Việt Nam đón sóng FDI mới - Khoảng cách giữa cơ hội và thực tế

VietTimes – Các chuyên gia nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng FDI mới khi nhiều công ty đa quốc gia đẩy mạnh đa dạng hóa địa điểm đầu tư nhằm phân tán rủi ro và tăng sức chống chịu trước những biến động đột ngột như Covid-19.
Đứng trước cơ hội đón FDI lần này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI một cách có chọn lọc, có trọng điểm,
Đứng trước cơ hội đón FDI lần này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI một cách có chọn lọc, có trọng điểm,

Nhưng từ cơ hội đến thực tế luôn có một khoảng cách nhất định. Định hướng chính sách, thực lực và sự chuẩn bị của Việt Nam mới quyết định số lượng, và quan trọng hơn là cơ cấu và chất lượng FDI.

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng nhanh hơn

Theo Giáo sư Karen Dynan (Đại học Harvard), nguyên Phụ tá Bộ trưởng đặc trách Chính sách Kinh tế của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 góp phần đẩy nhanh tiến trình rút khỏi Trung Quốc của nhiều công ty Mỹ, vốn đã bắt đầu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và giá nhân công ở nước này ngày càng tăng cao.

“Dịch bệnh đã khắc sâu sự thực rằng các doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị tổn thương đến mức nào nếu họ tập trung chuỗi cung ứng vào một khu vực nhất định và khi có sự cố xảy ra, các nhà máy ở nơi đó buộc phải đóng cửa. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy đột ngột trong tháng 1 và tháng 2 khi dịch bệnh hoành hành ở Trung Quốc đã cho thấy mối nguy hiểm khi quá phụ thuộc vào một nơi” - Giáo sư Karen Dynan nhận định.

Giáo sư Karen Dynan (Đại học Harvard), nguyên Phụ tá Bộ trưởng đặc trách Chính sách Kinh tế của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Ảnh: Fulbright Việt Nam.
Giáo sư Karen Dynan (Đại học Harvard), nguyên Phụ tá Bộ trưởng đặc trách Chính sách Kinh tế của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Ảnh: Fulbright Việt Nam.

Do đó, các công ty Mỹ buộc phải đẩy nhanh kế hoạch di dời các nhà máy nhằm phân tán rủi ro. Điểm đến của làn sóng dịch chuyển này, theo dự đoán của Giáo sư Karen Dynan, có thể là những nước gần Trung Quốc vốn có thị trường và môi trường kinh doanh khá hấp dẫn như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan…

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, lưu ý mặc dù làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc đang bắt đầu, điều đó không có nghĩa rằng làn sóng đó sẽ dừng ở Việt Nam hay các nước xung quanh.

Bởi lẽ, khi nhìn thấy sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, các quốc gia đang cố gắng mang hoạt động sản xuất về lại nước mình (onshoring), hoặc đưa về gần mình hơn (near sourcing) nhằm hạn chế rủi ro và đa dạng hóa.

Định hướng chính sách đúng để đón sóng FDI

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định Việt Nam đang có xuất phát điểm thuận lợi để nắm bắt cơ hội đón làn sóng dịch chuyển FDI lần này khi là một trong số rất ít quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Với tình hình dịch bệnh được khống chế ở mức thấp nhất thế giới hiện nay, Việt Nam có thể mở cửa nền kinh tế trở lại sớm hơn với mức độ thiệt hại thấp hơn, mức độ tự tin cao hơn so với nhiều quốc gia khác.

Nhưng từ cơ hội đến thực tế luôn có khoảng cách nhất định. Định hướng chính sách, thực lực và sự chuẩn bị của Việt Nam mới quyết định số lượng và quan trọng hơn là cơ cấu và chất lượng FDI nền kinh tế thu hút được, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

"Chúng ta đều biết, để thu hút được các dự án FDI có chất lượng, chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện cơ bản như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng, và môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực hết sức để cải thiện những điểm này và đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn còn xa mức kì vọng” - ông nói.

Bởi vậy, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng “trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là trong năm nay, Chính phủ nên tập trung cao nhất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa giúp khởi động lại và kích thích nền kinh tế, vừa giúp tạo công ăn việc làm, đồng thời lại nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn nền kinh tế".

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Ảnh: Fulbright Việt Nam)
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Ảnh: Fulbright Việt Nam)

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, để thu hút được các công ty công nghệ cao, Việt Nam cần kiện toàn các nền tảng pháp lý và thể chế để đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường giao dịch và thanh toán điện tử.

“Thế giới hậu Covid-19 sẽ chứng kiến sự tăng tốc của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, điều mà Việt Nam đang thiếu, vì thế sẽ rất khó thu hút FDI công nghệ cao để tham gia ngày một sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu - ông Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.

Cẩn trọng trước cái bẫy “bãi rác công nghệ”

Điều quan trọng hơn cả, theo chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright, khi đứng trước khúc ngoặt lớn về FDI, giờ đã đến lúc Việt Nam cần tư duy lại về vai trò của FDI và định hình một chiến lược FDI mới, đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế tổng thể.

Việt Nam bắt đầu thu hút FDI từ năm 1988. Chỉ cần 10 năm, FDI đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước về tỉ trọng công nghiệp và xuất khẩu. Nhưng cho đến thời điểm này, tác động lan tỏa và kết nối của FDI với các doanh nghiệp trong nước là hết sức hạn chế.

Nói cách khác, FDI tuy giúp công nghiệp Việt Nam tăng trưởng, nhưng chưa giúp được nó phát triển, chưa đưa Việt Nam tiến lên cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị.

Trong khi đó, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI khi hơn 70% tỉ trọng xuất khẩu và gần 50% sản xuất công nghiệp của cả nước đến từ khối này. Sự phụ thuộc này khiến Việt Nam dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, mà đại dịch Covid-19 là một minh chứng rõ ràng.

“Một quốc gia sau 10 năm mở cửa mà phụ thuộc vào FDI thì chấp nhận được, sau 20 năm vẫn phụ thuộc thì có vấn đề, còn sau 30 năm mà phụ thuộc ngày càng nặng vào FDI thì không thể chấp nhận được” - Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn nêu quan điểm.

Đã qua rồi cái thời chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá (Ảnh: Internet)
Đã qua rồi cái thời chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá (Ảnh: Internet)

Bởi vậy, đứng trước cơ hội đón FDI lần này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI một cách có chọn lọc, có trọng điểm, thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích đúng đắn, tạo động lực cho các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, có hàm lượng công nghệ và tri thức nhiều hơn.

Đã qua rồi cái thời chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá. Bởi nếu không, Việt Nam sẽ lại chỉ thu hút được các dự án FDI gia công, công nghệ cũ. Điều đó chỉ làm trầm trọng thêm cơ cấu kinh tế hiện tại vốn đã đầy khiếm khuyết, và do vậy cản trở nỗ lực tái cơ cấu.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng lưu ý về khả năng dòng vốn ngoại sẽ không chỉ đến Việt Nam dưới dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn dưới hình thức mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

"Tôi nghĩ Chính phủ nên có chính sách phù hợp để điều tiết các dòng vốn này sao cho chúng góp phần tăng cường nguồn lực và năng lực cho nền kinh tế, đồng thời hạn chế được các tác động tiêu cực tiềm tàng” - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khuyến nghị.