Căng thẳng leo thang ở Biển Đông khi Trung Quốc tiếp tục nạo vét và bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm tăng cường khả năng kiểm soát quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh tuyên bố là “lãnh thổ” Trung Quốc. Đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa đã bị bồi đắp mở rộng và trở thành đảo lớn nhất trong các đảo nhân tạo. Với một đường băng mới và tập hợp các cơ sở hậu cần kỹ thuật quân sự trên rạn san hô, truyền thông Mỹ gọi đảo Đá Chữ Thập là "tàu sân bay Trung Quốc không thể đánh chìm"
Đầu tháng 5/2015, tàu USS Blue Ridge, chiếc đầu tiên trong nhóm 2 kỳ hạm Blue Ridge của Hải quân Mỹ đã công bố bản báo cáo: chiến hạm đã đối mặt với hai hạm tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Tuần trước, chiếc máy bay trinh sát chống ngầm Hải quân Mỹ P-8A bay qua vùng trời các đảo nhân tạo của Trung Quốc và bị liên tiếp 8 lần cảnh báo từ hải quân PLA, yêu cầu chiếc P-8 phải lập tức rời khỏi"khu vực cảnh báo quân sự." Phía Mỹ khẳng định rằng máy bay đang bay trên vùng biển quốc tế.
Ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Vương Nghị khẳng định lập trường không lay chuyển của Trung Quốc về các hoạt động phi pháp ở Biển Đông sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến viếng thăm chính thức của ông tại Bắc Kinh. "Quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” và toàn vẹn “lãnh thổ” của chúng tôi chắc như một tảng đá và không thể lay chuyển," Vương ngang ngược nói.
Cấp độ chú trọng đặc biệt mà Trung Quốc dành cho Biển Đông thể hiện rất rõ từ việc hải quân Trung Quốc biên chế vũ khí trang bị cho hạm đội Nam Hải vào những năm gần đây. Á châu Tuần san cho biết, hạm đội đã được trang bị 9 chiến hạm trong số 19 chiến hạm đóng mới của hải quân Trung Quốc từ năm 2010 đến năm 2013.
Hạm đội Nam Hải có tới 7 khu trục hạm hạng nhẹ lớp Type 054A so với 4 chiếc biên chế cho hạm đội Đông Hải và Bắc Hải của hải quân Trung Quốc và cũng là hạm đội duy nhất được trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 và các tàu vận tải đổ bộ siêu trọng.
Các tàu Trung Quốc trên đảo nhân tạo
Tất nhiên, nếu so sánh thì Hải quân Mỹ vẫn giữ vị trí thống trị. Hạm đội 7 của Mỹ sở hữu 50 đến 60 chiến hạm, 350 máy bay và 60.000 binh lính, sĩ quan, trong đó có 38.000 quân nhân và khoảng 22.000 lính thủy đánh bộ. Trong khi, hải quân Trung Quốc không hề có bất kỳ chiến hạm nào sánh được với tàu sân bay USS George Washington hoặc kỳ hạm USS Blue Ridge.
Mặc dù có những tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây, khả năng tác chiến hải quân tầm xa ở nước ngoài của Trung Quốc vẫn tương đối hạn chế, đó là lý do vì sao Đá Chữ Thập cách bờ biển đại lục đến 1.400 km lại trở lên vô cùng quan trọng với Bắc Kinh.
Khi việc bồi đắp đảo và xây dựng các căn cứ quân sự hoàn tất, PLA có thể sử dụng Đá Chữ Thập như một căn cứ hải quân mạnh, có vị thế như một rào cản ngăn chặn và đe dọa với Việt Nam và Philippines, hai nước có những tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc ở Biển Đông. Triển khai các máy bay ném bom chiến lược H-6, quân đội Trung Quốc có thể có khả năng tấn công các căn cứ hải quân Mỹ ở Úc và ngăn chặn Mỹ can thiệp bằng hải quân vào các xung đột trên Biển Đông, tác giả bài viết bình luận.
Á châu Tuần san nhận định võ đoán rằng Washington có ý định can thiệp vào các ý đồ chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng có thể họ không có được ý chí chiến lược trong cuộc đối đầu quyết liệt này, một phần vì lực lượng và sự quan tâm của Mỹ đã bị chia sẻ bởi sự trỗi dậy tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông, khủng hoảng nội chiến ở Ukraine cũng như những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản trong vùng nước biển Hoa Đông, Á châu Tuần san viết.
Đối với Trung Quốc, sự thiếu hụt tương đối về sức mạnh quân sự của PLA trong cuộc đối đầu với Mỹ khiến động thái bồi đắp đạo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự tại biển Đông mới là bước quan trọng đầu tiên trong chiến lược quân sự hải dương của Bắc Kinh. Hoàn thành căn cứ quân sự mạnh trên Đá Chữ Thập là khả năng “chiến thắng đầu tiên” trong nỗ lực của Trung Quốc đối phó với chính sách “xoay trục” "cân bằng lực lượng" của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế, Trung Quốc bắt buộc phải theo đuổi đến cùng những nhiệm vụ chính trị mà Bắc Kinh đã đặt ra.
Theo: QPAN