Tổng giám đốc Đài truyền hình VN (VTV) Trần Bình Minh cho biết VTV sẽ thoái vốn khỏi ba đơn vị truyền hình trả tiền mà VTV đang sở hữu hoặc đồng sở hữu là: VTVcab (Truyền hình cáp VN), K+ (Truyền hình số vệ tinh VN), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist).
Theo đó, trong tương lai VTV sẽ chỉ quản lý nội dung, không có vai trò trong việc kinh doanh của các đơn vị này.
Người xem truyền hình, nhất là truyền hình thể thao, nhiều năm qua không ít lần phản ứng với VTV khi K+ đứng ra mua độc quyền bản quyền truyền hình Giải bóng đá ngoại hạng Anh.
Tuy nhiên, những tình huống như thế này trong tương lai sẽ không xảy ra khi VTV sẽ bán phần lớn số cổ phần tại K+ thay vì giữ cổ phần chi phối tới 51% như hiện nay. Ngoài ra, VTV cũng sẽ bán khoảng 49% cổ phần tại VTVcab và phần lớn cổ phần tại SCTV.
Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp THTT để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung
Ông TRẦN BÌNH MINH (tổng giám đốc VTV)
Bán xong trong năm 2016
Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp trực thuộc VTV là một trong những chủ trương VTV thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu triển khai từ nay đến năm 2016.
Hiện nay, VTV đang sở hữu, đồng sở hữu ba đơn vị truyền hình trả tiền (THTT), chi phối toàn bộ thị trường THTT tại VN. Theo báo cáo của Hiệp hội THTT VN (VNPayTV), tính đến tháng 6-2014 tổng số thuê bao THTT tại VN vào khoảng 7 triệu.
Trong số đó, ba đơn vị THTT trực thuộc VTV đã chiếm khoảng 5,1 triệu thuê bao bao gồm: SCTV 2,3 triệu thuê bao, VTVcab 2 triệu thuê bao, K+ 800.000 thuê bao.
SCTV được thành lập từ năm 1992, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trên cơ sở liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Sau 23 năm phát triển, SCTV là đơn vị THTT đứng đầu VN về số lượng thuê bao, phủ sóng 53 tỉnh thành trên cả nước.
Theo website của SCTV, đơn vị này hiện có đội ngũ lao động lên tới 3.200 nhân viên. Trong khi đó VTVcab (100% vốn của VTV, thành lập từ năm 1995) hiện đang “bá chủ” thị trường THTT khu vực phía Bắc.
Sinh sau đẻ muộn nhất (thành lập vào tháng 5-2009), K+ là công ty liên doanh giữa VTV và Tập đoàn truyền thông Canal+ (Pháp). Trong đó VTV nắm giữ 51% cổ phần, Canal+ nắm giữ 49%. Sau khi ra đời, K+ đã gây “sốc” với thị trường THTT và người hâm mộ thể thao khi đứng ra mua gói độc quyền bản quyền phát sóng Giải bóng đá ngoại hạng Anh ngày chủ nhật trong ba mùa 2010 - 2013, 2013 - 2016.
Hiện nay, ông Nguyễn Thành Lương - phó tổng giám đốc VTV - đang là chủ tịch hội đồng thành viên K+, tổng giám đốc của K+ là ông Lê Chí Công (nguyên phó chánh văn phòng VTV).
Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VTVcab diễn ra vào tháng 9, ông Trần Bình Minh cho biết bước đầu VTV sẽ thoái vốn khỏi VTVcab, sau đó đến lượt SCTV và K+.
Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp THTT, theo ông Minh, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung.
Đấu giá công khai, tiền thu được nộp về SCIC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Lương khẳng định VTV sẽ tổ chức đấu giá công khai khi bán cổ phần tại ba đơn vị nêu trên và số tiền thu được chuyển về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo ông Lương, việc CPH sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này quản lý và kinh doanh tốt hơn. Sau này khi CPH, VTV sẽ chỉ đóng vai trò đơn vị kiểm soát nội dung cho các đơn vị THTT.
“VTV sẽ chọn những nhà đầu tư mạnh về tài chính, quản lý điều hành tốt và đặc biệt phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực THTT.
VTV không chỉ tính đến việc bán cổ phần làm sao được nhiều tiền nhất mà còn phải tính đến việc khi đối tác mua cổ phần có mang lại giá trị, đem hiệu quả cho doanh nghiệp về sau này. Sau CPH, hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ giám sát bảo vệ quyền lợi của khách hàng là thuê bao của các đơn vị THTT” - ông Lương nói.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Huấn - tổng giám đốc VTVcab - cũng cho rằng CPH là xu hướng của thị trường THTT và VTVcab đã chuẩn bị việc này. “Dự kiến VTV sẽ bán 49% cổ phần tại VTVcab, 51% còn lại VTV sẽ vẫn nắm để giữ vai trò chi phối” - ông Huấn cho biết.
Theo ông Huấn, việc VTV vẫn giữ cổ phần chi phối bởi VTVcab không chỉ là đơn vị THTT mà còn có trách nhiệm truyền dẫn một số kênh sóng thiết yếu của truyền hình quốc gia.
Việc VTV tiếp tục chi phối sẽ giúp VTVcab phát triển theo định hướng, trong khi CPH giúp VTVcab có đủ nguồn lực từ những đối tác chiến lược, có kinh nghiệm trong phát triển THTT.
“Tôi cho rằng các thuê bao của VTVcab sẽ được hưởng nhiều tiện ích như dịch vụ tốt hơn, chương trình hay hơn, nhiều gói bản quyền hấp dẫn hơn khi VTVcab được CPH” - ông Huấn nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Chí Công cho biết dự kiến VTV sẽ bán phần lớn cổ phần tại K+ và chỉ giữ lại một phần vốn nhỏ, đóng vai trò kiểm soát nội dung của K+ là chính. Theo ông Công, khi đến VN kinh doanh, Canal+ muốn kết hợp với VTV để làm việc.
Tuy nhiên, đối tác này cũng ủng hộ chủ trương CPH K+ của VTV. “CPH nhằm thu hút thêm nguồn lực, gia tăng sức mạnh cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Hiện nay K+ đã là liên doanh VN với nước ngoài, vì thế khi bán phần vốn của mình tại K+, VTV nhiều khả năng sẽ bán cho một đối tác có tiềm lực trong nước” - ông Công cho biết.
Để thị trường quyết định
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một đơn vị THTT tại VN cho biết trong các lĩnh vực kinh doanh hiện nay, đầu tư vào THTT là “siêu” lợi nhuận. Vị này cho biết tăng trưởng của một đơn vị THTT trong một năm vào khoảng 130 - 140%. Đầu tư vào THTT có thể đem lại lợi nhuận lên tới 30 - 40 %/năm, hiếm có lĩnh vực kinh doanh nào thời điểm này kiếm nhiều tiền đến vậy.
“Sau khi biết một số đơn vị THTT của VTV sẽ được CPH, trên thị trường THTT thời gian qua xôn xao với thông tin một tập đoàn viễn thông lớn của VN sẽ sớm nhảy vào VTVcab. Với số thuê bao lớn, lợi nhuận cao, chắc chắn cả VTVcab, SCTV, K+ sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư mạnh nhảy vào khi VTV bán cổ phần” - vị này nhận định.
Bán cổ phần tại một đơn vị THTT thì những gì sẽ được mang ra bán là câu hỏi nhiều người đặt ra đối với VTV.
Chia sẻ về điều này, tổng giám đốc K+ Lê Chí Công cho biết với THTT, người ta sẽ tính giá trị của đơn vị đó dựa trên: trang thiết bị đầu tư cho hệ thống truyền hình đó (ví dụ như ở K+ là trạm thu vệ tinh gần 20 triệu USD đã được đầu tư); định giá số lượng và giá trị của các thuê bao (hiện nay K+ có 800.000 thuê bao, mỗi thuê bao sẽ được tính ra một số tiền nhất định). Tôi cho rằng VTV chỉ bán một phần cổ phần tại K+ cũng đã thu được hàng ngàn tỉ đồng.
Còn ông Lê Đình Cường, tổng thư ký VNPayTV, cho biết việc VTV CPH các đơn vị THTT thuộc VTV là tín hiệu rất đáng mừng đối với thị trường THTT VN.
“CPH là xu hướng tất yếu của THTT, để thị trường điều chỉnh việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tiền thì mua cái hay về phát, ít tiền thì mua cái vừa. Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn việc mua món hàng nào để phục vụ việc giải trí của gia đình mình” - ông Cường nói.
VTV có lãi khi bán cổ phần ở K+
Khi được thành lập vào năm 2009, vốn điều lệ của K+ là 20 triệu USD, trong đó phía VTV góp hơn 10 triệu USD (chiếm tỉ lệ 51% cổ phần), còn lại là Canal+ International Development góp 9,78 triệu USD.
Tuy nhiên, VTV không góp bằng tiền mà bằng khoảng 100.000 thuê bao DTH từ VTVcab (khi đó là VCTV) chuyển sang cùng hệ thống kỹ thuật trạm thu phát sóng tại Vĩnh Phúc.
Để có đủ vốn đầu tư sau khi ra đời, ngoài 20 triệu USD vốn điều lệ, K+ đã vay thêm 34 triệu USD từ công ty mẹ Canal+ (Pháp). Sau sáu năm ra đời, tháng 6-2015 K+ thông báo đã đạt điểm hòa vốn.
Tăng trưởng thuê bao của K+ đạt bình quân 140%/năm, doanh thu tăng 150%/năm, tổng doanh thu đạt trên 1.200 tỉ đồng/năm. Với việc góp vốn chỉ bằng thuê bao của khách hàng và hạ tầng đã khấu hao, một đại diện K+ cho biết VTV sẽ lãi lớn khi bán cổ phần ở K+.
* Ông Lê Đình Cường (tổng thư ký VNPayTV):
Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi
Việc VTV bán vốn tại các doanh nghiệp này là tín hiệu tốt cho thị trường THTT và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Một khi những nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh tham gia, thị trường này sẽ cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp muốn tồn tại phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng không quá lo lắng việc tăng giá thuê bao, bởi hiện thị trường THTT VN có đến 40 - 50 nhà cung cấp tham gia, cạnh tranh rất khốc liệt.
Theo Tuổi trẻ