Đó là nhận định trong báo cáo của ngân hàng Pháp Natixis, theo Inquirer ngày 19.10. Báo cáo “Con ngỗng sẽ bay về miền tây Trung Quốc hay ASEAN?” được ngân hàng Pháp phân tích về khả năng dịch chuyển trung tâm sản xuất của thế giới.
Theo báo cáo của Natixis, khi chi phí đang gia tăng ở Trung Quốc, các nhà sản xuất bao gồm nước ngoài và Trung Quốc ở đại lục muốn chuyển sang nước khác có lợi thế cạnh tranh hơn trong khu vực Đông Nam Á và 3 nước được chú ý nhiều nhất là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Việt Nam được đánh giá là vượt trội nhất nhờ lương lao động thấp, môi trường kinh doanh và hạ tầng cơ sở tốt, theo bản báo cáo. Bản báo cáo nói rằng chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn bên Trung Quốc và cơ sở hạ tầng được phát triển khá tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư... Thêm vào đó, thuế doanh nghiệp đã giảm xuống còn 22% và sẽ xuống còn 20% vào năm 2016, trong khi ở Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 25%, theo báo cáo. Từ đó ngân hàng Pháp cho rằng sản xuất ở Việt Nam có thể mở rộng nhanh hơn đặc biệt là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Thái Lan có thể là lựa chọn tốt ở Đông Nam Á khi điều kiện chính trị được cải thiện và nhất là khi nước này tham gia vào Hiệp định TPP.
Báo cáo của ngân hàng Pháp lưu ý rằng tăng lương ở Trung Quốc tăng nhanh hơn năng suất khi so sánh với các nước ASEAN. Hơn nữa, tiền lương cho các kỹ sư và đóng góp xã hội bắt buộc của giới chủ doanh nghiệp ở phía đông và phía tây Trung Quốc nói chung là cao hơn so với các nước ASEAN.
Chính vì vậy giới đầu tư có xu hướng chuyển sang ASEAN thay vì về phía tây Trung Quốc. Sự hấp dẫn của ASEAN còn nằm ở các hiệp định tự do thương mại của khu vực và cả hiệp định TPP mà Việt Nam và Malaysia, hai thành viên của ASEAN tham gia.
Theo dòng phát triển, trung tâm sản xuất thế giới từng dịch chuyển từ Mỹ, EU sang Nhật, sau đó Hàn Quốc. Trong những năm gần đây, dòng dịch chuyển đổ về Trung Quốc. Câu hỏi được các nhà đầu tư quan tâm, đó là sau Trung Quốc sẽ là nước nào hay khu vực nào?
Theo Báo Thanh Niên