Kế hoạch bị đảo lộn
Sau khi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lắng xuống, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch cho một chiến lược giám sát khu vực Trung Đông, đồng thời chuyển trọng tâm sang những thách thức lớn hơn từ Trung Quốc và Nga.
Kế hoạch này bao gồm việc giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông xuống chỉ còn một số tàu chiến, một vài đơn vị không quân và một số lượng nhỏ quân tại Iraq và Syria. Các nhóm tác chiến tàu sân bay dự kiến sẽ không được triển khai thường xuyên trong khu vực.
Để tăng cường năng lực, Lầu Năm Góc dựa vào các máy bay không người lái trên biển và trên không nhằm thu thập thông tin tình báo, cũng như vào sự hợp tác an ninh ngày càng chặt chẽ giữa Israel và các quốc gia Arab để đối phó với mối đe dọa từ Iran. Nếu tình hình trở nên căng thẳng, Mỹ có thể điều thêm quân tạm thời tới khu vực.
Chiến lược này phản ánh ưu tiên ngày càng cao mà chính quyền Trump và Biden đặt vào việc đối phó với Trung Quốc và Nga trong những năm qua. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị xáo trộn mạnh mẽ bởi làn sóng bạo lực gia tăng ở Trung Đông, bắt đầu từ ngày 7/10/2023.
Cuộc chiến bùng phát với các cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và nhanh chóng lan rộng. Khi giao tranh gia tăng ở Lebanon, Gaza, Syria, Iraq, Biển Đỏ và Iran, kế hoạch của Mỹ về cách thức ứng phó với các mối nguy trong khu vực đã bị đảo lộn.
Tình hình mới cho thấy Israel, một quốc gia vốn tự lập, giờ đây ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Trong năm qua, Israel đã dựa vào nguồn cung đạn dược từ Mỹ và nhận được sự hỗ trợ trong việc đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của đối thủ. Việc triển khai nhanh chóng các lực lượng hải quân và không quân của Mỹ đã góp phần ngăn chặn các cuộc tấn công lớn hơn từ Iran.
Mỹ buộc phải điều chỉnh các ưu tiên chiến lược để thích ứng với tình hình hiện nay. Trong năm nay, để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông, Lầu Năm Góc đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực. Tuy nhiên, việc điều chuyển một tàu sân bay từ Thái Bình Dương đã dẫn đến tình trạng không có tàu sân bay nào hiện diện ở khu vực này trong thời gian dài. Được biết, trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Mỹ không có kế hoạch để tàu sân bay hoạt động thường xuyên tại Trung Đông.
Trong khi Lầu Năm Góc mong muốn ngăn chặn tình trạng xung đột gia tăng, một số chuyên gia quân sự lại nhận định rằng Mỹ sẽ vẫn phải duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực trong nhiều năm tới.
Tướng Frank McKenzie, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, phụ trách khu vực Trung Đông, cho biết. “Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, nếu muốn tạo ra tác động thực sự đến các sự kiện trong khu vực và ngăn chặn Iran, việc triển khai lực lượng vào đây là điều cần thiết”.
Tình hình khu vực thay đổi nhanh chóng
Sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái tinh vi do Iran và các đồng minh khu vực triển khai đã làm phức tạp thêm tình hình và hạn chế thời gian phản ứng của Mỹ và Israel. Hơn nữa, các cuộc xung đột hiện tại cũng kéo dài hơn nhiều so với các cuộc chiến mà Israel từng tham gia, gây áp lực lên nguồn lực của nước này.
Cuộc chiến năm 2006 với Hezbollah ở Lebanon kéo dài 34 ngày, trong khi cuộc chiến với Hamas năm 2014 kéo dài 51 ngày. Hiện tại, cuộc chiến ở Gaza đã bước sang năm thứ hai.
Trước áp lực từ các mối đe dọa liên tục từ Iran, nhiều cựu quan chức Israel nhận thấy quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào Washington. Ông Assaf Orion, một tướng về hưu của Israel, nhấn mạnh rằng xung đột với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ không chỉ liên quan đến khả năng duy trì nguồn lực mà còn tác động đến sức mạnh quốc gia và khả năng sử dụng lực lượng trong thời gian dài, điều mà Israel khó có thể tự mình đạt được. Ông khẳng định rằng nhu cầu về một sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ là vô cùng rõ ràng.
Israel đã liên tục thông báo cho Mỹ về các cuộc tấn công của mình vào phút cuối, buộc Lầu Năm Góc phải gấp rút triển khai lực lượng để bảo vệ cả Israel lẫn các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Hành động này đã tạo ra những căng thẳng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và các đồng nghiệp Israel, theo thông tin từ các quan chức quốc phòng.
Hiện tại, Israel đang xem xét khả năng tấn công Iran để đáp trả việc nước này phóng khoảng 180 tên lửa vào lãnh thổ Israel vào đầu tháng này. Chính quyền Biden đã khuyến cáo Israel không nên nhắm vào các cơ sở hạt nhân và cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, nhằm giảm thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, Tướng không quân CQ Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết ông chỉ được thông báo về cuộc tấn công bằng máy nhắn tin chỉ khoảng một giờ trước khi nó diễn ra.
Với việc Mỹ triển khai lực lượng lớn để bảo vệ Israel và các lực lượng của mình, nhiều quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ cho rằng Lầu Năm Góc cần được thông báo trước khi Israel tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn.
“Người Israel cần phải hiểu rằng điều này đang khiến chúng tôi tốn kém rất nhiều”, Dennis Ross, cựu quan chức cấp cao về Trung Đông dưới các chính quyền đảng Dân chủ và Cộng hòa, phát biểu. “Tôi cho rằng chính quyền tiếp theo cần xây dựng một sự nhận thức chiến lược với Israel về cách chúng ta nhận diện các mối đe dọa, những hành động mà chúng ta sẵn sàng thực hiện, cũng như các giới hạn mà chúng ta sẽ đặt ra nhằm giảm thiểu những bất ngờ cho nhau”.
Quân đội Israel thừa nhận chịu thương vong lớn nhất kể từ sau Chiến tranh 1973
Bị suy yếu, Iran vẫn có thể kích hoạt lựa chọn hạt nhân cực kỳ nguy hiểm
Israel có thể từ bỏ ý định tấn công cơ sở hạt nhân Iran
Theo Wall Street Journal