Viettel Global đặt mục tiêu đạt 46 triệu thuê bao, sáp nhập Viettel Overseas trong năm 2019

VietTimes -- Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của Viettel Global cho thấy cổ đông dành nhiều sự quan tâm đến hiệu quả hoạt động của tập đoàn này tại các thị trường quốc tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày 28/6/2019 vừa qua, Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã CK: VGI) đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Chiếm lĩnh vị thế top 3 thị trường Myanmar sau 8 tháng kinh doanh

Theo các báo cáo tại đại hội, năm 2018, Viettel Global đạt 25.082 tỷ đồng doanh thu thuần, (trong đó, doanh thu từ dịch vụ tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm trước, đạt 15.500 tỷ đồng).

Lợi nhuận gộp của tập đoàn đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng trưởng 19%, giúp nâng tỷ suất lợi nhuận gộp lên mức 31,5%. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận cao nhất mà VGI đạt được trong 4 năm trở lại đây.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh hợp nhất của VGI trong năm 2018 ghi nhận khoản lỗ ròng 1.070,9 tỷ đồng sau khi ghi nhận khoản lỗ 1.940 tỷ đồng từ Công ty Mytel (là công ty liên kết mà VGI mới đầu tư tại thị trường Myanmar). Sau khi tính đến nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất, Hội đồng quản trị VGI đề xuất sẽ không thực hiện chia cổ tức cho năm 2018 và đã được cổ đông thông qua.

Theo tìm hiểu, khoản lỗ từ công ty liên kết của VGI chủ yếu đến từ thị trường Myanmar nhưng đổi lại, tập đoàn này đã nhanh chóng vươn lên trở thành nhà mạng top 3 tại thị trường này chỉ sau 8 tháng chính thức hoạt động.

Tính đến tháng 5/2019, nhà mạng Mytel của VGI đã đạt 5,5 triệu thuê bao, có hạ tầng chiếm 50% cơ sở hạ tầng cáp quang (7.000 trạm 2G/3G/4G và 30.000 km cáp quang), vượt trội hơn so với 3 nhà mạng viễn thông trước đó của Myanmar sử dụng hệ thống truyền dẫn viba.

Ban lãnh đạo VGI cho biết, do mới khai trương từ tháng 6/2018 nên doanh thu của Mytel chưa đủ bù chi phí, khoản lỗ đã được dự tính trước trong kế hoạch đầu tư.

Trong năm 2019, Mytel đặt mục tiêu đạt mốc 8 triệu thuê bao và kinh doanh có lãi, điều chỉnh định hướng kinh doanh đi vào chiều sâu, chuyển dịch số để tạo ra sức cạnh tranh mới.

Đối với thị trường châu Phi, trả lời câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh tại từng thị trường, đại diện VGI cho biết đã có thị trường Mozambique và Burundi đã có lãi, thị trường Cameroun chưa có lãi do chưa thống nhất với cổ đông địa phương về kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, tại thị trường Tanzania, doanh thu chưa đủ bù chi phí trong năm 2018 nhưng theo kế hoạch 2019, doanh thu sẽ bù được chi phí và tới năm 2020 sẽ bù được khấu hao.

Báo cáo tình hình sử dụng vốn điều lệ năm 2018 của VGI (Nguồn: Viettel Global)
Báo cáo tình hình sử dụng vốn điều lệ năm 2018 của VGI (Nguồn: Viettel Global)

Sáp nhập Viettel Overseas để giảm bớt lớp trung gian

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo VGI đã trình cổ đông thông qua một loạt các tờ trình liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2019, thay đổi thành viên HĐQT và kế hoạch sáp nhập công ty Công ty TNHH Viettel Overseas (Viettel Overseas - viết tắt: VTO).

Theo đó, VGI đặt mục tiêu tăng trưởng khách hàng 10% so với năm 2018, đưa tổng số lượng khách hàng ở thị trường nước ngoài đạt 46 triệu thuê bao. Tổng doanh thu cũng được đặt mục tiêu tăng trưởng từ 15 - 20%. Trong đó, các thị trường Châu Phi, Châu Mỹ dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số; thị trường Châu Á dự kiến tăng trưởng tốt.

VGI cũng cho biết sẽ tạm dừng xúc tiến đầu tư tại các thị trường mới nhằm tập trung củng cố các thị trường hiện tại.

Về định hướng chiến lược và các kế hoạch trung hạn, VGI hiện đã xây dựng kế hoạch dài hạn cho 9/10 thị trường, với mục tiêu hoàn vốn 5 - 6 năm với thị trường châu Á, 8 - 10 năm với thị trường châu Mỹ, 12 - 13 năm với thị trường châu Phi.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua việc cho phép sáp nhập VTO vào VGI. Được biết, VTO được thành lập vào năm 2010, có quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Chủ tịch kiêm Giám đốc của công ty này là ông Đào Xuân Vũ.

Theo tìm hiểu, VTO cùng với Ngân hàng trung ương Haiti (BRH) và Công ty viễn thông Haiti (Teleco) thành lập nên Công ty National Telecom S.A (Công ty Natcom) để đầu tư dự án tại Haiti (Dự án hợp tác đầu tư mở rộng mạng viễn thông tại Haiti).

Ban đầu, VGI kỳ vọng sẽ huy động được nguồn vốn đầu tư từ bên thứ 3 thông qua Công ty Natcom song kết quả không như mong đợi.

“Vì trên thực tế toàn bộ vốn góp vào Natcom hiện nay vẫn bằng tiền mặt thông qua VTO và bán thiết bị trả chậm cho VTO để VTO góp vốn bằng thiết bị cho dự án đầu tư tại Haiti (Công ty Natcom) nên không huy động được vốn từ bên thứ 3” - VGI cho biết nguyên nhân trong tờ trình và nhận định việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập công ty VTO giúp bớt đi lớp trung gian là hợp lý.

Một nội dung khác cũng đã được các cổ đông thông qua là việc bầu bổ sung, thay thế thành viên HĐQT VGI nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Cụ thể, 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Đình Chiến và ông Hoàng Văn Ngọc đã xin từ nhiệm với lý do sức khỏe không đảm bảo, chuyển công tác. Do đó, HĐQT đã đề nghị cổ đông bầu bổ sung bà Vũ Thị Mai (sinh năm 1980) và ông Phan Trường Sơn (sinh năm 1978) đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐQT giai đoạn năm 2018 - 2023.

Bà Vũ Thị Mai gia nhập Viettel từ năm 2013, có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhân sự và trải qua nhiều chức vụ như: Phó Giám đốc Học viện Viettel, Phó Ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel.

Trong khi đó, ông Phan Trường Sơn, có hơn 15 năm trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Ông Sơn gia nhập Viettel từ năm 2006 và trải qua nhiều chức vụ như: Giám đốc chi nhánh tỉnh của Viettel, Trưởng phòng chiến lược kinh doanh của Viettel Global, Phó TGĐ của Công ty Viettel Cambodia tại Campuchia và Phó TGĐ Công ty Star Telecom tại Lào./.