(tiếp theo kỳ trước)
Theo các chuyên gia, giá cả mua bán thuần túy là chưa đủ khi đánh giá hiệu quả kinh tế của các thương vụ vũ khí. Ví dụ khi Việt Nam ký hợp đồng mua một phi đội F-16 mới hoàn toàn, ngoài tiền mua mỗi một chiếc còn là chi phí đào tạo và huấn luyện phi công, chi phí bảo dưỡng bảo trì, chi phí mua các loại vũ khí đi kèm, chi phí xây dựng kho bãi nhà chứa mới, và đặc biệt là chi phí kết hợp phi đội máy bay mới vào toàn bộ lực lượng không quân vốn chủ yếu bao gồm các hệ thống vũ khí và công nghệ của Nga.
Việc này không hề đơn giản và tốn nhiều thời gian. Vấn đề này cũng sẽ tương tự như khi mua các loại vũ khí hạng nặng khác như tàu chiến, hay các loại xe tăng. Kinh nghiệm tại một số nước như Ấn Độ cho thấy, việc chuyển đổi hệ thống vũ khí rất khó khăn, tốn kém, và đòi hỏi nhiều thời gian.
Thách thức khác nữa là các rào cản lập pháp từ Quốc hội Mỹ và các vấn đề khác biệt về nhân quyền. Như ông Obama đã nhấn mạnh rằng các trường hợp mua vũ khí của Việt Nam sẽ được quyết định tuỳ theo trường hợp cụ thể và sẽ được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Các nhóm nhân quyền trong Quốc hội sẽ sử dụng con bài này để làm khó dễ cho các thương vụ vũ khí trong tương lai. Việt Nam cũng cần nhiều thời gian để làm quen với các quy trình pháp luật về mua bán vũ khí Mỹ vốn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian.
Việt Nam có thể sẽ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trong quá trình xây dựng một lực lượng quân sự có khả năng phòng thủ đáng tin cậy, chuyên gia quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc) Carl Thayer nhận định. "Việt Nam sẽ tiếp tục đưa vào danh sách mua sắm các máy bay giám sát hàng hải, máy bay không người lái, hệ thống vệ tinh…Các trang thiết bị này cho phép quân đội Việt Nam sử dụng tối đa khả năng của các vũ khí tiên tiến mới của mình", ông Thayer nói.
Theo ông Thayer, việc gỡ bỏ một phần các lệnh cấm bán vũ khí phi sát thương cho Việt Nam vào năm 2014 khiến Mỹ háo hức khai thác thị trường Việt Nam, làm giảm sự thống trị của Nga nhiều năm qua. Việc bán máy bay tuần tra P-3C Orion có thể là bước đầu tiên.
Giới quan sát cho rằng mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là các máy bay tuần tra hàng hải tầm xa có khả năng trinh sát, chống ngầm của Mỹ như P-3 Orion hay C-130J Sea Hercules, các hệ thống radar tối tân và máy bay không người lái. Thậm chí, phái đoàn quân sự Việt Nam đã tham quan thực tế các phương tiện này.
Hải quân Mỹ cho biết, một đoàn 6 sĩ quan cao cấp Hải quân Nhân dân Việt Nam và 1 đại diện dân sự Việt Nam được mời bay quan sát trên một máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion thuộc Không đoàn tuần tra 47 (VP-47) có căn cứ ở Kaneoha, Hawaii, vào ngày 13/4/2016.
Mục đích của chuyến bay là nhằm giúp phía Việt Nam nghiên cứu tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật của loại máy bay tuần tra hàng hải và chống ngầm tầm xa này. Theo các sĩ quan Mỹ, đoàn sĩ quan cao cấp Việt Nam thực sự quan tâm đến những tính năng nổi bật của P-3C Orion.
Ngoài ra, năm 2015, hãng tin Anh Reuter cũng thông báo là Việt Nam còn quan tâm đến một loại máy bay có chức năng chống ngầm khác là C-130J Sea Hercules. Đây là biến thể chống ngầm của loại máy bay vận tải nổi tiếng và rất phổ thông của Mỹ là C-130 Hercules.
Theo truyền thông phương Tây, sở dĩ Việt Nam đưa ra lựa chọn này là do sự xuất hiện ngày càng đông đảo của lực lượng tàu ngầm thông thường và hạt nhân trên Biển Đông, mà các loại máy bay này ngoài chức năng tuần tra hàng hải thông thường, còn có khả năng chống tàu ngầm rất tốt.
Hiện nay hải quân Việt Nam mới có những phương tiện trinh sát, giám sát biển thông thường, không có khả năng săn ngầm. Do đó, việc sở hữu P-3C4 Orion hay C-130J Sea Hercules sẽ giúp Việt Nam bảo vệ tốt đường bờ biển dài gần 3.500km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có diện tích 1.396.299km2.
Giới phân tích cũng nhận định, ngoài việc có thể mua sắm thêm các vũ khí, trang bị tiên tiến như máy bay, tàu chiến, pháo, xe tăng, Mỹ có thể còn giúp Việt Nam sửa chữa, phục hồi, nâng cấp các trang bị cũ mà Việt Nam đã thu được sau chiến tranh.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) cho rằng Hà Nội mua được vũ khí Mỹ nhưng việc tác động đến năng lực chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ diễn ra dần dần hơn là ngay lâp tức và diễn ra trong nhiều năm vì một số lý do. Một trong những lý do là đòi hỏi hạ tầng hỗ trợ cần thiết tại chỗ cho máy bay do Mỹ chế tạo, bao gồm xây dựng cơ sở bảo dưỡng toàn bộ máy bay, cho dù việc nâng cấp lớn hơn sẽ vẫn cần thực hiện tại Mỹ.
Ngoài ra, mua vũ khí Mỹ còn đòi hỏi phải huấn luyện phi công, thủy thủ đoàn, đội ngũ kỹ thuật viên vận hành máy bay và các hệ thống vũ khí mới, sẽ cần thiết phải có các cố vấn và chuyên gia Mỹ. Tất cả những công việc này không thể diễn ra chỉ trong một đêm và đòi hỏi một cam kết nhiều năm của Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi dòng chảy thiết bị quân sự Mỹ vào khu vực hầu hết đều có tác động, vẫn phải xem năng lực răn đe với kẻ gây hấn trên Biển Đông của Việt Nam tăng lên như thế nào – lý do hàng đầu cho bất cứ thương vụ mua sắm vũ khí nào của quân đội Việt Nam.
Điều này sẽ phụ thuộc lớn vào hai yếu tố: Trước hết là trình độ huấn luyện con người của quân đội Việt Nam đối với các loại vũ khí mới; thứ hai, khả năng quân đội Việt Nam tích hợp thiết bị Mỹ với hệ thống vũ khí còn lại, phần lớn do Nga hiện nay sản xuất và những trang thiết bị, vũ khí từ thời Liên Xô.
Theo Diplomat, kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam nhằm chống kẻ địch ở Biển Đông mang bản chất phòng thủ và xây dựng một chiến lược chống tiếp cận khu vực, khai thác các lợi thế phi đối xứng, chẳng hạn trang bị các tàu ngầm diesel-điện mới lớp Kilo khoét vào điểm yếu chống ngầm của kẻ địch tiềm tàng. Tất cả những công việc này đòi hỏi tăng cường lĩnh vực trinh sát biển (MDA) và các hệ thống cảnh báo sớm.
Về huấn luyện, không quân Việt Nam có kinh nghiệm hạn chế và chỉ tiến hành một số cuộc diễn tập nhằm nâng cao trình độ, bao gồm thực hiện phối hợp tác chiến và hợp đồng quân binh chủng không quân, lục quân và hải quân. Số lượng các cuộc giao lưu huấn luyện quân sự cũng đã tăng lên và các thủy binh tàu ngầm Việt Nam hiện đang được huấn luyện học thuyết và chiến thuật chiến tranh ngầm tại trung tâm tàu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ.
Trong khi có khả năng Việt Nam sẽ tìm ra các nguồn lực để tích hợp hiệu quả các hệ thống vũ khí Mỹ vào lực lượng được trang bị chủ yếu bằng vũ khí Nga. Diplomat cho rằng vẫn phải chờ xem Việt Nam có thể phát triển những học thuyết và chiến thuật mới nhằm tích hợp toàn bộ các hệ thống vũ khí mới vào chiến lược chống can thiệp hay không.
Tuy nhiên, việc huấn luyện và tích hợp thành công các thiết bị quân sự mới của Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường năng lực tác chiến của quân đội Việt Nam và như một hệ quả, sẽ tác động đến những diễn biến tình hình trên Biển Đông.