Xung đột bùng phát ở Sudan, đe dọa khởi đầu một cuộc nội chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 15/4, xung đột bùng phát tại thủ đô Khartoum của Sudan sau nhiều ngày căng thẳng giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) về kế hoạch chuyển đổi sang chế độ do dân sự lãnh đạo.

Lực lượng RSF cho biết đã giành quyền kiểm soát dinh tổng thống, dinh thự của tư lệnh quân đội và sân bay quốc tế Khartoum. Nhưng quân đội Sudan bác bỏ tuyên bố này và cho biết các chiến binh RSF đang cố gắng chiếm trụ sở của quân đội.

Hãng thông tấn AFP dẫn tuyên bố của phát ngôn viên quân đội, chuẩn tướng Nabil Abdallah cho biết: “Các chiến binh RSF tấn công một số doanh trại quân đội ở Khartoum và những vị trí khác xung quanh Sudan. Các cuộc đụng độ đang diễn ra và quân đội đang đánh trả, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước”.

Lực lượng không quân Sudan đã can thiệp để yểm trợ quân đội. Máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công đang hoạt động trên bầu trời Khartoum và những khu vực lân cận. Quân đội trong một tuyên bố cho biết, lực lượng không quân đã “phá hủy” các trại Tibah và Soba của RSF “được nước ngoài hậu thuẫn”.

Quân đội Sudan giao chiến với lực lượng bán quân sự RSF, không quân Sudan xuất kích yểm trợ cho quân đội. Video South Front.

Một số vụ nổ bùng phát tại Sân bay Quốc tế Khartoum và tòa nhà đài truyền hình quốc gia ở thủ đô.

Giao chiến diễn ra ở đài truyền hình thủ đô và trong sân bay quốc tế Khartoum. Video South Front.

Những cuộc xung đột vũ trang nhanh chóng lan sang thành phố Merowe ở phía bắc. Video xuất hiện trên mạng cho thấy khói bốc lên từ một doanh trại quân sự trong thành phố.

Xung đột vũ trang nhanh chóng lan rộng. Video South Front.

RSF dưới sự chỉ huy của tướng Mohamed Hamdan Dagalo. Lực lượng quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy, ông hiện đang là người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền, điều hành đất nước này kể từ cuộc đảo chính tháng 10/2021.

Xung đột vũ trang bùng nổ ra sau nhiều ngày căng thẳng giữa quân đội và RSF, khiến thế giới lo ngại về một cuộc nội chiến mới ở Sudan.

RSF được cho là sẽ tích hợp vào quân đội trong khuôn khổ kế hoạch thành lập chính phủ do lực lượng dân sự lãnh đạo ở Sudan. Lực lượng bán quân sự RSF muốn trì hoãn kế hoạch này trong mười năm, nhưng quân đội tuyên bố, kế hoạch này sẽ diễn ra trong 2 năm.

Bình luận về leo thang căng thẳng ở Sudan, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, tình hình ổn định ở Sudan rất "mong manh" nhưng nhấn mạnh, vẫn còn cơ hội để hoàn thành quá trình chuyển đổi sang chính phủ do dân sự lãnh đạo.

Ông Blinken, hiện đang có chuyến thăm Hà Nội cho biết, tình hình rất “mong manh” vì một số tác nhân “đang chống lại tiến trình đó”.

Đại sứ quán Nga tại Sudan bày tỏ lo ngại về "sự leo thang bạo lực" ở quốc gia này, kêu gọi các bên ngừng bắn và cùng ngồi vào bàn đàm phán. Đại sứ quán Nga cũng nói thêm, tình hình ở thủ đô Khartoum rất căng thẳng nhưng các cơ quan ngoại giao nước ngoài vẫn an toàn.

Cuộc đảo chính năm 2021 kết thúc khoảng thời gian hơn 2 năm, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự chia sẻ quyền lực sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Hiện nay, thất bại trong tiến trình chuyển sang một chính phủ do dân sự lãnh đạo và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đã làm gia tăng căng thẳng ở Sudan trong thời gian qua. Cuộc xung đột trên đất nước này có thể dẫn đến tới một cuộc nội chiến kéo dài.

Theo South Front