Đầu tháng 4, Mỹ sẽ tuần tra Biển Đông

Hải quân Mỹ dự định tiến hành tuần tra ở Biển Đông vào đầu tháng 4 năm nay, lần thách thức trực tiếp thứ 3 của Washington với tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: Reuters
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, một nguồn tin thân cận với kế hoạch trên của Hải quân Mỹ xác nhận thông tin trên ngày 1/4. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành tuần tra ở Biển Đông trong đầu tháng này.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời gian chính xác của hoạt động này và loại tàu nào sẽ đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép. Theo Reuters, hoạt động tự do hàng hải tiếp theo có thể được tàu nhỏ hơn thực hiện.

Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh coi những hành động nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải của Mỹ là "xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc".

Trong cuộc trao đổi ngày 31/3 với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân ở Washington, Mỹ, ông Tập cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi nào núp dưới danh nghĩa tự do hàng hải để "xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc". Đây được coi là cách nói khác của ông Tập khi đề cập tới sự can thiệp của Mỹ với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. 

Washington nhiều lần thể hiện quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực thông qua việc điều tàu chiến và oanh tạc cơ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Bắc Kinh bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Việc làm này là hành động thực tế cho thấy Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Trước đó, các quan chức quân sự Mỹ ngày 4/3 cho biết tàu sân bay John C. Stennis gia nhập với các đội tàu gồm tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay trang bị tên lửa dẫn đường, cùng các tàu khu trục Chung Hoon và Stockdale đã hoạt động ở Biển Đông. Các nguồn tin Mỹ cho biết, tàu Antietam khi đó đang tiến hành "tuần tra thường kỳ" và tách bạch với hoạt động của tàu Stennis, để tiếp nối những cuộc tuần tra của tàu khu trục McCambell và tàu đổ bộ Ashland hồi cuối tháng 2.

Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA

Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA

Tháng 10/2015, việc tàu USS Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam từng khiến Bắc Kinh nổi giận.

Sự xuất hiện của các tàu Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây lo ngại ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối không trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, và lắp đặt các trạm radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một số chuyên gia nhận định sự hiện diện của các tàu là tín hiệu rõ ràng gửi đến Trung Quốc và khu vực.

Theo Zing