Chưa có đường sắt, thì đường thủy nội địa mới là "cứu cánh" của Cái Mép – Thị Vải

VietTimes -- Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp Đánh giá thực trạng kết nối giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải chiều 27/9. Theo đó, cần phải xem đường thủy nội địa như là giải pháp nâng cao năng lực hoạt động cho khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Cảng Cái Mép - Thị Vải - (Nguồn Internet)
Cảng Cái Mép - Thị Vải - (Nguồn Internet)

Theo Cục Hàng hải VN, việc kết nối giao thông giữa các địa phương đến khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đang bị hạn chế, cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của một số cảng biển tại TP.HCM, khiến cho các bến cảng chưa có nhiều hàng hóa. Hiện có 35 cảng bến được quy hoạch và 17 cảng bến đang khai thác, nhưng tổng lượng hàng qua cảng năm 2015 mới chỉ đạt 20% tổng công suất.

Do vậy, Cục Hàng hải VN đề nghị Bộ GTVT đầu tư đường bộ để kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với khu vực cảng, đồng thời đầu tư một số đoạn tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt để tăng kết nối giao thông tới cảng. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đưa gợi ý, giải pháp dùng đường thủy, đường sắt để khơi thông nguồn hàng rất phù hợp với xu thế của thế giới. Trong điều kiện chưa thể đầu tư ngay đường sắt, nên ưu tiên đầu tư, khai thác hệ thống đường thủy phục vụ kết nối với khu vực Cái Mép - Thị Vải, đồng thời có cơ chế điều tiết hàng hóa từ khu vực TP.HCM để giảm ùn tắc đường bộ cho TP.HCM.

Còn theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, khu vực cảng biển Cá Mép – Thị Vải được xây dựng theo quy hoạch phát triển GTVT, năm 2013 Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng hiệu quả khai thác cảng này. Vì vậy, Cục Hàng hải VN cần đánh giá, báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp trên.

Theo Bộ trưởng, hiện nay hạ tầng giao thông của TP. Hồ Chí Minh đang phải chịu áp lực rất lớn, việc san sẻ áp lực này thông qua việc dịch chuyển vận tải biển ra khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải là cần thiết.

Bộ trưởng cho biết, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cao tốc có giá thành cao, rất khó cạnh tranh, vì vậy xu hướng đầu tư cao tốc để tạo kết nối sẽ khó cạnh tranh được với loại hình khác. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước Bộ GTVT cần đưa ra các chính sách, cơ chế để tạo sự phát triển cho các địa phương.

Vì vậy, Bộ trưởng nhận định, muốn giảm áp lực lên vận tải đường bộ trong điều  kiện, đặc điểm địa lý của khu vực phía Nam, nơi có hệ thống sông ngòi dày đặc thì phải vận chuyển hàng hóa theo phương thức vận tải thủy nội địa.

Đặc biệt, với vị trí địa lý của mình, khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải có tiềm năng tốt trong việc kết nối với các khu vực khác thì cần tập trung khai thác. Về tuyến đường sắt từ Trảng Bom đi Bà Rịa Vũng Tàu, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt có nghiên cứu cụ thể và báo cáo Bộ trong thời gian tới.

Đồng thời, hai Cục Đường thủy và Hàng hải phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án để khơi thông, kết nối bằng đường thủy giữa Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM với khu vực cảng, với cửa biển; Phương án kết nối luồng hàng từ Campuchia vận chuyển qua đường thủy để tới Cái Mép – Thị Vải.