Xung đột Nga-Ukraine khiến quốc phòng các nước EU suy yếu, Mỹ hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Xung đột giữa Nga và Ukraine đến nay đã kéo dài hơn 2 năm, EU bị sốc khi phát hiện kế hoạch “tái vũ trang châu Âu” giúp giới buôn vũ khí Mỹ kiếm bộn tiền nhưng lại gây tổn hại đến khả năng phòng thủ của chính họ.

Ba Lan mua 32 chiếc tiêm kích F-35 trị giá 6,5 tỉ USD của Mỹ (Ảnh: Sina)
Ba Lan mua 32 chiếc tiêm kích F-35 trị giá 6,5 tỉ USD của Mỹ (Ảnh: Sina)

“63% chi phí quốc phòng của các nước EU chảy vào túi Mỹ”

Trang Defense News ngày 10/9 cho biết, “Báo cáo về năng lực cạnh tranh của EU” do ông Mario Draghi, cựu Thủ tướng Italy và cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra, cảnh báo: các nước EU trong hơn 2 năm qua đã mua quá nhiều vũ khí và thiết bị từ nước ngoài, 2/3 là từ Mỹ, trong khi EU lại giảm đầu tư nghiêm trọng vào các dự án quân sự chung.

Báo cáo đề cập rằng một năm trước, Ủy ban Châu Âu đã yêu cầu ông Draghi viết một báo cáo đặc biệt về cách EU duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế xanh và kỹ thuật số của mình trong lúc xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng. Trong phần năng lực quốc phòng, bản báo cáo cho rằng 27 nước thành viên EU chưa tận dụng hết khả năng nghiên cứu và phát triển của mình để hiện đại hóa quân đội, mức đầu tư chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ.

Xe tang moi cua Rheinmetall.jpg
Mẫu xe tăng mới do hãng Rheinmetall của Đức phát triển (Ảnh: Sina).

Defense News cho biết kể từ năm 2014, các quốc gia thành viên NATO (hầu hết là thành viên của Liên minh châu Âu, EU) đã tăng cường chi tiêu quốc phòng, với mục tiêu mỗi quốc gia chi ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ càng kích thích các nước EU tăng chi tiêu quốc phòng.

Báo cáo năng lực cạnh tranh của EU dự đoán đến cuối năm nay, 23 trong số 32 quốc gia thành viên EU sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu 2% GDP. Các quốc gia này muốn chi ít nhất 20% ngân sách quốc phòng để mua các trang thiết bị mới, trong đó bao gồm cả tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, vốn rất quan trọng để hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên, đánh giá từ kết quả thực tế, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng của 27 quốc gia thành viên EU năm 2022 đạt tổng cộng 10,7 tỉ euro (khoảng 11,8 tỉ USD), chỉ chiếm 4,5% tổng chi phí. Trong khi đó Mỹ chi 140 tỉ USD, chiếm 16% ngân sách quốc phòng.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Mỹ thường xuyên kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng hầu hết số tiền liên quan đều chảy vào túi Mỹ. Từ năm 2022 đến năm 2023, 63% đơn đặt hàng quốc phòng của EU đã được trao cho các công ty Mỹ và 15% khác thuộc về các nhà cung cấp ngoài EU như Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

Apaphe AH-64.jpg
Trực thăng AH-64 Apache của Mỹ được nhiều nước EU mua (Ảnh: Sina).

EU không muốn "mua sắm nội bộ"

Báo cáo cho rằng điều này một phần là do châu Âu không đầu tư thích đáng để tạo ra các doanh nghiệp quốc phòng mạnh hơn.

Báo cáo nhấn mạnh những hạn chế của các nước EU khi chỉ đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của riêng thay vì mua sắm chung. Ví dụ, khi Ukraine yêu cầu các nước châu Âu cung cấp pháo, EU đã cung cấp tới 10 loại pháo khác nhau, bao gồm pháo tự hành "Caesar" của Pháp, pháo tự hành AS-90 của Anh, pháo tự hành PzH 2000 của Đức, lựu pháo tự hành “Grab” của Ba Lan...nhưng dù đều có cỡ nòng 155 mm, chúng vẫn sử dụng các loại đạn khác nhau, tạo thêm gánh nặng về hậu cần.

Vấn đề lớn hơn xuất phát từ việc các nước EU không muốn “mua sắm nội bộ”. Báo cáo cho biết việc mua một số vũ khí từ Mỹ “có thể hợp lý trong một số trường hợp vì không có sản phẩm tương ứng trong danh sách vũ khí của EU”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi các sản phẩm tương tự rõ ràng đã có sẵn trong nội bộ EU, họ vẫn chọn mua từ bên ngoài, điều này gây tổn hại rất lớn đến khả năng phòng thủ của EU.

may bay Rafale.jpg
Máy bay chiến đấu Dassault Rafale do EU phát triển (Ảnh: Sina).

Trang Politico đưa ra một ví dụ: châu Âu rõ ràng có khả năng sản xuất nhiều loại trang thiết bị tiên tiến, bao gồm máy bay chiến đấu "Typhoon" và "Rafale", xe tăng chiến đấu chủ lực "Leopard-2A7+", lựu pháo "Caesar" và PzH 2000, trực thăng “Eurocopter Tiger”...nhưng nhiều quốc gia vẫn đang mua thiết bị tương tự từ bên ngoài. Ví dụ, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Romania, Bỉ, Đan Mạch, Cộng hòa Séc… đã liên tiếp quyết định hoặc lên kế hoạch mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Công ty Lockheed Martin của Mỹ.

Báo cáo cũng đề cập rằng do không đủ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan và các đơn đặt hàng tiếp theo, quy mô và năng lực sản xuất của các công ty quốc phòng châu Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả trực tiếp là EU khó có thể tăng cường nguồn cung liên quan khi Ukraine cấp thiết cần vũ khí. Ví dụ, Ủy ban Châu Âu trước đây tuyên bố rằng tính đến tháng 1 năm nay, công suất sản xuất đạn pháo cỡ 155 mm ở các nước EU đã đạt 1 triệu viên mỗi năm. Sau đó vào tháng 6, Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton tuyên bố EU có kế hoạch tăng công suất sản xuất hàng năm lên 1,7 triệu viên vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, một báo cáo được một liên minh truyền thông quốc tế bao gồm nhiều cơ quan của Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan và Slovakia công bố vào tháng 7/2024 lại cho biết tuyên bố trên của EU khác xa sự thật: “Vào đầu năm nay, năng lực sản xuất đạn pháo 155mm của EU vẫn chưa đến 550.000 viên/năm”.

Phao K-9.jpeg
Pháo tự hành K-9 Thunder của Hàn Quốc được Romania và Ba Lan mua (Ảnh: Sina).

Mỹ kiếm bộn tiền

Việc các nước EU không sẵn lòng cùng phát triển và "mua sắm nội bộ" vũ khí có liên quan đến nhiều yếu tố. Đầu tiên là sự suy thoái của ngành chế tạo châu Âu và đầu tư quốc phòng dài hạn không đủ. Những tác động tiêu cực như vậy không thể giải quyết được bằng cách tăng cường đầu tư trong thời gian ngắn. Ví dụ, Anh đã đi đầu trong việc phát minh ra xe tăng trong Thế chiến I, nhưng giờ đây về cơ bản nước này đã mất đi khả năng sản xuất xe tăng và chỉ có thể nâng cấp một số xe tăng chiến đấu chủ lực "Challenger 2" hiện có với sự hỗ trợ kỹ thuật của Đức.

Thứ hai, do mức độ phức tạp ngày càng tăng của vũ khí hiện đại, các nước vừa và nhỏ ngày càng khó có thể gánh chi phí phát triển một cách độc lập và việc cùng phát triển thường lãng phí thời gian do tranh chấp lẫn nhau. Chẳng hạn, bắt đầu từ năm 2017, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã quyết định cùng phát triển thế hệ máy bay chiến đấu mới mang tên “Future Combat Air System” (Hệ thống tác chiến trên không trong tương lai), nhưng phải đến năm 2021, ba nước mới đạt được thỏa thuận về nghiên cứu và phát triển theo từng giai đoạn, quyền sở hữu trí tuệ và tiền vốn, dự án hiện đang tiến triển rất chậm.

Mặc dù Pháp và Đức từ lâu đã tuyên bố hợp tác phát triển thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhưng dự án này hiện đã đi vào bế tắc. Hai nước này đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực cải tiến đang được sử dụng của riêng.

Đồng thời, do NATO thống trị lâu dài về an ninh châu Âu nên vũ khí Mỹ sản xuất chiếm tỷ lệ lớn trong quân đội các nước. Do những cân nhắc khác nhau như quan hệ chính trị, cơ chế an ninh và bảo trì thiết bị, nhiều nước châu Âu đã trở nên phụ thuộc Mỹ về mặt quốc phòng và số lượng vũ khí do Mỹ sản xuất tiếp tục gia tăng.

Defense News cho biết, từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2023, trong số 80 tỉ USD đơn đặt hàng vũ khí mà Mỹ nhận được, các đơn đặt hàng từ châu Âu chiếm tới 50 tỉ USD, gấp 5 lần mức bình thường trong lịch sử.

Theo Sina