Trong tháng 3, xuất khẩu của Trung Quốc đã bất ngờ sụt giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. Số liệu xuất nhập khẩu mà Trung Quốc mới công bố đã làm xói mòn triển vọng của một trong những khu vực vốn có diễn biến tốt hơn mặt bằng chung của nền kinh tế trong những tháng vừa qua.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố sáng nay (13/4), kim ngạch xuất khẩu (tính bằng đồng nhân dân tệ) của Trung Quốc giảm 14,6% so với tháng 3 năm ngoái. Nhập khẩu cũng giảm 12,3% và Trung Quốc có thặng dự thương mại đạt 18,16 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3 tỷ USD).
Còn tính theo USD, xuất khẩu giảm 15% so với 1 năm trước trong khi nhập khẩu giảm 12,7% và Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại 3,08 tỷ USD. Xuất khẩu tới Mỹ giảm 8%, tới EU giảm 19% và tới Nhật giảm 25%.
Xuất khẩu sụt giảm làm dấy lên những hoài nghi về tính bền vững của lực cầu trên toàn cầu và càng làm sâu sắc thêm những thách thức đối với kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng dư thừa sản lượng và thị trường bất động sản gặp khủng hoảng. NHTW Trung Quốc mới đây đã nới lỏng các quy định về mua nhà, hạ lãi suất hai lần và giảm cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTW. Tất cả các biện pháp này đều hướng tới mục tiêu kích thích kinh tế.
Người phát ngôn của Tổng cục Thống kê Huang Songping nhận định tăng trưởng thương mại của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ lực cầu bên ngoài yếu ớt, tăng trưởng kinh tế chậm tốc và giá hàng hóa thế giới sụt giảm.
Đồng đôla Australia – loại tiền tệ được coi là “phong vũ biểu” thể hiện sức khỏe của kinh tế Trung Quốc do Australia xuất khẩu một lượng lớn nguyên liệu thô sang Trung Quốc – ngay lập tức giảm giá sau thông báo này. Ngược lại, chứng khoán Trung Quốc tăng điểm vì nhà đầu tư đồn đoán chính phủ sẽ bổ sung biện pháp kích thích kinh tế.
Ngày 15/4 tới, Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý I/2015. Theo dự báo của 38 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7%, thấp nhất kể từ quý I/2009.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg