VPBank – Bệ đỡ vững vàng từ ngân hàng mẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Là một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực chuyển đối số, VPB hiện có mức CIR tối ưu, qua đó củng cố vững chắc hơn nữa hiệu quả hoạt động của nhà băng này.

Thời điểm 2010 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử VPBank (HOSE: VPB) khi ngân hàng thực hiện chiến lược chuyển đổi sang mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Kể từ đó, VPBank đã bước vào thời kỳ thành công rực rỡ với mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng cả về quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu, đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam và là biểu tượng vươn lên của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).

Trong đó, vai trò của ngân hàng mẹ với chiến lược linh hoạt, tốc độ tăng trưởng cao của các khối chiến lược trên nền tảng vững chắc từ chiến lược số hóa ngân hàng tiếp tục là điểm tựa tạo sự đột phá cho tập đoàn trong giai đoạn tới.

Sự tăng trưởng vượt bậc của VPBank thể hiện sinh động ở mức độ mở rộng mạng lưới các chi nhánh, điểm giao dịch trên toàn quốc cùng sự phát triển đa dạng của các kênh bán hàng và phân phối, trong đó, tinh hoa của mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại chính là chiến lược phục vụ đa phân khúc khách hàng.

Trong khi FE Credit thống lĩnh thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam với hơn 45% thị phần tại phân khúc phổ thông và cận phổ thông, ngân hàng mẹ tập trung phát triển và mở rộng vào những phân khúc khách hàng cao hơn, thể hiện ở số lượng khách hàng có thu nhập cao (AF) và trung bình-cao (mass AF) tăng trưởng trên 50% so với thời điểm đầu năm 2022.

Các phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (KHCN) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh của ngân hàng với tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt mức rất cao, trên 33% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng hơn 58% tổng danh mục cho vay của ngân hàng mẹ.

Tính đến cuối quý 2/2022, tăng trưởng dư nợ từ 2 phân khúc này đạt hơn 20% so với thời điểm đầu năm, nâng tỷ trọng đóng góp lên 61% với doanh số giải ngân tăng trưởng 33,5% so với cùng kỳ.

Các mảng cho vay này có ưu điểm mang lại lợi suất cao và dễ dàng áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số, hứa hẹn khả năng tăng trưởng ấn tượng.

Đồng thời, chất lượng các khoản vay này cũng rất tốt giúp cho tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ được kiếm soát dưới 2% tại cuối quý 2/2022 góp phần nâng cao chất lượng tài sản hợp nhất.

Sở hữu tệp khách hàng lớn trải dài trên tất cả các phân khúc, VPBank có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong việc thực hiện chiến lược bán chéo sản phẩm cũng như gia tăng các dịch vụ thu phí, từ đó thúc đẩy và tăng cường thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ (NFI) cũng như thu nhập ngoài lãi (NoII).

Trong 6 tháng đầu năm, NFI riêng lẻ tăng trưởng 37% so với cùng kỳ đạt 2,518 tỷ đồng; nếu xét số riêng lẻ của top 5 ngân hàng TMCP có vốn hóa lớn nhất ngành thì VPBank đang dẫn đầu.

Hơn nữa, với việc VPBank và AIA đã gia hạn thành công Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, doanh số bảo hiểm từ AIA tăng trưởng 66% so với cùng kỳ và tổng thu nhập từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao trên thị trường.

Đáng chú ý, đây chỉ là sự bắt đầu cho mối quan hệ hợp tác dài lâu, trong đó, các khoản thưởng (bonus) dự kiến sẽ càng đóng góp lớn hơn cho các nguồn thu ngoài lãi, từ đó tạo nền tảng hướng tới mục tiêu top 3 ngân hàng về hoạt động bảo hiểm nhân thọ.

Bên cạnh việc mở rộng tệp khách hàng và tăng trưởng cao đối với các mảng cho vay chủ lực như KHCN và SME thì việc kiểm soát chi phí nhằm đạt mức hiệu quả cao cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Nỗ lực số hóa ngân hàng đã đem đến quả ngọt và giúp ngân hàng riêng lẻ cải thiện mạnh mẽ trong việc quản lý chi phí hoạt động đưa mức tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động (CIR) giảm từ gần 58% trong 2012 xuống còn 15,8% trong quý 2/2022 (sau khi loại bỏ khoản thu nhập bất thường từ thương vụ với AIA tỷ lệ này là 20,7%), đây được xem là mức CIR thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành hiện tại.

Điều này cho thấy VPBank vẫn duy trì hiệu quả hoạt động rất cao so với các ngân hàng khác và sẽ tiếp tục tối ưu CIR thông qua số hóa và tự động hóa.

Như vậy, có thể thấy sự tăng trưởng thần tốc của VPBank trong hơn 10 năm vừa qua có sự đóng góp rất lớn từ bệ đỡ ngân hàng mẹ.

Trước hết, sự hoàn thiện bề rộng trong chiến lược phục vụ đa phân khúc làm nền tảng cho lợi thế cạnh tranh, cùng quy mô hàng đầu trong ngành, tạo điều kiện để phát triển chiến lược bán chéo cấp tập đoàn và sự đột phá chiều sâu thể hiện ở tăng trưởng thần tốc tại các khối chiến lược (KHCN và khách hàng SME).

Quan trọng hơn, với lợi thế là một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực chuyển đối số đã giúp VPB đạt mức CIR tối ưu, qua đó củng cố vững chắc hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình. Bệ đỡ vững chắc từ ngân hàng mẹ được kỳ vọng giúp VPBank tiếp nối đà tăng trưởng ấn tượng để hoàn thành tầm nhìn tham vọng top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông của ngân hàng./.