'VPBank không có sức ép chuyển nợ xấu đối với trái phiếu Novaland'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh đã cho biết như vậy tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (AGM 2023) của VPBank.

Tại AGM 2023, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) Nguyễn Đức Vinh, cho biết VPBank hiện đang đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp.

So với thời điểm cuối năm 2022, giá trị trái phiếu đầu tư của VPBank đã giảm hơn 5.000 tỉ đồng. Ngân hàng đang có kế hoạch giảm con số này xuống 20.000 tỉ đồng vào cuối tháng 6/2023 và mục tiêu tới cuối năm 2023 giảm hơn 50% giá trị trái phiếu.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank (Ảnh: Văn Lâm)
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank (Ảnh: Văn Lâm)

Theo ông Vinh, danh mục trái phiếu đầu tư của VPBank chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, chiếm gần 60%. Hơn 40% còn lại là trái phiếu của các doanh nghiệp khác như Masan, Becamex, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí.

CEO VPBank khẳng định 100% trái phiếu mà VPBank đầu tư đều có tài sản đảm bảo. Đồng thời, ngân hàng cũng là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo nên có đủ điều kiện để đưa ra phương án xử lý nếu các trái phiếu này có vấn đề nảy sinh.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, thông qua kênh trái phiếu, VPBank đã tài trợ vốn cho hơn 40 dự án bất động sản, nhưng không có khoản đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ của ngân hàng.

Đối với trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã CK: NVL), ông Vinh cho biết cả dư nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp này tại VPBank là không đáng kể.

Lãnh đạo VPBank thừa nhận Novaland đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, song dòng tiền cho vay khách hàng cá nhân mua dự án của doanh nghiệp này vẫn đáp ứng nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

“Có thể khẳng định, từ nay cho đến cuối năm, chúng tôi không có sức ép về chuyển nợ xấu đối với trái phiếu của Novaland”, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng việc cấu trúc lại nợ cho Novaland là yêu cầu cấp thiết. VPBank cũng đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp, có thể là chuyển nhượng dự án, đóng dần một số khoản nợ với doanh nghiệp này.

Ngân hàng giải chấp gần 2.500 tỉ đồng để Novaland tái cơ cấu nợ

Novaland vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 2.181,5 tỉ đồng, giảm 38,7% so với năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của Novaland đạt 257.734,8 tỉ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 212.917 tỉ đồng, trong đó tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn đạt 64.868,8 tỉ đồng, riêng nợ vay trái phiếu đạt 44.170 tỉ đồng.

Trên báo cáo tài chính, hãng kiểm toán PwC nhấn mạnh tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp.

"Tập đoàn đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Giả định về hoạt động liên tục phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như các giải pháp tạo ra dòng tiền", PwC cho biết.

Ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính hợp nhất của Novaland
Ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính hợp nhất của Novaland

Hãng kiểm toán cho biết, tại ngày 31/12/2022, Novaland có 5.537 tỉ đồng bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Tính đến ngày lập báo cáo, Novaland đã đạt được thỏa thuận giải chấp số tiền 2.498 tỉ đồng và số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận.

Về phương án phát hành cổ phiếu, Novaland đang lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành 1,95 tỉ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động tổng cộng 29.250 tỉ đồng.

Hoạt động tái cấu trúc nợ vay và trái phiếu của Novaland cũng đạt được những kết quả tích cực khi đã thanh toán được 1.985 tỉ đồng dư nợ gốc. Nhiều chủ nợ đồng ý gia hạn thời gian đáo hạn hoặc nhận thanh toán bằng tài sản khác.

Novaland cũng nhận được sự cam kết hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn Nova Group, hỗ trợ nhóm công ty thanh toán các khoản nợ đến hạn khi cần thiết để duy trì hoạt động liên tục trong 12 tháng tiếp theo.

Từ các yếu tố nêu trên, Ban Tổng giám đốc Novaland tin rằng tập đoàn sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn trong vòng một năm tới.

"Tập đoàn đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, nhằm giúp tập đoàn cải thiện sức khỏe tài chính và tập trung hơn vào mảng kinh doanh cốt lõi", báo cáo của Novaland nêu./.