Nhận diện chiêu trò của Trung Quốc qua vụ Hải Sâm

Tin tức về việc tàu hải cảnh Trung Quốc đã rút ra khỏi bãi Hải Sâm hôm 3-3 sẽ không khép lại vấn đề của mọi vấn đề: Trung Quốc sẽ dừng đà lấn chiếm Biển Đông, trước mắt là Trường Sa, bằng cách này hay cách khác?
Hình ảnh do hải quân Mỹ cung cấp cho thấy các tàu và phương tiện nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa- Ảnh:Reuters
Hình ảnh do hải quân Mỹ cung cấp cho thấy các tàu và phương tiện nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa- Ảnh:Reuters

Nếu đọc lại tin tức về vụ này từ báo chí Trung Quốc, như tờ China Daily ngày 3-3-2016, đã thể hiện một vai trò rất “chủ nhân ông” với hàng tít “Tàu nước ngoài đã (bị quét) sạch khỏi rạn (san hô) của Trung Quốc”.

Các chi tiết trong bài cũng cùng một giọng điệu “thực thi chủ quyền” như thế: “Một tàu cá nước ngoài bị mắc kẹt trên một rạn san hô của Trung Quốc ở biển Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam - NV) trong vài tháng qua đã được kéo đi, Bộ Ngoại giao cho biết hôm thứ tư.

Con tàu bị mắc cạn vào cuối năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo thường kỳ. Ông còn nói rằng con tàu đã cản trở an toàn hàng hải và môi trường biển, nên Bộ Giao thông vận tải đã gỡ nó ra khỏi các rạn san hô và xử lý nó một cách thích đáng. Để đảm bảo an toàn hàng hải và điều kiện làm việc, Trung Quốc kêu gọi các tàu đánh cá gần địa điểm này nên rời đi”!

Sau khi loan tin “thực thi chủ quyền”, bài báo đã kết thúc bằng một trích dẫn rất “dịu ngọt” của một nhà nghiên cứu Trung Quốc: “Xu Liping, nhà nghiên cứu cao cấp về Đông Nam Á học thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội, bảo rằng lần này Trung Quốc đã rút ra bài học (là) giải quyết vụ việc một cách duy lý và kiềm chế, đúng với luật pháp quốc tế”.

Bài báo trích lời người phát ngôn Wang Guoqing của khóa họp thường niên cơ quan tư vấn chính trị tối cao Trung Quốc rằng “biển Nam Hải nên là một vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác, không nên trở thành cái cớ và công cụ cho một vài nước nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”.

Hai giọng điệu “chủ nhân ông” và “hòa hoãn” cùng trong một bài báo phải chăng đang phản ánh một sự tự kiềm chế nào đó của Trung Quốc, sau khi đã có những tiếng nói can ngăn mạnh mẽ từ nước này hoặc những thông điệp “khẩn khoản thuyết phục” từ nước kia trong tuần qua?

E rằng đây chỉ là một bước thối hầu tránh những phản ứng quyết liệt hơn “không cần thiết” có thể có trong thời điểm này trong khi chờ đợi những thời điểm khác thuận lợi hơn, có thể là sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực La Haye vào tháng 5 tới, như một minh thị “bất cần”, hoặc ngay giữa mùa tranh cử ở Mỹ.

Cho dù vụ bãi Hải Sâm tạm “hạ màn”, song vụ này cũng nhắc rằng nếu để Trung Quốc vượt qua một lằn ranh, các nước liên quan đến Biển Đông sẽ phải chịu một sự mất mát, như đảo Phú Lâm ngày nay đang đầy binh sĩ Trung Quốc. 

Việc Bắc Kinh nay đã bồi đắp, xây căn cứ xong, đem binh sĩ, tên lửa, máy bay, ụ tàu ra đó, cho dù có để “ở không” cũng đã là “làm chủ trong thực tế” ở khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông, đúng với “đường lưỡi bò” tự công bố năm 2009!

Theo Tuổi trẻ