Vì sao Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, truyền thông quốc tế liên tiếp đưa tin về dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể từng bước cải thiện quan hệ như Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sắp thăm Trung Quốc mở đường cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh...
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ không thăm Trung Quốc theo dự định (Ảnh: Dwnews).
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ không thăm Trung Quốc theo dự định (Ảnh: Dwnews).

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm (15/7) thông báo rằng Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Wendy Sherman sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ vào tuần tới. Giới chính sách ngoại giao ở Washington trước đó đã dự đoán bà Sherman sẽ đến thăm Trung Quốc. Nhưng hành trình do Bộ Ngoại giao công bố không đề cập đến Trung Quốc. Các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin về các địa điểm khác mà Thứ trưởng Sherman có thể tới thăm.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Wendy Sherman sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ từ ngày 18/7 đến ngày 25/7. Tại Tokyo, bà sẽ thảo luận với các quan chức Nhật Bản về nhiều vấn đề bao gồm chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh y tế toàn cầu. Bà Sherman sẽ tổ chức một cuộc họp chung với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mori Takeo và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-geon để thảo luận việc hợp tác ba bên về những thách thức chung cấp bách, bao gồm các vấn đề an ninh khu vực như Triều Tiên, cũng như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu. Bà Sherman sau đó sẽ đến Seoul để gặp các quan chức Hàn Quốc và đối thoại chiến lược với Thứ trưởng Choi Jong-geon để thảo luận việc hợp tác song phương và đa phương về các ưu tiên chung, bao gồm biến đổi khí hậu, cứu trợ dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tiếp đó, bà Sherman sẽ tới Ulaanbaatar để gặp gỡ các quan chức Mông Cổ, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và thảo luận về điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là "các giá trị dân chủ và nhân quyền chung, bao gồm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, công nhận và tôn trọng văn hóa truyền thống".

Bà Sherman gặp gỡ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 31/5 (Ảnh: Dwnews).

Bà Sherman gặp gỡ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 31/5 (Ảnh: Dwnews).

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông báo rằng Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman trong chuyến thăm này sẽ "nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

"Duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" là thuật ngữ được Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng để chỉ cuộc phản công của họ trước “những hành vi ngày càng hung hăng” của Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm thứ hai của bà Wendy Sherman đến châu Á trong vòng chưa đầy hai tháng sau chuyến đi thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm nay.

Điều khiến người ta đặc biệt quan tâm là chuyến thăm châu Á lần này của bà Wendy Sherman không bao gồm Trung Quốc. Trước đó đã có tin dự kiến ​​bà sẽ đến thăm Trung Quốc. Một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lộ trình của bà, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dẫn một nguồn tin cho biết nhân vật thứ hai của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) tại Thiên Tân vào tuần tới để thảo luận về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo báo này, chuyến thăm này của bà Sherman được “coi là bước quan trọng đầu tiên hướng tới một hội nghị thượng đỉnh có thể có giữa các nhà lãnh đạo của hai nước”. Tin này đã được một số cơ quan truyền thông quốc tế khác đưa lại.

Hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden gặp nhau tại Davos năm 2017 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden gặp nhau tại Davos năm 2017 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Khi được hỏi liệu chuyến đi của bà Wendy Sherman đến châu Á có bao gồm Trung Quốc hay không, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm thứ Năm (15/7) trả lời rằng, ngoài các điểm dừng do Bộ Ngoại giao thông báo, “hiện không có thông báo nào thêm về các điểm dừng có thể có khác.”.

Tờ Financial Times của Anh dẫn nguồn tin từ 4 người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Trung Quốc đã từ chối sắp xếp để Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lạ Ngọc Thành (Le Yucheng), người phụ trách các vấn đề ngoại giao hàng ngày, chỉ đồng ý sắp xếp để bà gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tạ Phong, quan chức xếp thứ 5 trong Bộ Ngoại giao, người phụ trách các vấn đề khu vực về Hoa Kỳ, do đó phía Mỹ đã hủy chuyến đi Thiên Tân của bà Sherman.

Cũng có đồn đoán cho rằng hai bên Trung Quốc và Mỹ đã hủy chuyến thăm dự kiến ​​của bà Sherman tới Trung Quốc vào phút chót, nguyên nhân có thể liên quan đến việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc vì Bắc Kinh đàn áp ở Hồng Kông.

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo về chuyến đi của bà Sherman đến châu Á, một nguồn tin nói với Reuters rằng chính quyền Joe Biden có thể đưa ra một cảnh báo về kinh doanh đối với Hồng Kông sớm nhất là vào thứ Sáu (16/7).

Hôm thứ Năm, Tổng thống Joe Biden đã nói về cảnh báo sắp tới khi ông tiến hành một cuộc họp báo chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng. Ông nói: "Tình hình ở Hồng Kông đang xấu đi, chính phủ Trung Quốc đã không duy trì các cam kết về cách xử lý vấn đề Hồng Kông".

Hôm thứ Ba, chính phủ Mỹ đã tăng cường cảnh báo đối với các công ty về nguy cơ ngày càng tăng của việc thiết lập chuỗi cung ứng và liên kết đầu tư với khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì cáo buộc lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền.

Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tham gia một hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào thứ Sáu. Khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có sử dụng cuộc gặp này để tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Tổng thống Biden chờ đợi tiến hành tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp với một số nhà lãnh đạo đồng minh và Tổng thống Nga Putin, nhưng ông vẫn chưa tiến hành một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh trực tiếp với ông Tập Cận Bình. Cả hai chỉ có cuộc nói chuyện qua điện thoại vào tối ngày 10/2.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc là vào tháng 3 năm nay. Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan đã có cuộc gặp gỡ với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, quan chức cấp cao nhất phụ trách các vấn đề đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Anchorage, Alaska. Tuy nhiên hai bên ngay khi bắt đầu cuộc gặp đã đối đầu gay gắt. Ngay trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ đó, Washington đã công bố một loạt biện pháp chống lại Trung Quốc, bao gồm việc bắt đầu hủy bỏ giấy phép hoạt động của công ty viễn thông Trung Quốc, gửi trát đòi hầu tòa tới một số công ty công nghệ cao của Trung Quốc do lo ngại an ninh quốc gia, và cập nhật các biện pháp trừng phạt liên quan đến Hồng Kông. Trong cuộc gặp gỡ đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Mỹ cố ý công bố các biện pháp trừng phạt này vào đêm trước cuộc gặp.

Ngoại trưởng Antony Blinken trong tuần này đã tổ chức một cuộc họp qua truyền hình với các ngoại trưởng ASEAN. Ông nói rằng Mỹ bác bỏ các yêu sách “bất hợp pháp” của Trung Quốc về quyền lợi biển ở Biển Đông và sát cánh với các nước Đông Nam Á đối phó với sự “ép buộc”của Trung Quốc.