Độc quyền vẫn lỗ
Trong báo cáo mà VTV gửi Văn phòng Chính phủ, lỗ lũy kế đến hết năm 2015 của K+ là 1.979 tỉ đồng. Và theo dự báo, K+ sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2016.
Từ năm 2009 đến năm 2015, mặc dù số lượng thuê bao của K+ đã tăng từ 95.000 (năm 2009) lên 803.229 vào năm 2015. Trong đó, tổng doanh thu tăng từ 24,6 tỉ đồng (năm 2009) lên 1.269 tỉ đồng (2015). Tuy nhiên, đến hết năm 2015 kết quả kinh doanh của K+ vẫn lỗ 83 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2015 là 1.979 tỉ đồng.
Hiện tại, VTV đang chiếm 51% vốn điều lệ. Tuy nhiên VTV lại không nắm quyền điều hành. Đặc biệt, vốn hoạt động của K+ chủ yếu là vốn vay.
Trong văn bản gửi Bộ TTTT, K+ có nêu: “Để đầu tư có hiệu quả thì mỗi đơn vị lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn như thể thao, phim ảnh, giải trí... K+ với thương hiệu là kênh thể thao hàng đầu nên không thể thiếu những giải thể thao hàng đầu và Ngoại hạng Anh là trọng tâm đầu tư”.
Đặc biệt, ở 3 mùa giải 2013 -2016, K+ đã mua gói độc quyền ngày Chủ nhật có giá khoảng 33,5 triệu USD. Tuy nhiên, mặc dù có được gói độc quyền, nhưng cho đến thời điểm này, theo các chuyên gia đánh giá thì việc khai thác gói độc quyền của K+ vẫn chưa thể giúp K+ thoát lỗ.
Vì sao vẫn đeo bám Ngoại hạng Anh?
Cho đến nay, vấn đề đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong khi đó, K+ vẫn là đơn vị muốn độc lập đàm phán với MP&Silva. Mặc dù quá trình kinh doanh vẫn thua lỗ nhưng K+ vẫn quyết đeo bám Ngoại hạng Anh vì cho rằng đây là vấn đề sống còn của đơn vị này.
Trong công văn gửi Bộ TTT, K+ cho biết: “Dù hiện tại chưa có lãi, nhưng tổng thuê bao và doanh thu của VSTV tăng liên tục 6 năm qua nhờ định hướng có nội dung cao cấp và khác biệt với thế mạnh là thể thao”.
K+ cũng cho rằng, nếu không mua được bản quyền Ngoại hạng Anh thì sẽ còn lỗ nặng hơn. Phía K+ nêu: “Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án (có EPL, không có EPL, chỉ có EPL không độc quyền) và những phân tích cho thấy nếu không đầu tư EPL khi các nội dung khác chưa đủ mạnh trong khi phải cạnh tranh với các đơn vị truyền hình cáp đã có bề dày hoạt động hơn 20 năm và các đơn vị viễn thông có tiềm lực tài chính và tập khách hàng rất lớn thì chắc chắn VSTV sẽ lỗ nặng hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao VSTV là đơn vị sốt sắng nhất trong việc mua EPL. Mỗi doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình và chúng tôi ý thức sâu sắc được điều này”.
Trong một động thái khác, sau khi Hiệp hội truyền hình trả tiền (VNpayTV) đưa ra thông tin nếu MP&Silva không có ý kiến trong hết ngày 15.4, ban đàm phán sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng về việc sẵn sàng tuyên truyền đến người dân về việc không có Ngoại hạng Anh.
MP&Silva sau đó đã gửi thư đến các cơ quan truyền thông. Trong đó, MP&Silva cho biết đơn vị này đã nhận được đề nghị từ các đài Truyền hình tại Việt Nam trong việc đàm phán trực tiếp với chúng tôi, tuy nhiên họ không nhận được sự ủng hộ từ VNpayTV.
Tuy nhiên, BLV Quang Huy đưa ra quan điểm: “Việt Nam hãy mua về một gói chung và cạnh tranh nhau bằng chất xám, thay vì chạy đua một cách không lành mạnh như vậy”.
Theo Lao Động