cách thuyết phục Bình Nhưỡng, kể cả việc cử đặc phái viên tới Triều Tiên. Sự bất lực của Trung Quốc khiến Hàn Quốc thất vọng.

La Croix dẫn lời nhà sử học Pháp Pierre Rigoulot bày tỏ lo ngại bị cô lập và thiếu tiền, Triều Tiên có thể quyết định bán công nghệ hạt nhân cho các tổ chức có ý đồ xấu.