Rizman từng coi việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ là một việc đơn giản “phải làm”. Em gái anh đã bị cắt khi còn nhỏ, và mặc dù anh không nhìn thấy nó nhưng anh vẫn nhớ bố mẹ anh đã nói về điều đó khi họ đưa em gái anh đến một phòng khám để làm tiểu phẫu.
Khi con gái của Rizman chào đời, bố mẹ vợ anh hỏi khi nào sẽ cho đứa bé đi làm Sunat – một thuật ngữ chung trong tiếng Mã Lai chỉ việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, đôi khi còn được gọi là cắt bao quy đầu nữ. (Thông thường các bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ âm vật của bé gái).
“Chúng tôi nhận ra rằng nó là điều cần thiết như một phần của tôn giáo. Khi con bé được 2 đến 3 tháng, chúng tôi đã hoàn thành tiểu phẫu cho nó”.
Nhiều người Hồi giáo ở Singapore tin rằng tập tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ là một nhu cầu tôn giáo. Theo đạo Hồi, nam giới bắt buộc phải cắt bao quy đầu, và vẫn còn một niềm tin rộng rãi trong cộng đồng Hồi giáo ở Singapore rằng các bé gái cũng cần cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ ngoài.
Nhiều trẻ em gái Hồi giáo ở Singapore là nạn nhân của tập tục cắt bộ phận sinh dục ngoài |
Con gái của Rizman đã bị một nữ bác sĩ Hồi giáo cắt bỏ bộ phận sinh dục trong phòng khám vào năm 2014. Bé gái đã được đặt trên giường, bác sĩ nói việc này sẽ được thực hiện rất nhanh và “chỉ cần cắt bỏ một chút là được”.
Rizman kể lại rằng mọi thứ được thực hiện hợp vệ sinh và có vẻ chuyên nghiệp. Bác sĩ đã nói những lời cầu nguyện trước khi tiến hành tiểu phẫu. Điều này khiến tâm trí của Rizman yên tâm về khía cạnh tôn giáo.
Theo thời gian, Rizman trở nên tò mò và muốn biết thêm về Sunat và tại sao nó được thực hiện. Anh ấy nói mình không phải là một người đặc biệt sùng tín, nhưng anh ấy biết Hồi giáo “là một tôn giáo có lý do rất xác đáng cho tất cả những hành vi được coi là nên và không nên làm”.
Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn, Rizman càng cảm thấy lo lắng vì không có câu trả lời chắc chắn. Một số người cho rằng việc cắt bộ phận sinh dục nữ là điều bắt buộc, nhưng có những người lại cho rằng điều này không hoàn toàn cần thiết và nó mang khía cạnh văn hóa hơn là tôn giáo.
Rizman tin rằng việc cắt bỏ âm vật không phải là một quy định bắt buộc. Chính anh đã đẩy con mình vào một tập tục không cần thiết và “tàn nhẫn”, anh nói.
“Tôi có đọc ở đâu đó nói rằng người ta cắt bỏ để giảm sự mẫn cảm cho âm vật. Điều này là để đứa trẻ lớn lên không có tính ‘trăng hoa’, không có nhu cầu tình dục cao”.
Rizman nói điều đó khiến anh lo lắng vì nhu cầu tình dục của con gái anh đã bị cấm đoán và cô bé bị đánh giá là có khả năng “trăng hoa” khi mới chỉ là một đứa trẻ.
Đối với nhiều tổ chức y tế phương Tây, bất kỳ thủ thuật nào liên quan đến việc rạch hoặc cắt bộ phận sinh dục nữ đều được gọi dưới cái tên là “cắt âm vật”, đôi lúc viết tắt là FGC (female genital cutting) hoặc FGM (female genital mutilation).
Cắt bộ phận sinh dục nữ thường có thể dẫn đến các tác động về thể chất và tâm lý, chẳng hạn như mất máu nghiêm trọng, sẹo, nhiễm trùng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm.
Hành vi liên quan đến việc gây thương tích hoặc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục bên ngoài của phụ nữ bị Liên Hợp Quốc coi là vi phạm quyền trẻ em gái và phụ nữ. Nó là bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới và có thể gây ra các vấn đề lâu dài về tình dục, sinh đẻ và sức khỏe tâm thần.
Không rõ từ lúc nào mà tập tục này được đưa vào Singapore. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng việc cắt bộ phận sinh dục được đưa vào Đông Nam Á qua trường Hồi giáo Shafi’I, nhưng sự truyền bá này vẫn chưa được người ta nghiên cứu đầy đủ.
Phụ nữ Mã Lai theo đạo Hồi chiếm khoảng 7% dân số Singapore (420 nghìn người). Theo một nghiên cứu không được công bố của Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) vào năm 2016, có khoảng 60% phụ nữ Mã Lai đã bị cắt bộ phận sinh dục. Sở dĩ nghiên cứu này không được công bố vì nó là một chủ đề cấm kỵ.
Bà Miranda Dobson, Giám đốc truyền thông cấp cao tại Orchid Project - một tổ chức từ thiện của Anh hoạt động nhằm chấm dứt việc cắt bộ phận sinh dục nữ - cho biết một số người nghĩ rằng tục lệ này chỉ diễn ra ở một nơi nào đó xa xôi như các vùng nông thôn, ở các nước châu Phi, hoặc chỉ ở những nơi nghèo đói và trình độ dân trí thấp chứ không phải ở một quốc gia hiện đại như Singapore.
“Cắt bộ phận sinh dục nữ là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến trẻ em gái, phụ nữ và cộng đồng của họ trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Đông và trong cộng đồng người Hồi giáo toàn cầu. Tục lệ này đã ảnh hưởng đến phụ nữ ở các trình độ học vấn khác nhau, thuộc các sắc tộc, tầng lớp và địa lý khác nhau”, bà Miranda nói.
Nhiều người bản địa ủng hộ việc cắt bỏ bộ phận sinh dục coi vì nghĩ đó là một “vết cắt nhỏ” không gây tổn hại gì cho bé gái. Nhưng Dobson nói rằng trong khi một số bé gái có thể không bị hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, thì việc tiểu phẫu luôn tiềm ẩn những rủi ro. Bà nói: “Nó thường có thể dẫn đến các tác động về thể chất và tâm lý, chẳng hạn như mất máu nghiêm trọng, sẹo, nhiễm trùng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm”.
Không có luật nào ngăn cản việc cắt bộ phận sinh dục nữ ở Singapore. Các nhà vận động và các tổ chức tích cực thảo luận nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn tập tục này đã vấp phải sự im lặng từ chính phủ, Dobson nói. Năm 2013, Hội đồng tôn giáo Hồi giáo của Singapore - Majlis Ugama Islam Singapura (MUIS), đã đưa ra một tuyên bố rằng tiểu phẫu cắt bộ phận sinh dục cho cả nam và nữ là bắt buộc, mặc dù tất cả các đề cập về tập tục này đã bị xóa khỏi trang web của Hội đồng.
Saza Faradilla là một phụ nữ trẻ đang đấu tranh để xóa bỏ tập tục này. Chỉ đến khi trưởng thành Faradilla mới biết mình bị cắt bỏ khi còn nhỏ. Năm 2016, vào sinh nhật 2 tuổi của một bé gái họ hàng, một người thân của Faradilla nói rằng bé gái đã bị tiểu phẫu vào tuần trước.
“Khi tôi thể hiện sự phẫn nộ, người họ hàng đó nói với tôi rằng ‘chính cháu cũng đã bị cắt đấy’. Quai hàm của tôi như rớt xuống. Trước đây chưa ai nói với tôi về điều này. Tôi hoàn toàn không biết rằng nó đã được thực hiện trên cơ thể mình”.
Faradilla đã hỏi cha mẹ mình, họ khẳng định đây là điều bắt buộc và họ làm vì lợi ích của cô. Cô đã không biết rằng những bé gái bị cắt bộ phận sinh dục khi có sự đồng ý của cha mẹ. Sự giận dữ của Faradilla đã khiến cô giành nhiều thời gian ở trường đại học để phát triển luận án của mình về vấn đề cắt bộ phận sinh dục nữ ở Singapore và vận động chống lại tập tục này.
cô Saza Faradilla (ảnh: SCMP) |
Faradilla hiện tổ chức các chiến dịch chống lại tập tục này để nâng cao nhận thức về tác hại có thể xảy ra cũng như cung cấp cho phụ nữ các công cụ để ngăn chặn.
Đồng nghiệp của Faradilla là cô Sya Taha đã thành lập nhóm Hồi giáo Crit Talk, tổ chức các cuộc hội thảo để khuyến khích người Hồi giáo cởi mở hơn khi bàn về việc cắt bộ phận sinh dục nữ. Các hội thảo cung cấp các quan điểm quan trọng và nhiều thông tin hơn cho các bậc cha mẹ hiện tại và tương lai để giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt về tập tục này.
“Thật hạnh phúc khi tất cả những người tham gia hội thảo của chúng tôi đã tuyên bố rằng họ sẽ không làm điều đó với con cái của họ”. Cô Taha nói thêm rằng có một trang web với thông tin và diễn đàn thảo luận ẩn danh về xóa bỏ tập tục này.
Mặc dù anh Rizman đã cố gắng thuyết phục chị gái không làm tiểu phẫu cho cháu gái, nhưng anh vẫn chưa công khai thảo luận về việc điều này với những người khác trong cộng đồng Hồi giáo.
“Bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này đều có thể khiến gia đình tôi bị tẩy chay, bị loại ra và bị coi là một ví dụ về 'ảnh hưởng xấu' trong cộng đồng", anh Rizman nói.
Anh ấy biết chắc rằng nếu anh có thêm một bé gái khác, anh sẽ không muốn nó bị cắt bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, Rizman không cho rằng tập tục này nên bị cấm. Vì một trong những lý do là tôn giáo, nên Rizman tin rằng các bậc cha mẹ nên có sự lựa chọn. Rizman hy vọng vào một lập trường công khai, vững chắc từ Hội đồng Tôn giáo Hồi giáo Singapore.
“Họ nên nói việc cắt bộ phận sinh dục này có bắt buộc thực hiện hay không. Tôi hy vọng là không, bởi vì tôi không nghĩ bé gái phải đón nhận điều này khi chúng chỉ là những đứa trẻ sơ sinh".
Các nhà chức trách tôn giáo lo ngại rằng nếu việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ không còn được công khai ở Singapore, thì nó sẽ được thực hiện “chui”, nơi điều kiện kém vệ sinh hơn nhiều và việc cắt bỏ có thể khắc nghiệt hơn.
Tuy nhiên, nhà hoạt động Faradilla không tin vào điều đó. “Nếu các cơ quan hữu quan có thể phản bác lý thuyết về tôn giáo và tính dục vốn được áp dụng trong việc cắt bộ phận sinh dục nữ, tập tục này sẽ được coi là không cần thiết và sẽ không còn được thực hiện nữa”, cô nói.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng