Xử lý ngay 2 ngân hàng yếu kém: Sẽ có trường hợp đầu tiên của cơ chế mới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, cơ chế hỗ trợ đã có, thị trường chờ đợi khả năng sớm có trường hợp đầu tiên…
Hình minh họa
Hình minh họa

Như BizLIVE đề cập vừa qua , Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.

BizLIVE nhận được nhiều yêu cầu từ bạn đọc, tham vấn về việc xác định cụ thể 2 ngân hàng thương mại (NHTM) nói trên. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thông tin về phương án tái cơ cấu NHTM yếu kém, cũng như về tình hình tài chính liên quan, thuộc diện mật. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các chủ thể liên quan không công bố, ngoại trừ khả năng ở thời điểm thích hợp và nhất là khi định hình được điểm đến chắc chắn…

Tại thời điểm này, với những thông tin công bố thời gian qua, các NHTM yếu kém tại Việt Nam được xác định gồm: 3 NHTM mà NHNN mua lại bắt buộc những năm trước là CB, OceanBank và GPBank; ngoài ra có DongABank thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Dĩ nhiên vẫn còn những NHTM đang rất khó khăn nhưng không định vị cụ thể là yếu kém trong các thông tin trên thị trường hiện nay.

Đã nhiều năm qua có thời điểm tưởng chừng việc tái cơ cấu một số thành viên trong đó sẽ có kết quả, trong hướng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, qua sáp nhập vào một NHTM bình thường khác. Song, cho đến nay vẫn chưa có một điểm đến cụ thể nào. Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ là diễn tiến mới nhất, đối với công chúng.

Sau thông tin chỉ đạo trên, thị trường có thể hướng về nhiều khả năng. Trao đổi với BizLIVE, một số ý kiến quan tâm đề cập đến Eximbank, khi mà ĐHĐCĐ thường niên 2021 đến gần với triển vọng tổ chức thành công (thời điểm có Chỉ thị 01 nói trên); song đây là một NHTM hoàn toàn bình thường, không phải yếu kém và tình hình tài chính hiện không có ảnh hưởng tiêu cực tới an toàn hệ thống.

Cũng bằng cách loại suy, một NHTM khác được nhìn tới, song tại đây đang có vụ việc NHNN phải chuyển sang cơ quan điều tra và lộ trình có thể chưa sớm dứt điểm…

Trong khi đó, một hướng khác nhìn về khả năng sáp nhập giữa hai NHTM (gồm một thành viên cần phải tái cơ cấu) cùng có hội sở chính tại TP.HCM; hay đồn đoán từng nổi lên từ trong năm ngoái gắn với một NHTM mà NHNN đã mua lại bắt buộc…

Và mới hơn, thông tin về một NHTM cổ phần lớn hàng đầu vừa “đứng ra” thu xếp chi hỗ trợ cán bộ tại một NHTM yếu kém dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang được nhà đầu tư quan tâm.

Tái cơ cấu NHTM luôn là thông tin được quan tâm, dò xét như vậy, bởi nhiều thành viên đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mỗi sự kiện lớn liên quan đều có thể ảnh hưởng đến túi tiền nhà đầu tư. Tuy nhiên, như trên, tất cả đang ở phạm vi mật, theo quy định.

Còn với hệ thống, chỉ đạo trên của Thủ tướng được chờ đợi ở khả năng sẽ sớm có trường hợp đầu tiên của cơ chế mới, mô hình mới tại Việt Nam.

Như BizLIVE từng đề cập ở giai đoạn tưởng như sẽ sớm có những đích đến cụ thể trong xử lý các NHTM yếu kém trước đây, việc tái cơ cấu đã có được một cơ chế, mô hình hỗ trợ chưa từng có ở các giai đoạn trước.

Theo cách nói của người trong ngành, đây là mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”, đã được Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 mở ra. Luật này đã cho phép một cơ chế thuận lợi hơn trong sáp nhập để xử lý các NHTM yếu kém.

Hình dung chung, cơ chế cho phép khi một NHTM bình thường nhận sáp nhập, nhận chuyển giao một NHTM yếu kém, số sách tài chính sẽ được tách bạch mà không bị biến dạng theo. Thực tế trước đây, Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, hay SHB sáp nhập Habubank, việc hợp nhất báo cáo tài chính đã tạo nên những biến dạng phải khắc phục lâu dài, thậm chí mất cả chục năm.

Khi sổ sách của ngân hàng nhận sáp nhập, nhận chuyển giao bị níu kéo bởi NHTM yếu kém, các chỉ số tài chính và an toàn hoạt động sẽ bị suy giảm, bất lợi cho các hoạt động, có thể bất lợi cho giá cổ phiếu trên thị trường mà phía sau đó là lợi ích cổ đông, nhà đầu tư.

Vậy nên mô hình “ngân hàng trong ngân hàng” đã tạo điều kiện để khoanh vùng, hạn chế tác động tiêu cực đối với bên nhận sáp nhập, nhận chuyển giao, cũng như một cơ chế hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu sau đó.

Có nhiều cơ chế tạo điều kiện trong Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, như về trích lập dự phòng, về tái tạo vốn qua cho vay lãi suất thấp hoặc thậm chí 0%..., nhưng quan trọng nhất là mô hình mới nói trên.

Cụ thể, Điều 151e của Luật trên quy định về “Quyền của bên nhận chuyển giao” có những điểm rất đáng chú ý.

Thứ nhất, bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng có quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc đối với trường hợp NHTM được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, và đây là điểm đáng chú ý nhất.

Cùng đó, được loại trừ NHTM được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản vốn góp vào NHTM được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao…

Và một điểm nữa đáng chú ý là được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Với loạt điểm tạo điều kiện và hỗ trợ trên, với mô hình “ngân hàng trong ngân hàng” chưa từng có trước đây, triển vọng xử lý các NHTM yếu kém có một cơ sở quan trọng về cơ chế. Nếu 2 trường hợp yếu kém mà Thủ tướng chỉ đạo xử lý ngay đi theo hướng này thì cũng là một cơ hội cho các bên, cũng như cơ hội để thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu hệ thống nói chung.

Bên cạnh mở rộng quy mô và thị phần qua sáp nhập, qua nhận chuyển giao, nếu có các trường hợp thực hiện thời điểm này cũng là “thiên thời”. Bởi thị trường chứng khoán và thị giá cổ phiếu ngân hàng nói chung đã tốt hơn nhiều so với các giai đoạn trước (từ sau 2011, khi các NHTM yếu kém bắt đầu được xác định).

Theo BizLIVE