“Mỹ tăng cường năng lực quân sự cho Việt Nam, làm nghiêng cán cân quyền lực về phía Washington“

VietTimes -- Hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tăng cường năng lực của Việt Nam để thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Bước đi mang tính biểu tượng cao này nằm trong chiến lược của Washington nhằm tăng cường liên minh trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chống  Trung Quốc”, Nghê Lạc Hùng phán bừa.
Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm một đơn vị không quân của Mỹ
Phái đoàn quân sự Việt Nam thăm một đơn vị không quân của Mỹ

Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP) ngày 16/6 đánh giá.

Căng thẳng ở Biển đông đã vào khúc ngoặt mới tháng trước khi Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ gần gũi hơn trong chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của tổng thống Mỹ Barack Obama.

Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam của ông Obama được xem là làm tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, giới chuyên gia Trung Quốc cáo buộc. Theo họ, mặc dù ông Obama nhấn mạnh động thái này không nhằm vào Trung Quốc và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố Việt Nam không theo đuổi quân sự hóa, tất cả các dấu hiệu chỉ ra điều ngược lại.

Theo SCMP, các chuyên gia nói rằng Mỹ và các nước Đông Nam Á có vẻ sốt sắng giành động lực ngăn chặn hành động ngoại giao và quân sự của Trung Quốc trước thềm phán quyết của tòa án quốc tế về yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia quân sự Nghê Lạc Hùng ở Thượng Hải cho rằng quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và cựu thù Việt Nam đang diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm trong việc tranh chấp lâu dài trên biển. Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế tại The Hague được trông đợi sẽ ra phán quyết trong vài tuần nữa.

“Việc này mở cửa cho hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam và sẽ tăng cường năng lực của Việt Nam để thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Bước đi mang tính biểu tượng cao này là một phần trong chiến lược của Washington nhằm tăng cường liên minh trên khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chống  Trung Quốc”, Nghê Lạc Hùng phán bừa.

Giáo sư Hoàng Tĩnh, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung ở Đại học quốc gia Singapore nhận định việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí là một động thái then chốt khác của Mỹ nhằm tranh thủ Việt Nam và làm nghiêng cán cân quyền lực trong khu vực về phía Washington.

Phái đoàn quân sự Mỹ thăm Trường sĩ quan Không quân Việt Nam
Phái đoàn quân sự Mỹ thăm Trường sĩ quan Không quân Việt Nam

“Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy rằng Việt Nam cũng đang thực thi hành động ngoại giao cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ sử dụng căng thẳng với Trung Quốc để giành sự ủng hộ của Mỹ và dùng quan hệ ấm nồng với Mỹ để giành động lực trong các cuộc thương lượng tương lai với Trung Quốc”, Hoàng Tĩnh nhận định một cách chủ quan, vô lối.

Giới chuyên gia lo ngại rằng các tranh chấp biển dẫn đến gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác bao gồm Philippines, Việt Nam đầu tư lớn cho các lực lượng hải quân và không quân nhằm bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình.

Một nghiên cứu gần đây của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm tiết lộ thực trạng khu vực dồn tiền của xây dựng lực lượng quân sự trong ít năm qua trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Trong khi Philippines đang cân nhắc để đầu tư hạm đội tàu ngầm đầu tiên của mình, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu vũ khí tích cực nhất thế giới với lượng nhập khẩu vũ khí tăng 699% trong giai đoạn 2011-2015.  

SCMP dẫn một số nhà phân tích cho rằng phán quyết của tòa án quốc tế được dư luận rộng rãi trông đợi sẽ bất lợi với Trung Quốc có thể sẽ khuyến khích các nước tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam theo gương Philippines kiện Trung Quốc ra tòa. Daniel Chua, chuyên gia về ngoại giao Đông Nam Á ở Đại học công nghệ Nannyang (Singapore) cho rằng các nước khác có vẻ sẽ sử dụng chiến lược tương tự để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển.

Đó là điều khiến Bắc Kinh lo ngại. Xu Hong, một quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc tháng trước đã cảnh báo rằng nếu các nước theo gương Philippines, có thể sẽ “mở chiếc hộp Pandora” và “gây nguy hại nghiêm trọng đối với trật tự biển quốc tế”.

Nhưng Huang cho rằng Việt Nam dường như sẽ không kiện ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế vì Hà Nội cũng có tranh chấp lãnh hải với Philippines. “Và quan trọng hơn, nếu Việt Nam kiện ra tòa…quan hệ với Trung Quốc sẽ đạt tới điểm không thể quay lại. Cả Bắc Kinh và Hà Hội đều không muốn đốt cháy cây cầu quan hệ”, Hong đe dọa.

Một số nhà phân tích thậm chí bày tỏ lo ngại phán quyết của tòa quốc tế có thể sẽ làm tăng thêm tình trạng thù địch và căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, bất chấp quan hệ thương mại khăng khít và đẩy tranh chấp tới giới hạn nguy hiểm. Thậm chí nguy hiểm hơn là có những chỉ báo về sự cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt, các chuyên gia lưu ý rằng Trung Quốc và Mỹ bị ám ảnh với sự phô trương cơ bắp, trong khi cáo buộc nhau khiêu khích và thổi bùng căng thẳng.

Nhiều nhà phân tích còn cho rằng việc Trung  Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình trái ngược với cam kết trỗi dậy hòa bình của nước này.

Theo giáo sư Kerry Brown, chuyên gia nghiên cứu về Trunng Quốc tại Trường Hoàng gia Luân Đôn, Biển Đông hiện nay là một vùng đầy tranh chấp và có thể bùng nổ xung đột. “Vấn đề chỉ là Trung Quốc nghĩ họ có thể thúc đẩy mọi việc đi xa tới đâu mà không leo thang xung đột. Điều này phụ thuộc vào việc họ “đọc” cam kết của Mỹ tốt đến mức nào và họ hiểu bao nhiêu về việc đâu là giới hạn chót. Họ có thể dễ dàng đánh giá sai lầm”, ông Brown nói.

Trong khi các cuộc xung đột lớn khó có khả năng xảy ra do cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn xung đột trực tiếp, các nhà phân tích cho rằng khả năng về hiểu lầm và những sự cố nhỏ, đặc biệt là các vụ va chạm liên quan tới các tàu cá là không thể loại trừ.

“Chẳng hạn như tòa án quốc tế phán quyết cho phép ngư dân Philippines được quyền đánh bắt gần bãi cạn Scarborough và chính quyền Philippine điều tàu hải quân tới thi hành phán quyết, việc này có thể gây phản ứng từ Trung Quốc và một vụ xung khắc”, TS Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ nhận định. Một cuộc xung đột quy mô nhỏ cũng có thể xảy ra nếu Trung Quốc lại cố tình hạ đặt giàn khoan trái phép vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo bà Glaser.

Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014
Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014
Trung Quốc từng ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam năm 2014
Trung Quốc từng ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam năm 2014

Chuyên gia luật biển Jay Batongbacal ở Đại học Philippines nói rằng một kịch bản tồi tệ nhất giữa Philippines và Trung Quốc sẽ bao gồm một dạng sự cố nào đó trên biển tiềm tàng dẫn tới leo thang xung đột, cần nhớ tham vọng biển của Trung Quốc và thái độ hung hăng trong việc bồi lấp xây đảo trái phép cũng như tăng cường các cuộc tuần tra quân sự.

Chuyên gia Daniel Chua nhắc lại Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong những năm 1970 và va chạm với Philippines tại quần đảo Trường Sa hồi giữa thập niên 1990 và năm 2012. “Kịch bản tồi tệ nhất thực sự rất khó xác định”, ông Chua nói.

Tuy nhiên, nguyên ủy viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc hồi tháng 3/2016 phát biểu rằng ông ta tin rằng cái gọi là “chiếc bẫy Thucydides”, sự kình địch giữa siêu cường đang nổi lên (Trung Quốc) và siêu cường hiện thời (Mỹ) không phải là “luật sắt không thể vượt qua”. Đới Bỉnh Quốc nói rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ có khả năng bảo đảm không xảy ra xung đột giữa hai bên, không tạo chiến tranh lạnh và cũng không gây chiến tranh nóng.

Zhu Zhiquan ở Đại học Bucknell (Pennsylvania, Mỹ) cho rằng căng thẳng sẽ không gia tăng thêm trong bối cảnh cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn đối đầu ở Biển Đông. Trong khi ông Huang nói căng thẳng có thể sẽ không sớm diễn ra nhưng một xung đột quy mô nhỏ vẫn có khả năng bùng phát, vẫn cần phải xem Trung Quốc và Mỹ có thể xếp sang bên những bất đồng và chung tay kiểm soát tình hình hay không.