Danh tính các ứng viên tổng thống Myanmar đã được công bố hôm 10-3, trong đó không có bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD).
Buông rèm nhiếp chính?
Thay vào đó, NLD đề cử ông U Htin Kyaw, một nhân vật thân cận của bà Suu Kyi, là ứng viên tại hạ viện và ông U Henry Van Htee Yu là ứng viên tại thượng viện. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cũng đề cử Phó Tổng thống Sai Mauk Kham làm ứng viên tại hạ viện và cựu Chủ tịch Thượng viện U Khin Aung Myint tại thượng viện. Sau khi quân đội công bố ứng viên của mình, quốc hội Myanmar dự kiến bỏ phiếu chọn ra 1 tổng thống và 2 phó tổng thống trong ngày 17 hoặc 18-3. Giới truyền thông địa phương đưa tin ông Thet Swe, một cựu tư lệnh hải quân, là một trong những ứng viên tiềm năng của quân đội.
Danh sách đề cử nói trên cho thấy bà Suu Kyi không thể thuyết phục quân đội bật đèn xanh để bà làm tổng thống. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu bà có chịu “buông rèm nhiếp chính”? Một số người so sánh tình huống này giống bà Sonia Gandhi của Ấn Độ, người có ảnh hưởng lớn đối với Đảng Quốc Đại mặc dù bà không có vai trò trong chính phủ.
Hôm 10-3, bà Suu Kyi gửi một bức thư cho những người ủng hộ, trong đó nói lời xin lỗi vì đã không trở thành tổng thống tiếp theo của Myanmar do vướng quy định của Hiến pháp 2008. Giới quan sát cho rằng ông U Htin Kyaw nhiều khả năng trở thành tổng thống do NLD đang chiếm đa số ghế trong quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11-2015. Khi đó, bà Suu Kyi có thể hiện thực hóa tuyên bố từng đưa ra là sẽ giữ cương vị “cao hơn cả tổng thống”. Tuy nhiên, cũng có những đồn đoán bà Suu Kyi có thể giữ ghế ngoại trưởng Myanmar - chức vụ có ảnh hưởng trong Hội đồng An ninh và Quốc phòng Myanmar - dù điều này buộc bà phải từ bỏ vị trí trong NLD.
Thách thức từ Trung Quốc
Myanmar vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Á với nhiều khu vực biên giới, nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, bị quân nổi dậy tàn phá. Vì thế, bà Suu Kyi cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới - dự kiến nhậm chức vào đầu tháng 4 - là đạt được một thỏa thuận hòa bình sâu rộng. Vấn đề là NLD sẽ cần sự hợp tác từ phía quân đội! Những trở ngại lớn khác là việc chia sẻ tài nguyên thiên nhiên công bằng hơn, đối phó tình trạng căng thẳng giáo phái, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, quyền đất đai...
Trên mặt trận đối ngoại, mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc là một thách thức lớn. Dự kiến một số dự án của Trung Quốc, trong đó có dự án đập thủy điện hàng tỉ USD Myitsone gây nhiều tranh cãi ở bang Kachin, sẽ bị xem xét lại. Dự án Myitsone bị Tổng thống Thein Sein cho dừng lại vào năm 2011 do vấp phải sự phản đối của người dân. Ông Hantha Myint, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế của NLD, hôm 9-3 cho rằng có thể tìm giải pháp mang tính thỏa hiệp: “Nếu chúng tôi không cho xây đập ở Myitsone, chúng tôi có thể xây những đập khác ở thượng nguồn”.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 8-3 tuyên bố Bắc Kinh đang nỗ lực giải quyết những rắc rối liên quan đến dự án Myitsone nhưng không nói rõ cách thức. Đáp lại, ông Manam Tu Ja, Chủ tịch Đảng Dân chủ bang Kachin, nhắc nhở tổng thống mới của Myanmar phải lắng nghe tiếng nói của người dân, theo đó không đồng ý nối lại dự án này.
Việc NLD trỗi dậy buộc Bắc Kinh phải chuyển hướng tiếp cận, có thể thấy qua chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi trong năm 2015. Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh quan hệ khăng khít với Myanmar sẽ không thay đổi bất kể nội bộ nước này thế nào. Tuy nhiên, bà Suu Kyi gần đây đã kêu gọi Nhật Bản tăng cường viện trợ, dấu hiệu cho thấy bà không muốn nước mình quá phụ thuộc vào Bắc Kinh trong tương lai.
Theo NLĐ