Bản báo cáo dày 40 trang cho biết có 16 nước bị Trung Quốc xem là đối tượng của chiến lược «bí kíp ngoại giao nợ» và khống chế. Trong số các nước rơi vào kế hoạch này có Vanuatu, Philippines, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Tonga và Micronesia...
Theo báo Úc, The Australian Financial Review, một trong những trường hợp điển hình là Papua New Guinea, một quốc đảo nằm trong ảnh hưởng lịch sử của Úc, nhưng vì nợ nần Trung Quốc không trả được, phải chấp nhận trở thành một địa điểm chiến lược của Bắc Kinh và nhượng tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc khai thác. Trung Quốc cũng đang tiến hành thương lượng sơ bộ với quốc đảo Vanuatu để lập căn cứ hải quân chỉ cách nước Úc có 2.000 km.
Theo báo cáo, một vài nước Đông Nam Á đã trở thành «chi nhánh 100% của Trung Quốc». Các chuyên gia tác giả bản nghiên cứu lo ngại Trung Quốc sử dụng các nước này như những «lá phiếu phủ quyết ủy nhiệm», làm tê liệt ASEAN trong nỗ lực đối phó tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, con đường huyết mạch của hàng hải quốc tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí Úc, chuyên gia Sam Parker, đồng tác giả bản báo cáo cho biết Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra «hàng trăm tỷ USD, cho các nước không có khả năng thanh toán, vay mượn với dụng ý có qua có lại».
Để đối phó với chiến lược bành trướng sức mạnh của Trung Quốc, bản báo cáo khuyến khích chiến lược hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gồm bốn nước lớn bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, tăng cường vai trò của New Delhi và phát huy trật tự dựa trên nền tảng của khu vực.
Theo The Australian Financial Review, bản báo cáo mới dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều điểm tương đồng với chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump công bố hồi tháng 12/2017. Mỹ cảnh báo công luận thế giới là Trung Quốc đang thi hành một chính sách «gài bẫy tín dụng» để phục vụ tham vọng của Bắc Kinh.