Putin “không cho qua”, quyết báo thù Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Putin, người mô tả vụ bắn hạ Su-24 là “cú đâm sau lưng”, dường như cảm thấy việc trừng phạt kinh tế và chính trị để trả đũa là chưa đủ. Và ông Putin không người hay quên và dễ cho qua, theo giáo sư Mark Galeotti tại Đại học New York.
Trong thông điệp Liên bang 2015, ông Putin tuyên bố sẽ không bỏ qua vụ bắn hạ Su-24 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Trong thông điệp Liên bang 2015, ông Putin tuyên bố sẽ không bỏ qua vụ bắn hạ Su-24 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 khiến ông Putin cực kỳ giận dữ. Những người gần gũi với ông mô tả rằng ông giận tới mức khiến Ngoại trưởng  Sergei Lavrov phải cố gắng cân bằng cơn tức giận với chính sách ngoại giao.

Tổng thống Putin, người mô tả vụ bắn hạ Su-24 là “cú đâm sau lưng”, dường như cảm thấy việc trừng phạt kinh tế và chính trị để trả đũa là chưa đủ. Và ông Putin không phải là người hay quên và dễ cho qua.

Đã có một số lời bóng gió về đòn đáp trả của Moscow trong việc tấn công lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Tóm lại, Ankara liên quan trực tiếp và rất sau vào cuộc nội chiến Syria, không chỉ vũ trang và huấn luyện mà còn bảo vệ lực lượng phiến quân, trong khi tìm cách xây dựng vai trò mới của mình như một cường quốc khu vực.

Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT nổi tiếng hiếu chiến, từ lâu được biết đã có mối quan hệ với các băng đảng tội phạm và những kẻ khủng bố phát xít. Một trong những thủ lĩnh phiến quân người Thổ là Alparslan Celik, thành viên của phong trào phát xít Sói Xám ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là một đồng minh của MIT.

Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan chắc chắn muốn cảnh báo Nga chớ tấn công phiến quân người Thổ bằng cách hạ lệnh bắn hạ máy bay Su-24. Nga đang không kích các nhóm phiến quân khi chúng được cho là tràn qua từ biên giới Thổ  Nhĩ Kỳ. Nếu vậy, Erdogan có vẻ đã phạm phải một sai lầm khác. Giờ đây, các máy bay ném bom Nga được các tiêm kích đánh chặn hộ tống và tác chiến trong ô phòng không của hệ thống tên lửa tối tân S-400, sẽ bao gồm nhiệm vụ tấn công các đoàn xe “chở hàng nhân đạo”, thực chất là chở vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phiến quân.

Vấn đề là liệu ông Putin có hài lòng với việc liên tiếp giáng đòn vào đội quân ủy nhiệm của Thổ và ban hành các lệnh trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Cả hai đều là những đòn nặng đối với Thổ bởi Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên những biện pháp trừng phạt trên vẫn thiếu đòn trả đũa trực tiếp. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO. Mặc dù NATO thường không mấy hào hứng với tham vọng của Erdogan và đã kêu gọi giảm căng thẳng vụ việc này, họ sẽ cảm thấy bắt buộc phải vào cuộc nếu như Nga có bất cứ động thủ nào trực tiếp chống Ankara.

Bên cạnh đó, bất cứ một cuộc chạm trán công khai nào nổ ra cũng có nguy cơ Thổ kiếm cớ phong tỏa các eo biển nối Biển Đen với các tuyến hàng hải thế giới. Đây là tuyến đường tiếp tế sống còn của Nga cho lực lượng viễn chinh tại Syria. Thật mỉa mai trong tình cảnh “hòa bình nóng” hiện nay là Nga đang thuê tàu thương mại của Thổ để chuyên chở thiết bị sang Syria.

Trong thời đại xung đột ngầm và gián tiếp, liệu Nga có quay sang sử dụng đến những lựa chọn trong bóng tối? Nhìn chung, Nga có thể làm rất nhiều thứ để trừng phạt và cảnh cáo Ankara, nếu như Moscow muốn leo thang tình hình.

Lựa chọn trước tiên và hiển nhiên nhất sẽ là hậu thuẫn nhiều hơn cho lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng có tư tưởng cánh tả Mác xít từng được Liên Xô hỗ trợ nhiệt tình thời Chiến tranh Lạnh này và những chiến binh người Kurd tại Syria nằm trong số những lực lượng hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS. Lực lượng người Kurd và PKK đã thiết lập một  khu vực lãnh thổ riêng dọc biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Họ càng duy trì lâu, áp lực đối với Ankara từ lực lượng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ càng tăng lên. Moscow không cần trực tiếp vũ trang cho PKK để gia tăng sức ép mà chỉ cần cung cấp tài chính hoặc rửa tiền cho lực lượng này là chặt đứt khả năng kiểm soát phong trào chính trị người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vươt quả cả sân khấu Syria, Nga có thể tìm cách khích động bạo lực bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Các sát thủ của Moscow từng thủ tiêu các thủ lĩnh và nhà tổ chức của phiến quân Chechnya trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì lạ nếu họ có thể quyết định châm ngòi bất ổn giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy bạo lực.

IS đã tiến hành các vụ đánh bom đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ và PKK cũng cáo buộc chính quyền Thổ về các mưu đồ tấn công thâm hiểm. Tất cả sẽ xua đuổi, du khách nước ngoài và các nhà đầu tư tháo chạy khỏi nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên diễn ra các vụ bạo động chính trị
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên diễn ra các vụ bạo động chính trị

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những khu vực buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới và các tổ chức tội phạm hoạt động rất mạnh tại đây cũng là cơ hội để Kremlin ra tay. Rất nhiều tổ chức tội phạm liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy Afghanistan có quan hệ mật thiết với chính quyền, song cũng có những nhóm khác không dính líu. Bên cạnh đó, thậm chí có những băng đảng rất khăng khít với Đảng phát triển và công lý (AKP) cầm quyền và còn có quan hệ với nhiều các băng nhóm tội phạm khác tại Iran và Nam Caucasus, khu vực các tội phạm có tổ chức và tình báo Nga hoạt động.

Rất có thể Kremlin sử dụng các băng nhóm này như các lực lượng bạo lực ủy nhiệm để gây bất ôn Thổ Nhĩ Kỳ. Hoặc giả Nga đơn giản tìm cách khích động cuộc chiến nội bộ giữa các băng đảng. Tóm lại, không chỉ gây ra bạo động đường phố, mà còn tăng khả năng liên đới tới những ông chủ chính trị của các băng nhóm, dẫn tới tình trạng chia rẽ sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, có những rủi ro chính trị và cái giá phải trả cho những chiến dịch trong bóng tối như vậy. Mọi cơ quan tình báo đều thừa nhận rằng không có gì giữ bí mật mãi mãi. Chiến dịch càng tích cực và hiếu chiến, cơ hội bị bại lộ càng lớn. Điều gì đó sẽ sai lầm hoặc đơn giản là sự tích tụ các bằng cớ quá lớn. Trong những cảnh huống đó, Ankara hiện nay thậm chí đang bị châu Âu xem như một đối tác quá hung hăng và mập mờ, sẽ hiện ra như nạn nhân của Nga…

*Lược dịch bài viết của giáo sư về các vấn đề đối ngoại Mark Galeotti tại Đại học New York, tác giả cuốn sách “Spetsnat: Lực lượng đặc nhiệm Nga” xuất bản năm 2015.

Theo QPAN