Vì mục đích gì khinh hạm tên lửa Zelenyi Dol đến Syria?

VietTimes-- Theo tin từ LifeNews, từ Sevastopol, khinh hạm tên lửa Zelenyi Dol (Thung lũng xanh) dự án 21631 (lớp "Buyan-M") mang tên lửa hành trình Kalibr, được sử dụng để tấn công lực lượng khủng bố đang trên đướng đến bờ biển Syria gia nhập cụm binh lực Hải quân Nga ở vùng nước này.
Vì mục đích gì khinh  hạm tên lửa Zelenyi Dol đến Syria?

Thông tin được đăng trên cổng thông tin điện tử Hạm đội Biển Đen Liên bang Nga cho biết: Tàu Zelenyi Dol có nhiệm vụ tăng cường cho cụm chiến hạm hải quân Nga ở bờ biển Syria. Tất cả các tàu đang hoạt động ở vùng nước phía đông Địa Trung Hải gần Syria. Trong trường hợp cần thiết, các tàu có thể cập cảng Tartus ".

Đây là lần đầu tiên Zelenyi Dol thực hiện chuyến hải hành dài ngày trên biển. Cùng với khinh hạm tên lửa Serpukhov, chiến hạm này được biên chế vào cơ cấu trang bị của Hạm đội Biển Đen cách đây vài tháng. 

Khinh hạm tên lửa Zelenyi Dol và Serpukhov là chiến hạm nổi thứ tư và thứ năm được đóng theo chương trình hiện đại hóa dự án lớp "Buyan-M" của Hải quân Nga, tàu được đóng ở Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên đại văn hào A.M. Gorky.

Các khinh hạm hiện đại hóa dự án 21631 có lượng giãn nước lớn hơn và được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa mới nhất "Kalibr-NK".

Ngày 08.10. 2015, các chiến hạm lớp "Buyan-M"  đã tiến hành đợt tấn công tên lửa hành trình tầm xa đầu tiên trong lịch sử hải quân Nga từ biển Caspien vào các cơ sở hạ tầng quân sự của tổ chức khủng bố IS. Tên lửa hành trình Kalibr đã vượt qua hơn 1500 km trên lãnh thổ Iran và Iraq tấn công tiêu diệt mục tiêu.

Thời điểm hiện nay, tình hình chiến sự Syria có nhiều biến chuyển rõ rệt. Quân đội Syria tấn công mạnh trên các chiến trường, đặc biệt là chiến trường then chốt Aleppo. Lực lượng Hồi giáo cực đoan, được sự ủng hộ của các thế lực bên ngoài đứng trước nguy cơ sụp đổ khiến nhiều quốc gia có những động thái gây phức tạp tình hình chiến trường Syria, khiến chiến tranh có thể gia tăng cường độ và lan rộng.

Xuất hiện nguy cơ các lực lượng khủng bố phân tán và liên minh với các tổ chức cực đoan được phương Tây ủng hộ làm thay đổi cán cân lực lượng và hợp pháp hóa sự tồn tại của khủng bố, bạo loạn đi cùng với sự yểm trợ thực tế bằng lực lượng vũ trang từ nước ngoài.

Sự xuất hiện khinh hạm Zelenyi Dol, kết hợp với các chiến hạm khác – khả năng là tàu ngầm diesel – điện Rostov-on-Don mang tên lửa hành trình Kalibr trong vùng nước ven bờ biển Syria có thể sẽ là phương tiện răn đe cứng rắn đồng thời cũng là vũ khí tiến công thần tốc vào các mục tiêu quan trọng của lực lượng khủng bố, yểm trợ cho quân đội Syria tấn công về hướng Raqqa.

Hơn thế nữa, sự xuất hiện của Kalibr trên bờ biển Syria sẽ giảm thiểu yêu cầu sử dụng các máy bay ném bom chiến lược tầm xa, do bị các nước châu Âu lập vùng cấm bay khiến máy bay phải thực hiện tiếp dầu trên không vượt qua hàng chục nghìn km.

Mục tiêu cuối cùng mà Zelenyi Dol thực hiện là đánh quỵ hy vọng của lực lượng Hồi giáo cực đoan về sự ủng hộ của các thế lực bên ngoài có thể giúp các tổ chức này lấy lại thế chủ động trên chiến trường trước quân đội Syria, không phải đứng trước lựa chọn “hạ súng ngồi vào bàn đàm phán” với tư cách là lực lượng đối lập “ôn hòa” hoặc chuyển hẳn sang hướng “khủng bố” để bị tiêu diệt.

Những thông số kỹ chiến thuật của khinh hạm tên lửa dự án 21631:
Lượng giãn nước: 949 tấn; Chiều dài: 74,1 m; Chiều rộng: 11 m; Chiều cao 6.57 m; ngấn nước: 2,6 m

Tàu được trang bị động cơ diesel M507A có công suất 7355 kW.

Tàu có tốc độ cực đại là 25 hải lý; tốc độ hải trình tiết kiệm là 12 hải lý với tầm xa hoạt động là 2500 dặm; dự trữ hành trình độc lập là 10 ngày.

Thủy thủ đoàn từ 29-36 người (thông tin của nhà sản xuất là đến 52 thành viên)

Vũ khí: Pháo hạm 100 mm A-190 "Universal", 2 súng máy 14,5 mm ; 3 súng máy cỡ 7.62 mm;

Vũ khí phòng không: Một tổ hợp phòng không 12 nòng 30 mm AK-630M-2 "Duet", 2 tổ hợp phòng không 3M47-01 "Gibka R" với tên lửa "Igla" hoặc "Igla-M"

Tên lửa hành trình:  giếng phóng 8 ống  "Caliber" hoặc "Onyx" chống tàu và tấn công mặt đất

TTB