Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí

VietTimes -- Theo The Diplomat. Tổng thống Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5 khi ông công du châu Á tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản. Ông sẽ là tổng thống Mỹ thứ 3 thăm Việt Nam, sau Bill Clinton vào năm 2000 và George W. Bush vào năm 2006.
Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí

Truyền thông thế giới nhận định: Trong chuyến thăm chính thức này, tổng thống Mỹ sẽ đề cập đến hiệp định TPP và tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Ngày 28.04 theo AP, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết TPP là một trong những chủ đề mà ông Obama sẽ nói trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm sắp tới của tổng thống Mỹ cuối tháng 5.2016.

The Diplomat ngày 27.4 cho biết trong chuyến công du của ông Obama, có thể Washington sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Hiện nay Mỹ chỉ mới nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí gây sát thương vào tháng 10.2014 và ký kết một văn bản về khuôn khổ mới quan hệ quốc phòng năm 2015

The Diplomat dẫn nguồn tin từ cả phía Mỹ và Việt Nam cho biết: việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đang trong giai đoạn “được cả hai bên thảo luận”.

Điều gì thúc đẩy cả hai bên, Mỹ và Việt Nam quan tâm đến việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí? Tất nhiên trọng tâm của vấn đề này vẫn là Trung Quốc với những động thái ngày càng cứng rắn trên biển Đông trong việc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích của vùng biển chiến lược này, đẩy mạnh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông.

Nhưng đó cũng không phải là câu trả lời duy nhất.  Tại thời điểm này, Mỹ (chứ không phải Trung Quốc) đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2014, thương mại song phương lên tới 36 tỷ USD. Trong bối cảnh này, Mỹ bán hàng quân sự (FMS) cho Việt Nam chỉ là một sự mở rộng mối quan hệ thương mại hiện có giữa hai nước. Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức 6,15 % GDP trong giai đoạn năm 2000 – 2015, mức độ chi tiêu cho ngân sách quốc phòng Việt Nam vẫn nằm ở mức dưới 2% GDP.

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng thứ 2 đối với Việt Nam. Chỉ đến tháng 6.2015 Trung Quốc đã xuất khẩu sang Việt Nam 24,22 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ, tăng 23,2 % so với nửa đầu năm 2014.

Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ, quan trọng và là một cường quốc kinh tế - quân sự. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề châu Á nhận định: "Việt Nam phát triển mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ theo chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nhưng nỗ lực bảo vệ quyền tự chủ của riêng mình.”

Việt Nam sẽ có định hướng mua gì nếu Washington quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương? Câu trả lời không khó khăn, đó là trang thiết bị phục vụ an ninh hàng hải và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Đến thời điểm này, lực lượng Hải quân của Việt Nam đang trở thành một lực lượng quân sự mạnh trong khu vực với nhiều chiến hạm hiện đại.

Cách đây không lâu, đại diện của hãng Lockheed Martin và Boeing đến thăm Việt Nam, nghiên cứu khả năng cung cấp các sản phẩm như radar bờ biển hoặc hệ thống thông tin liên lạc trên biển. Giáo sư Thayer nhận thấy Việt Nam có khả năng mua của Mỹ một số các sản phẩm quân sự như máy bay tuần biển chống ngầm P-3 Orion , trực thăng tuần biển và hệ thống C3I (Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, tình báo).

Ông Gregory Poling từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho rằng máy bay và tàu tuần biển sẽ là mối quan tâm thứ 2 của Hà Nội và cho biết: Việt Nam đã mua hệ thống radar cảnh giới biển của Israel từ vài năm qua.

Poling nhận định: ngay cả khi Mỹ có thể cung cấp các hệ thống an ninh và cảnh giới bờ biển có chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, những thách thức trong việc tích hợp hệ thống, công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật cũng như đào tạo huấn luyện có thể là rào cản rất lớn ngăn cản Việt Nam trong khai thác sử dụng.

Ông Poling nhận xét: "Những vấn đề trở nên rõ ràng khi xem xét nước láng giềng Malaysia, mua sắm các loại vũ khí trang bị cả Nga và NATO. Điều đó cực kỳ kém hiệu quả và rất tốn kém ".

Trong tất cả các hệ thống vũ khí trang bị có thể được đề xuất như các phương tiện tuần thám trinh sát biển, radar cảnh giới biển, tàu tuần tiễu và hệ thống C3I (Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và tình báo), khả thi nhiều hơn là Việt Nam có thể mua các máy bay tuần biển P-3 Orion.

Ngày 19.04.2016 theo thông tin từ Hải quân Mỹ, một đoàn khách 6 sĩ quan cao cấp Hải quân Nhân dân Việt Nam và 1 đại diện dân sự Việt Nam được mời bay quan sát trên một máy bay tuần biển và săn ngầm loại P-3C Orion thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP-47) có căn cứ ở Kaneoha, Hawaii vào ngày 13.4.

Mục đích của chuyến bay này là nhằm giúp phía Việt Nam nghiên cứu tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật của loại máy bay tuần biển và săn ngầm hoạt động tầm xa này. Theo các sĩ quan Mỹ, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giới thiệu và thực hiện một số các hoạt động thực hành trên máy bay, đoàn sĩ quan cao cấp Việt Nam thực sự quan tâm đến những tính năng nổi bật của P-3C Orion.

Sau chuyến bay, đoàn sĩ quan Việt Nam cảm ơn Không đoàn VP-47 bày tỏ hy vọng sớm thấy máy bay P-3C của Hải quân Mỹ đến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer, Việt Nam có ý định mua khoảng 6 chiếc P-3C Orion nhằm tăng cường khả năng kiểm soát vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế EEZ của mình. Tích hợp và khai thác sử dụng cùng lúc 2 hệ thống trang thiết bị phòng thủ bờ biển và tuần tra, cảnh giới biển từ Nga và Mỹ không phải là rào cản khiến Việt Nam không thể lựa chọn các phương tiện quân sự của phương Tây, Một điển hình cụ thể, Việt Nam đã mua hệ thống tên lửa Extra và mua dây chuyền sản xuất vũ khí bộ binh, súng tiểu liên Gali Ace của Israel.

Thứ nhất: Nếu mua P-3C Orion của Mỹ, Việt Nam có thể đàm phán để tiếp nhận nguồn thông tin trinh sát, tình báo và cảnh báo sớm của Mỹ và NATO trong hệ thống kiểm soát vùng nước, vùng trời Tây Thái Bình Dường, Mỹ là nước đi tiên phong và có hệ thống chống ngầm hàng đầu thế giới, đã rất nhiều năm theo dõi lực lượng tàu ngầm, tàu nổi của Trung Quốc trên biển Đông, đây là một lợi thế rất lớn mà Việt Nam sẽ có được trong hệ thống phòng thủ biển đảo của đất nước.

Thứ hai: P-3 Orion có thể được nâng cấp, cải tiến và lắp đặt các trang thiết bị phù hợp đáp ứng các yêu cầu kỹ chiến thuật của Việt Nam, điều này không phải là vấn đề không thể vượt qua xét trên phương diện kỹ thuật, cả hai nền công nghiệp quốc phòng Nga và Mỹ đều có những kinh nghiệm để có thể tích hợp được hai hệ thống vũ khí trang bị. Trong khi đó P-3 không phải là máy bay chiến đấu tiên tiến, hệ thống hậu cần kỹ thuật Mỹ người Việt Nam đã có kinh nghiệm thông qua khai thác hiệu quả các phương tiện cũ hơn và không phải đầu tư quá lớn về hạ tầng.

Thứ ba: Nếu xét trên góc độ mua Extra từ Israel, dự án đóng tàu SIGMA từ Hà Lan, mua hệ thống sản xuất tên lửa chống tàu Ural E từ Nga thì việc mua sắm P-3 Orion cho phép Việt Nam có được bước đầu tiên cho việc hợp tác phát triển nền công nghiệp quốc phòng độc lập, dựa trên những cơ sở khoa học và kinh nghiệm của Mỹ.

Giáo sư Thayer nhận xét: "Cũng có thể là ngoài việc mua [hệ thống vũ khí] hoàn chỉnh, Việt Nam đang mong muốn một mối quan hệ lâu dài với công nghiệp quốc phòng Mỹ để tìm kiếm khả năng phát triển, chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất."

Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam sở hữu các tàu ngầm Kilo 636.1, khu trục hạm hạng nhẹ Gepard 3.9, hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại Bastion, hệ thống tên lửa phòng không S-300 và nhiều vũ khí phòng thủ bờ biển tầm xa khác.

Một đặc điểm đáng quan tâm là các hệ thống vũ khí xuất khẩu của Nga đều có khả năng tích hợp vào hệ thống C3I của phương Tây, tên lửa tầm xa của Nga có hai hệ thống định vị vệ tinh Glonass và GPS. Do đó vấn đề tích hợp hệ thống không phải là không thể làm được khi Việt Nam vốn là đối tác chiến lược truyền thống của Nga.

Ngoài các yếu tố về phòng thủ biển đảo, P-3C đóng một vai trò quan trọng khác trong việc đảm bảo an ninh Biển Đông. Đó là làm cân bằng cán cân lực lượng các quốc gia trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Vấn đề xảy ra một cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn trên biển Đông rất khó xảy ra do tính đa phương hóa, quốc tế hóa của nó trong giai đoạn hiện nay. Nhưng vẫn có nhiều nguy cơ xảy ra các vụ xung đột không chủ ý, sử dụng vũ lực áp đặt chủ quyền hoặc va chạm vô tình trên biển có thể bùng phát thành xung đột ngắn ngày.

P-3 Orion ngoài sứ mệnh tuần biển còn có khả năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát tuần thám biển còn thực hiện sứ mệnh cảnh báo sớm các cụm tàu hải quân mạnh của đối thủ tiềm năng, thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin chính xác, kịp thời trên các phương tiện thông tin quốc tế dựa trên cơ sở mạng lưới truyền thông Mỹ, từng được thực hiện trên P-8 Poseidon trong chuyến tuần biền vào khu vực bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc. Những khả năng này cho phép nhanh chóng cảnh báo, ngăn chặn các nguy cơ xung đột có thể xảy ra trên biển Đông.

Nhiều nhà bình luận quân sự thế giới hy vọng về khả năng Việt Nam sớm sở hữu P-3 Orion bất chấp thực tế đây là chiếc máy bay có nhiều năm phục vụ. Nếu điều này thành hiện thực, Việt Nam có thể sẽ có một phương tiện kiểm soát biển hiệu quả trước khi có được một hệ thống phòng thủ biển đảo hiện đại, được phát triển từ nền công nghiệp quốc phòng quốc gia.

Tác giả Eric Tegler là cây bút  thường xuyên của các tạp chí Mỹ Aviation Week & Space Technology, Popular Mechanics, Wired, Faircount Media Defense  về các vấn đề chính trị, nhà nước, quân sự. Bài viết được đăng trên The Diplomat

Đoàn sĩ quan Hải quân Việt Nam thăm không đoàn VP-47 của Hải quân Mỹ ở Hawai

Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí ảnh 1

Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí ảnh 2

Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí ảnh 3

Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí ảnh 4

Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí ảnh 5

Việt Nam sắm 'sát thủ” nào sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí ảnh 6

P-3C Orion của VP-47 thả phao định vị thuỷ âm (sonar) để dò tìm tàu ngầm - Ảnh: Không đoàn VP-47

TTB