Việt Nam tự sản xuất thành công hệ thống cảnh giới không phận hiện đại

Ít ai ngờ ngay tại thời điểm này, Việt Nam đã bắt đầu tự nghiên cứu, sản xuất những thiết bị quân sự hiện đại. Một trong số đó là Hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời Quốc gia (Hệ thống CGBVVTQG).
Vận hành Hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia do Viettel sản xuất.
Vận hành Hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia do Viettel sản xuất.

 Những người thực hiện các dự án ấy đều rất trẻ, thậm chí nhiều người mới rời ghế nhà trường. Khát vọng cháy bỏng về sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã thôi thúc họ nghiên cứu ngày đêm, quên ăn, quên ngủ và đã chế tạo được những sản phẩm đáng tự hào. 

Nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi”

Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) một ngày làm việc bình thường. Trên màn hình của Hệ thống CGBVVTQG có hàng trăm chấm màu vàng, xanh, đỏ nhấp nháy. Đó là những chiếc máy bay đang di chuyển trong vùng trời Việt Nam. Chúng được phân loại rõ ràng: Máy bay trong nước, máy bay quốc tế, máy bay chưa xác định… Nhìn vào đó, các cán bộ trực có thể hình dung một cách rõ ràng “bức tranh trên không” của đất nước, từ đó có phương án xử lý hữu hiệu. Điều đặc biệt là hệ thống nói trên do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, sản xuất. Đầu tháng 1-2015, hệ thống này đã được chính thức vận hành và cung cấp tới tất cả các đơn vị phòng không trong toàn quân.

Đại tá Bùi Anh Sơn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý dự án VQ2 (Quân chủng PK-KQ) cho biết, hệ thống CGBVVTQG của Viettel không chỉ thay thế hoàn toàn hệ thống do nước ngoài sản xuất mà còn có nhiều tính năng vượt trội. Hệ thống có ngôn ngữ hiển thị bằng tiếng Việt, nếu cần hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ được đáp ứng kịp thời nên rất tiện lợi. 

Hệ thống CGBVVTQG thế hệ trước đây của Việt Nam do một tập đoàn nổi tiếng của nước ngoài sản xuất từ năm 1998. Các thiết bị phần cứng của hệ thống cũ đã xuống cấp mà không có thiết bị thay thế do phần mềm (được cung cấp bởi đối tác nước ngoài) không thể được cài đặt trên phần cứng mới. Hơn nữa, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh ngày càng có những yêu cầu mới mà hệ thống cũ không đáp ứng được. Nếu muốn nâng cấp hoặc mua mới thì số tiền cần bỏ ra sẽ là rất lớn. Vì thế, vấn đề bức thiết đặt ra là cần phải nội địa hóa, làm chủ công nghệ hệ thống cũ, đồng thời phát triển các giai đoạn tiếp theo. Bộ Quốc phòng đã tin tưởng giao nhiệm vụ đầy thách thức này cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Tuy nhiên, khi Viettel nhận nhiệm vụ, không ít người còn tỏ ý lo ngại.

Tại một hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, có người đã giội thẳng “gáo nước lạnh”: “Việt Nam chưa đủ sức làm dự án này!”. Ý kiến này không phải không có lý, bởi công nghệ của dự án này quá phức tạp so với sức nghiên cứu, chế tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay tại hội thảo ấy, lãnh đạo Viettel đã khẳng khái: “Việt Nam có thể tự nghiên cứu, sản xuất được hệ thống này!”. Bộ Quốc phòng rất ủng hộ quyết tâm đó.

Đại tá Bùi Anh Sơn nhớ lại, khi được giao nhiệm vụ đề ra yêu cầu cho phía Viettel nghiên cứu, sản xuất, đồng chí cũng đầy hoài nghi, nhất là khi nhìn vào đội ngũ cán bộ, kỹ sư nghiên cứu của Viettel. “Kỹ sư của bên ấy (Viettel-PV) phần lớn đều rất trẻ. Nhiều người lần đầu tiên mới được tiếp cận một dự án liên quan đến quốc phòng-an ninh. Thú thật là mới đầu chúng tôi không tin là họ sẽ làm nên trò trống gì. Nhưng bây giờ thì tôi khâm phục họ: Trẻ và tài năng”, Đại tá Bùi Anh Sơn nói. 

Trực tiếp thực hiện công trình này là 50 thành viên của Trung tâm Nghiên cứu hệ thống chỉ huy và điều khiển (Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel). Các cán bộ của trung tâm phần lớn là thế hệ 8x, thậm chí một số người thuộc thế hệ 9x. Trong đó có những cán bộ trẻ đã từ bỏ những công việc rất tốt tại nước ngoài để về Viettel, sát cánh với nhau làm ra những sản phẩm của Việt Nam. Đại úy QNCN Vũ Tuấn Anh, một chàng trai có vóc người nhỏ bé và đôi mắt sáng, sinh năm 1980, cựu sinh viên Khoa Công nghệ thông tin-Đại học Quốc gia Hà Nội, là kỹ sư trưởng của dự án.

Để tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, lãnh đạo Viettel, lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel và một vài thành viên của dự án đã rong ruổi cả chục quốc gia. Tại những nước trên, họ thấy cán bộ nghiên cứu đều trong độ tuổi từ 40 đến hơn 60. “Trong khi đó, cán bộ của mình phần lớn đều dưới 30 tuổi, mặt mũi trẻ măng”, Tuấn Anh cười nói. 

“Dò đá qua sông”

Hệ thống quản lý vùng trời thế hệ đầu do đối tác nước ngoài nghiên cứu, sản xuất, phải mất tới 5 năm ròng. “Tây” giàu kinh nghiệm mà cũng chật vật mãi mới xong, ấy vậy mà dự án được lãnh đạo tập đoàn yêu cầu chỉ được làm trong khoảng một năm rưỡi. Thách thức lớn đến vậy, những người nghiên cứu vẫn tin mình sẽ thành công. Tuy thế, khi nhận nhiệm vụ xong, các thành viên của dự án cũng chưa biết chính xác phải bắt đầu từ đâu. Do vậy, phương pháp “dò đá qua sông”-nhận diện và giải quyết công việc từng bước-đã được sử dụng.

Nhiệm vụ đầu tiên và có lẽ cũng khó nhất của dự án là phải lấy được dữ liệu đầu vào, tức là phải kết nối được với các trạm ra-đa được bố trí rộng khắp toàn quốc. Tại Việt Nam có cả ra-đa phục vụ hàng không dân dụng và ra-đa quân sự. Ban dự án quyết định tiếp cận hệ thống ra-đa hàng không dân dụng trước, bởi dễ tìm được đặc tả chung của đài ra-đa (cấu tạo, cơ chế hoạt động) và giao thức kết nối chung (ngôn ngữ để nói chuyện với đài ra-đa này) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO). Nhưng cái khó là đặc điểm riêng của từng loại đài. Tại Việt Nam có nhiều loại ra-đa của các hãng sản xuất khác nhau. Thời gian trang bị khác nhau nên ngôn ngữ từng đài cũng khác nhau. 

Sau khi được cung cấp một vài tài liệu đặc tả của các loại đài ra-đa dân dụng đang được sử dụng, nhóm phấn khởi khẩn trương bóc tách thông tin cần thiết. Ấy vậy mà sau cả tuần hì hụi, kết quả là số không. Anh em nghi nghi, hoặc hoặc. Dường như có điều gì không đúng?! Và thật bất ngờ, họ phát hiện ra: Tài liệu mà nhà sản xuất đã cung cấp khi chuyển giao đài ra-đa cho ta không phải là tài liệu của đài ra-đa đó! Như vậy, phải chăng nhà sản xuất chỉ muốn ta biết dùng ra-đa, nhưng không muốn ta hiểu về ra-đa, càng không muốn ta chế tạo được ra-đa?

Không chịu bó tay, các kỹ sư trẻ đã lần tìm tất cả những gì liên quan tới các loại ra-đa trong giai đoạn ấy của nhà sản xuất, phân tích đến từng bit thông tin (đơn vị thông tin nhỏ nhất) và thử trong các trường hợp, sau đó, cố gắng phán đoán, suy luận xem những bit thông tin đó chứa đựng dữ liệu gì. Cuối cùng, họ đã giải mã được ra-đa của hàng không dân dụng. Công đoạn lúc đầu tưởng chừng dễ dàng này đã ngốn mất gần một tháng với nhiều đêm trắng. 

Đối với ra-đa quân sự thì còn phức tạp hơn vì không có đặc tả chung. Các đài ra-đa này là một hệ thống khép kín, hơn nữa, có nhiều loại đài vẫn sử dụng công nghệ analog. Việc đầu tiên của nhóm là phải số hóa tất cả các đài ra-đa công nghệ analog, rồi xử lý thông tin ra-đa. Các đài ra-đa đã dùng nhiều năm nên có sai số khá lớn về mặt cơ khí. Vì thế, ngoài việc nghiên cứu thuật toán đúng theo mô hình chuẩn thì nhóm còn phải tính cả sai số, mà mỗi đài lại có một sai số khác nhau.

Khó khăn tiếp theo là phải xác lập được các thuật toán để loại trừ nhiễu, các tín hiệu giả. Mỗi vật thể bay khi hiển thị trên màn hình hệ thống ra-đa chỉ là một chấm nhỏ như hạt vừng, lẫn trong rất nhiều “hạt vừng” khác sinh ra do địa vật (núi, đồi…), mây, mưa, nhiễu khí quyển... và cần phải được lọc riêng. Hơn nữa, có thể nhiều đài ra-đa cùng phát hiện một mục tiêu. Như thế, nếu không tính toán đủ thì sẽ bị chồng lấn mục tiêu.

Tài liệu để nghiên cứu, tính toán thiết kế vũ khí, thiết bị quân sự rất thiếu, do các nước đều “giấu”. Các kỹ sư phải mày mò từ nhiều nguồn: Sách của quân đội, tài liệu riêng của các giảng viên, các đồng nghiệp mang được từ nước ngoài về, rồi cả tìm hiểu trên internet… Họ nghiền ngẫm từng chồng sách, tài liệu, sử dụng những thuật toán tiên tiến nhất, xử lý dữ liệu giả lập, sau đó mới xử lý dữ liệu thật, khớp nối các thông tin với nhau để tìm phương án đúng. Với những nỗ lực phi thường, cuối cùng, hệ thống CGBVVTQG đã được xây dựng xong sau đúng một năm rưỡi. 

Thích đương đầu với thách thức

Góp phần làm nên dự án Hệ thống CGBVVTQG có những gương mặt trẻ nhưng đã được tin tưởng giao trọng trách. Nguyễn Trọng Nhật Quang sinh năm 1988, đã làm trưởng một nhóm nghiên cứu một khâu rất khó ở trong dự án. Là thủ khoa khóa K51, Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), theo chính sách ưu đãi của thành phố Hà Nội, Quang sẽ được nhận thẳng vào công chức. Tuy nhiên, Quang đã từ chối cơ hội này và đăng ký thi tuyển vào dự án, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng. Quang tâm sự: “Các kỹ sư công nghệ thông tin luôn mong được thực hiện những công trình đủ thách thức thì mới có cảm hứng, mới nhanh tiến bộ”. 

Để được làm việc tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, các kỹ sư phải trải qua những đợt sát hạch rất khắc nghiệt. “Thường thì từ 1000 ứng viên, chúng tôi chỉ chọn được khoảng 5 người”, Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, cho biết. Ngoài yêu cầu về lý lịch rồi phải giỏi toán học, tin học, khi tuyển người, lãnh đạo viện còn đặc biệt chú ý đến tư duy, khát vọng và sự nhiệt huyết, sẵn sàng lăn xả vì công việc trong mỗi ứng viên. Bởi có những giai đoạn từ viện trưởng cho tới các kỹ sư ở lỳ tại viện cả tháng trời, nghiên cứu, bàn thảo, vùi đầu vào các phép toán. Sau khi nghiên cứu, chế tạo, họ mang các khí tài đến trận địa để thử nghiệm, nhận được góp ý, lập tức quay về hiệu chỉnh, thậm chí sửa thiết kế, rồi chỉ vài ngày sau đã đem thiết bị quay lại.

Vũ Tuấn Anh không hiểu sao mình lại trụ vững sau hàng tuần thức đêm. “Dường như những thách thức từ công việc đã tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi”, Tuấn Anh chia sẻ. Chỉ đến khi hệ thống được thử nghiệm thành công, Tuấn Anh mới lăn ra ốm mất một tuần.

Hệ thống CGBVVTQG đang được đưa vào sử dụng trong toàn quân. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Các kỹ sư trẻ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel đã nghiên cứu giai đoạn tiếp theo của dự án với nhiều tính năng hiện đại hơn, trong đó có các chức năng chỉ huy điều khiển, chỉ thị mục tiêu, bắn tự động... Cùng với đó, các sản phẩm cực kỳ hiện đại như ra-đa công nghệ mới, máy bay không người lái cũng đã được các bộ phận nghiên cứu của viện dần hoàn thiện. Trong tương lai không xa, một "hàng rào công nghệ hiện đại" sẽ được thiết lập để bảo vệ đất nước. Trong đó, nhất cử nhất động của máy bay, tàu bè, hoạt động ở vùng trời, vùng biển của Việt Nam đều được quản lý, thậm chí cả người di chuyển ở khu vực biên giới cũng sẽ được hiển thị trên màn hình ra-đa. 

Đến nay, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel đã quy tụ được rất nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ trung, tài năng và giàu khát vọng. Qua mỗi sản phẩm, họ lại trưởng thành hơn về kiến thức và kinh nghiệm. Họ đang góp phần biến khát vọng tự chủ vũ khí, công nghệ quốc phòng của Việt Nam dần trở thành hiện thực.

Theo: QĐND