Vướng cơ chế, 05 dự án BT “khủng” tại Hà Nội sẽ ra sao?

VietTimes -- Bộ Tài chính cho biết đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và đăng trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến nhân dân; lấy ý kiến thành viên Chính phủ xây dựng Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Tuy đã chậm gần 1 năm nhưng đến nay Nghị định chưa thể hoàn thành, điều này đặt ra nhiều vấn đề cho các dự án đầu tư theo hình thức BT đang dang dở.
DA xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng là chủ đầu tư.
DA xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng là chủ đầu tư.

Về xử lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, tại buổi họp báo diễn ra chiều 5/10 Bộ Tài Chính cho biết, theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; Quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao.

Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT nhưng đến nay Nghị định chưa được ban hành.

Bộ Tài chính thông tin, tháng 3/2018 đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ mới được ra đời.

Đến thời điểm hiện tại Bộ đã dự thảo Nghị định này, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và đăng trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ ban hành Nghị định. Đồng thời dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ; Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì các cuộc họp về việc hoàn chỉnh dự thảo Nghị định.

Điều này đã ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT của các địa phương hiện nay.

Tại Hà Nội, mới đây UBND Thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 05 Dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT.

Trong đó bao gồm: DA đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai; DA xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; DA xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; DA xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng; DA xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân.

Những dự án này cũng khó có thể đẩy nhanh tiến độ, trong khi Bộ Tài chính chưa thể xây dựng xong Nghị định hướng dẫn.