Việt Nam tạo uy hiếp lớn trên Biển Đông với tàu Kilo, “Tia chớp” và Gepard

VietTimes -- Sự hiện diện các phương tiện tấn công mạnh như tàu ngầm Kilo dự án 636.1 trang bị tên lửa hành trình chống tàu Club – S, khu trục hạm mang tên lửa hành trình lớp Kalibr trên các vùng nước xa bờ Biển Đông sẽ tạo ra uy hiếp lớn hơn với những kẻ gây hấn dám manh động.

Hai khu trục hạm Gepard 3.9 đã tương đối sẵn sàng cho thử nghiệm cấp nhà máy
Hai khu trục hạm Gepard 3.9 đã tương đối sẵn sàng cho thử nghiệm cấp nhà máy

Ngày 27.04 .2016 tại Tập đoàn nhà máy đóng tàu Zelenodolsk A.M. Gorky tiến hành nghi lễ hạ thủy hai khu trục hạm hạng nhẹ dự án 11661E cho Hải quân Việt Nam được sửa đổi thiết kế theo hướng tăng cường vũ khí chống ngầm (mã hiệu"Gepard-3.9" PLO).

Với kết quả đạt được, đại diện tập đoàn hy vọng sẽ tiếp tục đóng cặp thứ 3 Gepard – 3.9 với định hướng tăng cường năng lực phòng không chiến hạm.  

Lễ hạ thủy chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3 tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk A.M. Gorky
Lễ hạ thủy tàu Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam

Cần nhớ lại, sau khi nhận được sự đồng thuận từ phía Việt Nam về dự án "Gepard 3.9" khu trục hạm hạng nhẹ tuần tra  lớp Tatarstan" dự án 11.661, đã có 3 năm phục vụ trên biển Caspian. 10.07.2007  đặt lườn chiếc tàu đầu tiên, ngày 28.11.2007 đặt lườn chiếc tàu thứ 2. Chiếc tàu đầu tiên mang tên Đinh Tiên Hoàng được đưa vào phục vụ lực lượng Hải quân Việt Nam ngày 05.03.2011, chiếc thứ hai - Lý Thái Tổ, được đưa vào biên chế ngày 22.08.2011.

Hai tàu khu trục hạm hạng nhẹ lớp Gepard 3.9 đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 09.2013, nhà máy bắt đầu đóng thêm hai chiếc "Gepard-3.9" theo hợp đồng được ký vào tháng 02.2013. Theo kế hoạch, chiếc Gepard 3.9 số hiệu nhà máy No956 sẽ được đưa vào thử nghiệm tháng 8.2016. Chiếc thứ 2 số hiệu nhà máy No957 sẽ được đưa vào thử nghiệm vào tháng 11. Việt Nam sẽ nhận được chiến hạm tàng hình "Gepard 3.9" mới vào giai đoạn năm 2017 - 2018.

Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành hợp đồng đóng cặp đôi Gepard 3.9 PLO thứ hai. Vấn đề là, động cơ của Gepards do tập đoàn Zorya – Mashproekt của Ukraine cung cấp. Nhưng do tình hình mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đang rơi vào tình trạng xung đột, phía Ukraine tuyên bố không cấp động cơ cho phía Nga. Vấn đề này đã khiến tình huống trở lên căng thẳng. Để hỗ trợ nhà máy đóng tàu Zelenodolsk hoàn thành cặp Gepard thứ 2 theo hợp đồng đúng thời hạn, phía Việt Nam thông qua con đường ngoại giao đã gây sức ép dữ dội lên phía Ukraine, buộc Zorya – Mashproekt phải chuyển giao động cơ cho Zelenodolsk.

Tổng Giám đốc Văn phòng thiết kế nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, ông Vitaly Volkov nói "Tôi muốn cảm ơn Việt Nam vì đã ủng hộ chúng tôi trong thời điểm khó khăn, khi đã chủ động giải quyết được vấn đề cung cấp tuabin ... Cuối cùng, nhiệm vụ đã được thực hiện". "Ukraine từ chối cung cấp động cơ, - ông nói - Tình hình không thể tưởng tượng! Cảm ơn Việt Nam rất nhiều do đã giải quyết vấn đề này. Chúng tôi về mặt kỹ thuật cũng có thể giải quyết được, nhưng sẽ tổn thất rất nhiều chi phí".

Những động cơ này đến chậm so với tiến độ của chiếc đầu tiên khoảng 15,5 tháng, chiếc thứ hai khoảng 10,5 tháng. Chính vì vậy, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk buộc phải giao tàu sau 51 tháng (theo kế hoạch là 42 tháng), chiếc thứ 2 sau 54 tháng (theo kế hoạch là 46 tháng).

Buổi lễ hạ thủy hai chiến hạm Gepard 3.9 dành cho Hải quân Việt Nam có thế nói đã đơn giản hóa nghi thức thông thường của việc hạ thủy hạm tàu. Nghi lễ chỉ còn là việc đập vỡ theo truyền thống chai rượu sâm banh (nghi thức được Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh thực hiện), còn đôi chiến hạm đã ở trên mặt nước. Thực tế Zelenodolsk thực sự nỗ lực đuổi theo tiến độ.

Trong nghi lễ có một phát biểu gây sự chú ý lớn. Phó thủ tướng Nga Ildar Khalikov nói: "Giữa Việt Nam và Nga đã luôn luôn chỉ có một mối quan hệ hữu nghị giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác chặt chẽ và có quan điểm chiến lược chung. Sự kiện hôm  ngày nay là một bằng chứng về mối quan hệ hợp tác hữu nghị bền chặt này. Hai chiến hạm đầu tiên đã chứng minh rằng sự ổn định và độ tin cậy cao trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo Việt Nam, thành tích khiến đối tác của chúng ta hướng tới việc đặt hàng các hạm tàu mới".

Nhiều thông tin cho rằng Hải quân Việt Nam sẽ đặt hàng cặp tàu Gepard 3.9 thứ 3, tăng cường năng lực phòng không chiến hạm, nhưng nhà máy đóng tàu Zelenodolsk có nhiều khả năng sẽ không sử dụng động cơ từ phía Ukraine do hai lý do. Thứ nhất, tuyên bố không hợp tác vì lý do chính trị của công ty "Zorya" - "Mashproekt". Thứ hai, Zelenodolsk đã có đủ thời gian để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, và động cơ cho cặp tàu Gepard 3.9 thứ 3 sẽ là động cơ khác, không phải có nguồn gốc từ Ukraine.

Đề cập đến cặp tàu Gepard 3.9 thứ 3, Tổng giám đốc của nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M.Gorky, ông Renat Mistahov cho biết: nhận xét kết quả hoạt động của các chiến hạm Nga mang tên lửa hành trình Kalibr tấn công IS trên chiến trường Syria và hiệu quả tác chiến của các chiến hạm này, Việt Nam muốn trang bị trên cặp tàu thứ ba, thay cho hệ thống tên lửa Uran E sẽ là các tổ hợp tên lửa Kalibr với hệ thống ống phóng thẳng đứng.

Những hình ảnh từ nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho thấy cặp tàu Gepard 3.9 dành cho Việt Nam hầu như đã hoàn thành.

Hai chiếc Gepard 3.9 dành cho Hải quân Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng cho thử nghiệm

Ngày 18.08.2016 Người dân thành phố Togliatti ven sông Volga đã thấy một chiếc Gepard từ Tatarstan được kéo đi trên sông. Một số người tò mò đã quay lại cảnh con tàu Gepard trên sông Volga". Theo dự đoán, tàu Gepard 3.9 này là chiếc thứ ba, có số hiệu nhà máy là No956 trong cặp tàu thứ hai đang được nhà máy đóng tàu ở Tatarstan đóng cho Hải quân Việt Nam, hiện phía Việt Nam đang đàm phán để đóng thêm cặp thứ ba.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chiếc tàu chiến Gepard 3.9 này vẫn chưa được hoàn thiện cột buồm chính. Trong khi các bức ảnh chụp cách đây vài tháng cho thấy cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai của Việt Nam đã gần như hoàn thiện boong thượng. Theo kế hoạch mà nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đặt ra, chiếc Gepard 956 phải đang được đưa vào thử nghiệm cấp nhà máy.

Những hình ảnh thấy được cho thấy có những thay đổi đáng kể trong cấu trúc thân tàu khiến nhà sản xuất buộc phải dỡ bỏ một phần boong thượng phía trước và phía sau. Việc một chiếc tàu đáng lẽ đang phải thử nghiệm cấp nhà máy lại đang được đẩy đi trên sông Volga khiến những người yêu thích chiến hạm đưa ra rất nhiều dự đoán khác nhau.

Các blogers các trang mạng xã hội Nga nhận xét rằng: do tình hình trên Biển Đông có những thay đổi phức tạp, có nhiều nguy cơ xảy ra xung đột không chủ ý, hoặc sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp đã khiến Việt Nam thay đổi quan điểm về việc sử dụng Gepard trong việc bảo vệ an ninh biển đảo.

Những thành tích của tên lửa hành trình Kalibr trong sứ mệnh chống IS trên chiến trường Syria, khả năng sử dụng hành trình trong việc vô hiệu hóa khả năng hình thành một Vùng nhận dạng phòng không ADIZ buộc Hải quân Việt Nam hướng tới một phương tiện tác chiến có nhiều khả năng hơn. Có thể sẽ là hệ thống tên lửa Kalibr phóng thẳng đứng hay tổ hợp tên lửa phòng không phóng thẳng đứng  "Shtil'-1" sử dụng tên lửa 9M317ME, cũng có thể là tổ hợp tên lửa phòng không "Osa-MA2" hai bệ phóng đạn (GCP-122) với 20 tên lửa SAM 9M-33.

Chuyên gia hải quân độc lập ông Dmitry Glukhov từ St. Petersburg nhận xét: Nếu lắp đặt trên Gepard hệ thống tên lửa hành trình Kalibr phiên bản xuất khẩu có tầm bắn đến 300 km. Đây hoàn toàn là một loại chiến hạm mới, có khả năng tác chiến khác hẳn với những tính chất đặc trưng của lớp tàu Frigate Gepard 3.9 ban đầu. Những thành tích đạt được của các chiến hạm mang tên lửa hạng nhẹ biển Caspian cho thấy. Khu trục hạm hạng nhẹ Tatarstan" dự án 11.661 sẽ trở thành chiến hạm đa nhiệm, có khả năng khống chế một vùng nước rộng lớn, phối kết hợp tốt hơn với các tàu ngầm và trở thành công cụ răn đe ngăn chặn hữu hiệu không chỉ đối với các hải đoàn đối phương trên biển khơi, mà còn là nguy cơ đáng sợ với các mục tiêu đất liền.

Tổng giám đốc Văn phòng thiết kế Vitaly Volkov cho biết: Việc lắp đặt Kalibr không phải là vấn đề lớn đối với Gepard, không phải thay đổi cấu trúc thiết kế thân tàu và có thể thực hiện nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu thực tế của khách hàng.

Đến thời điểm hiện nay, tên lửa chống tàu Kh-35 có thể được gọi là nền tảng năng lực chiến đấu trên biển của Hải quân Việt Nam. Phạm vi giới hạn tên lửa cận âm nhỏ nhất là 130 km, phiên bản hiện đại nhất của Kh-35UE - 260 km. Tên lửa chống tàu Kh-35 có thể tấn công các chiến hạm mặt nước đối phương với lượng giãn nước đến 5.000 tấn và tàu vận tải, đổ bộ phụ trợ với lượng giãn nước đến 10.000 tấn. Sự tham gia của Club – S, Club – N, BrahMos trên các chiến hạm Việt Nam như Gepard, Molniya có thể hoàn toàn làm thay đổi cán cân lực lượng trên Biển Đông.

Những chiến khu trục hạm hạng nhẹ Gepard có khả năng tiến hành những chuyến tuần tra hải hành trên khoảng cách xa so với bờ biển Việt Nam, nếu trong biên chế có từ 4 – 8 chiếc Gepard, hải quân Việt Nam có đủ năng lực để duy trì liên tục từ 1 – 3 khu trục hạm trên Biển Đông. Với các vũ khí hiện đại như Kalibr, Kh-35, các cặp Gepard sẽ là công cụ hữu hiệu ngăn chặn các nguy cơ xung đột “không chủ ý” dẫn đến một cuộc tấn công bất ngờ.  Những va chạm như vậy trong tương lai sẽ lôi kéo các lực lượng liên quan và gây thiệt hại đáng kể cho cả hai bên, buộc các thế lực hiếu chiến không thể theo đuổi chính sách “sự đã rồi”, bỏ qua  phản ứng của cộng đồng thế giới.

Sự hiện diện các phương tiện tấn công mạnh như tàu ngầm Kilo dự án 636.1 trang bị tên lửa hành trình chống tàu Club – S, khu trục hạm mang tên lửa hành trình lớp Kalibr trên các vùng nước xa bờ Biển Đông sẽ tạo ra uy hiếp lớn hơn với những kẻ gây hấn dám manh động. Đồng thời sự hiện diện của các chiến hạm hùng mạnh ngoài khơi xa cũng là một yếu tố khẳng định sức mạnh của chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Đối với Việt Nam, lực lượng hải quân mạnh không chỉ là sức mạnh chiến đấu mà còn là công cụ đấu tranh ngoại giao hữu hiệu trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, đồng thời cũng là cơ sở vững chắc cho tinh thần đoàn kết dân tộc và tình yêu đất nước.

TTB