Vì sao nhiều cửa hàng trên Shopee bị phạt tiền, từ vài chục triệu lên đến cả tỉ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian qua, Shopee đã tiến hành trừ tiền trong tài khoản của nhiều nhà bán hàng trên nền tảng của mình khiến cộng đồng kinh doanh trực tuyến xôn xao bàn tán.

Vừa qua, cộng đồng kinh doanh trực tuyến xôn xao trước thông tin nhiều nhà bán hàng (shop) trên sàn thương mại điện tử Shopee bị trừ tiền trong tài khoản. Con số các shop bị trừ tiền lên đến cả nghìn trường hợp, số tiền bị trừ từ vài chục triệu lên đến hàng tỉ đồng. Nhiều nhà bán hàng đã kéo đến trụ sở của Shopee để khiếu nại.

shopee-2302.jpg
Người bán trên Shopee bị trừ tiền trong đợt càn quét gian lận

Nguyên nhân là từ cuối tháng 12/2023, Shopee ban hành chính sách xử lý hành vi gian lận ưu đãi của các shop trên sàn. Các vi phạm này được cho là rất nghiêm trọng, đã được quy định tại điều khoản sử dụng dịch vụ và tiêu chuẩn cộng đồng mà Shopee đã ban hành.

Bà Quyên Trần, Giám đốc vận hành Shopee cho biết: "Với tình trạng vi phạm lạm dụng ưu đãi của Shopee ngày càng tăng cao, từ ngày 28/12/2023, chúng tôi đã ban hành chính sách xử lý vi phạm lên tới 10 triệu đồng trên một đơn vi phạm và trực tiếp cấn trừ số tiền vi phạm từ tài khoản của nhà bán hàng".

Vậy các shop đã gian lận ưu đãi như thế nào?

Tạo đơn hàng ảo

Nhiều shop tự tạo đơn hàng ảo để chiếm đoạt giá trị giá trị các mã giảm giá mà Shopee hỗ trợ cho shop để kích cầu. Có những sản phẩm được hiển thị với số lượng bán lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu đơn mỗi tháng.

Shopee luôn tạo các chương trình khuyến mãi, đặc biệt vào các ngày kép 10/10, 11/11 và 12/12 để thu hút khách hàng. Do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ TikTok Shop, Shopee đã phải đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động khuyến mãi, đặc biệt là thông qua chức năng livestream, nơi cung cấp nhiều mã giảm giá với hạn mức khá cao.

Tuy nhiên, một số chủ shop đã lợi dụng chính sách khuyến mãi của nền tảng bằng việc nhờ người quen hoặc thuê cộng tác viên thu thập các mã giảm giá từ các phiên live stream sau đó mua hàng trong shop của mình.

Shopee
Chiêu trò đặt đơn hộ của người bán hàng

Ví dụ một sản phẩm có giá gốc là 100 nghìn đồng, sau khi áp dụng mã giảm giá 40 nghìn đồng từ nền tảng, giá còn lại là 60 nghìn đồng. Sau đó chủ shop gửi một hộp rỗng cho khách hàng đã sắp đặt trước, không có sản phẩm bên trong. Khi nền tảng trừ đi các loại phí là 10 nghìn đồng, thì chủ shop thu về được 30 nghìn đồng.

Trong một số trường hợp, chủ shop còn thông đồng với nhân viên tại các bưu cục vận chuyển, họ chỉ nhấn xác nhận đã giao đơn hàng trên hệ thống, thực tế không phải giao hàng.

Một thủ đoạn khác là chủ shop thay vì cắm điện thoại livestream thì dùng các phần mềm, công cụ phát lại video giả chạy 24/24 để có được các mã giảm giá mà chỉ trong phiên live mới có. Sau đó chủ shop thuê thêm cộng tác viên hoặc các dịch vụ chạy đơn ảo để lấy tiền chênh lệch.

Đây chỉ là một trong nhiều thủ đoạn tạo đơn ảo của các shop trên sàn thương mại điện tử Shopee. Shop thu được tiền chênh lệch, tạo ra nhiều đơn hàng ảo, gây thiệt hại cho Shopee.

Giả mạo ngành hàng

Tình trạng gian lận thứ 2 là thay đổi ngành hàng để lấy mã giảm giá ngành hàng của shopee. Ví dụ về ngành hàng bách hóa, nhiều sản phẩm có giá trị lớn hơn 500 nghìn đồng, nếu như chủ shop để ngành hàng bách hóa thì chỉ được voucher giảm 20 nghìn - 30 nghìn đồng. Thay vào đó họ chuyển qua ngành thời trang, điện tử để có các voucher giảm 8%, 12% nhằm thu hút khách hàng. Sau đó vẫn tiếp tục nhờ cộng tác viên hoặc dịch vụ đặt về để thu được tiền chênh lệch từ mã giảm giá trên sàn.

Quảng cáo không đúng sự thật

Một trong những hình thức gian lận phổ biến trên sàn thương mại điện tử là việc quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật. Các chủ shop dùng hình ảnh mô tả sản phẩm bắt mắt, hấp dẫn, cùng với đó là giá thành rẻ thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên hàng nhận về lại là các sản phẩm giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng.

Có những sản phẩm hiển thị ngay top đầu tìm kiếm với lượng mua hàng cao, kèm theo những đánh giá ảo và không chính xác về sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng có nhận định sai lầm khi mua hàng online.

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển, tình trạng gian lận trên sàn thương mại điện tử cũng ngày càng diễn ra phức tạp và tinh vi. Với các biện pháp mạnh tay như vừa qua của Shopee, sẽ mang đến môi trường thương mại lành mạnh hơn, người tiêu dùng nhận được những sản phẩm tốt và đúng giá.