Theo RFI, mặc dù đường lưỡi bò mà họ trương ra để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bị Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye bác bỏ hôm 12/7, Trung Quốc vẫn lớn tiếng yêu sách chủ quyền ngang ngược đối với vùng biển này, và liên tiếp có những động thái đe dọa các nước nào dám tranh cãi yêu sách đơn phương của mình. Quyết tâm của Trung Quốc khiến người ta đặt câu hỏi: đâu là nguyên do khiến Bắc Kinh bất chấp công luận và luật pháp quốc tế để bám chặt tham vọng độc chiếm Biển Đông?
Ngay sau khi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông bị đánh giá là không có cơ sở, Bắc Kinh đã có phản ứng rất dữ dội, từ việc đe dọa sẽ tiếp tục bồi đắp đảo phi pháp, cảnh cáo những nước nào dám tiếp tục can dự vào Biển Đông, cho đến viêc dọa khả năng rút khỏi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, hay thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Động thái khiêu khích mới nhất là việc Bắc Kinh hôm 6/8 đã thông báo việc cho đội máy bay hùng hậu tập luyện tuần tra trên Biển Đông - tại vùng Trường Sa và bãi cạn Scarborough, hai điểm nóng hiện nay - để gọi là sẵn sàng đối phó với mọi mối đe dọa về an ninh, cũng như để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi trên biển của Trung Quốc.
Tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của riêng Trung Quốc đã được Bắc Kinh bộc lộ từ lâu, và nguyên nhân thúc đẩy họ cũng đã được rất nhiều chuyên gia phân tích.
Trả lời RFI sau khi Tòa Trọng Tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông, tướng Daniel Schaeffer, từng là tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, hiện là chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông và châu Á tại trung tâm tham vấn Asie 21 ở Pháp, đã nhắc lại quan điểm từng được ông bảo vệ trong nhiều năm nay:
Ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ một nguyên nhân chiến lược: kiểm soát Biển Đông để sử dụng vào việc triển khai hiệu quả hạm đội tàu ngầm ra Thái Bình Dương, để rồi từ đó có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ.
Tướng Schaeffer đã tóm lược nhận định của ông như sau: Nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc thống trị Biển Đông như họ đang làm hiện nay, không phải là dầu hỏa, không phải là nguồn cá, không phải là vấn đề an toàn cho các tuyến hàng hải (…) mà chủ yếu là vì lý do chiến lược, vì Trung Quốc không có năng lực đưa các tàu ngầm hạt nhân có khả năng phóng tên lửa ra khỏi cảng Tam Á trên đảo Hải Nam mà không bị phát hiện.
Do vậy, nếu như có sự hiện diện của hải quân nước ngoài trên Biển Đông, các tàu ngầm Trung Quốc sẽ bị phát giác, đặc biệt là bị Mỹ phát giác. Người ta hiện đang rơi trở lại vào một tình huống tương tự như một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai, với Mỹ và Trung Quốc nghi kỵ lẫn nhau.
Trung Quốc muốn Biển Đông sạch bóng hải quân nước khác
Quan điểm trên đây của tướng Schaeffer đã được ông giải thích một cách chi tiết trong bài tham luận mà ông trình bày tại cuộc hội thảo về Tranh chấp Biển Đông do Đại Học Yale (Mỹ) tổ chức trong hai ngày 6-7/5/2016.Ông nêu rõ:
«Vào lúc này, Trung Quốc muốn có khả năng triển khai 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Tấn mang tên lửa đạn đạo từ cảng Tam Á xuyên qua Biển Đông ra Thái Bình Dương trong những điều kiện tốt nhất về an ninh.
Lý do là hiện nay, vấn đề đáng lo nhất cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc là làm sao thoát khỏi sự quan sát của đối thủ từ trên không, cũng như hạn chế được nguy cơ bị phương tiện hải quân của nước khác phát hiện sau lúc rời cảng và trước khi tiến đến được vùng nước sâu nơi các chiếc tàu này có thể cho giấu hành tung.
Hiện nay, 4 chiếc tàu ngầm lớp Tấn mà số lượng sẽ tăng lên thành 8 chiếc vào năm 2020, vẫn còn rất ồn, nên rất dễ bị phát giác... Chính vì thế mà Bắc Kinh cần phải làm cho Biển Đông sạch bóng hải quân nước khác»
Dùng Biển Đông để chặn Mỹ từ xa
Theo tướng Schaeffer, Bắc Kinh đang sống trong nỗi ám ảnh bị Mỹ bao vây cho nên cũng cần khống chế Biển Đông để ngăn chặn không cho đối thủ áp sát lục địa Trung Quốc :
Tướng Schaeffer nhận định, Trung Quốc có cảm giác là họ đang bị Mỹ bao vây, dù không hoàn toàn như trước đây, vì không còn mối đe dọa từ Nga ở phương Bắc, nhưng họ cảm thấy bị Mỹ bao vây bằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, bằng sự tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines thông qua Thỏa thuận Hợp tác Quốc Phòng Nâng cao EDCA ký kết năm ngoái, và được Tòa Tối cao Philippines thông qua gần đây.
Mỹ cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, với Ấn Độ vốn là nước trước đây không mặn mà lắm với Mỹ, và với cả Myanmar.
Myanmar hiện đang bị lôi kéo từ cả hai phía, vì Trung Quốc thực sự là rất cần đến Myanmar, vì cần đến đường ống dẫn dầu khí băng ngang quốc gia Đông Nam Á này để về đến Côn Minh, cho phép Trung Quốc tránh được eo biển Malacca và nguy cơ eo biển này bị Mỹ và đồng minh phong tỏa.
Cũng chính vì thế mà Trung Quốc đang thuyết phục Thái Lan cho đào con kênh Kra ở miền Nam Thái Lan, để khỏi bị lệ thuộc vào tuyến hàng hải thông qua eo biển Malacca.
Giấu hành tung tàu ngầm tấn công Mỹ
Biển Đông, theo tướng Schaeffer, còn đóng một vai trò rất lớn trong tham vọng của Trung Quốc, muốn răn đe Mỹ bằng tên lửa hạt nhân. Ông giải thích như sau :
Theo tướng Schaeffer, Trung Quốc cảm thấy mình bị Mỹ bao vây, nhưng vấn đề của họ lại là muốn đe đọa được Mỹ, không phải là để tấn công trước vào Mỹ, vì chiến lược của Trung Quốc hiện nay vẫn là tấn công lần hai, nghĩa là phản công khi bị đánh trước. Nói cách khác, nếu bị Mỹ đánh trước, Trung Quốc phải có khả năng trả đũa bằng các loại tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân.
Vấn đề của Bắc Kinh do đó là phải làm thế nào để đưa được các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra khỏi Biển Đông mà không bị phát hiện. Nhưng mà vì các phương tiện này của Trung Quốc chưa có năng lực trốn khỏi sự dò tìm của đối phương, vì vậy, mà Trung Quốc cần độc chiếm Biển Đông, và vẫn duy trì đường lưỡi bò cũng như quyền thống trị hoàn toàn trên Biển Đông.
Đây cũng là điều mà Liên Xô trước đây từng tiến hành với các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo của họ tại vùng biển Okhostsk và Barents.
Tướng Schaeffer gọi điều mà Trung Quốc đang làm là «lãnh địa hóa» vùng Biển Đông, người Nga gọi đó là chiến lược «tiền đồn», còn các nhà nghiên cứu Anh-Mỹ thì xem đấy là việc áp dụng học thuyết Monroe vào Biển Đông.
Không bên nào muốn xung đột bùng lên
Biển Đông như vậy có thể có là một đấu trường Mỹ-Trung. Tuy nhiên, theo tướng Schaeffer, cho dù lúc này, lúc kia đã có những sự cố giữa hai bên trên Biển Đông, nhưng nhìn chung, cả hai bên đều tránh, không để cho xung đột nổ ra.
Tướng Schaeffer cho rằng vào lúc này, cho dù phương tiện quân sự quy ước, và cả hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn hạn chế so với Mỹ, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không muốn xảy ra chiến tranh. Mỹ là cường quốc không muốn đánh mất vị thế, trong lúc Trung Quốc thì không muốn đà vươn lên của mình bị gãy đổ.
Theo ông Schaeffer, điều tốt nhất cho cả hai bên là cố gắng chung sống với nhau một cách hòa hoãn nhất, dù vẫn nghi kỵ nhau tương tự như thời Chiến tranh Lạnh. Thời gian qua cũng đã có những sự cố nghiêm trọng, ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, những mỗi lần xảy ra một điều gì đó, thì Trung Quốc và Mỹ lại gặp nhau để bàn cách cải thiện các biện pháp mà hai bên đã đề ra để đối phó với những trường hợp đối đầu nhau trên biển, và trên không cũng vậy.
Liệu Trung Quốc có sẽ phớt lờ dư luận thế giới và luật pháp quốc tế để đẩy mạnh chiến lược độc chiếm Biển Đông hay không. Theo giới phân tích, câu trả lời sẽ được biết sau ngày 5/9, tức là sau khi Trung Quốc tổ chức xong Hội nghị Thượng đỉnh G-20 (4-5/2016). Từ nay đến đó, Bắc Kinh sẽ cố tránh những hành vi gây hấn.