Về thương vụ phát hành riêng lẻ 98 triệu cổ phiếu HDBank

VietTimes – HDBank vừa hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 98 triệu cổ phiếu cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CTCP Sovico và các nhà đầu tư khác. Thực tế trong quá khứ, trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, một doanh nghiệp đình đám khác của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – là CTCP Hàng Không Vietjet (Vietjet Air) – cũng từng có động tác tương tự.
HDBank vừa hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 98 triệu cổ phiếu. (Ảnh: HDBank)
HDBank vừa hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 98 triệu cổ phiếu. (Ảnh: HDBank)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới thông báo cho biết, đã nhận được báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 11/12/2017 của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank).

“Theo báo cáo, số lượng cổ phiếu Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh chào bán cổ phiếu riêng lẻ thành công là 98.099.998 cổ phiếu”, thông báo nêu rõ.

Trước đó, ngày 17/10/2017, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) HDBank đã ban hành Nghị quyết số 24/2017/NQ-ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.

Theo phương án này, sau khi tăng vốn điều lệ đợt 1 - từ 8.100.000.000.000 đồng lên 8.828.999.810.000 đồng – bằng cách phát hành 72.899.981 cổ phần để trả cổ tức năm 2016 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tích lũy, HDBank sẽ tiếp tục phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước để tăng vốn điều lệ đợt 2.

“Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm: Tối đa 98.099.998 cổ phiếu hoặc tối đa 12% tổng số lượng cổ phần phổ thông sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng thực hiện năm 2017 theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông số: 05/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 21/04/2017.

Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến sau khi hoàn thành tăng vốn từ việc phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước để tăng vốn điều lệ (tạm gọi là đợt 2): 980.999.979 cổ phiếu”, trích Nghị quyết số 24/2017/NQ-ĐHĐCĐ của HDBank.

Như vậy, theo thông báo mới nhất của UBCKNN, có thể thấy rằng HDBank đã thực hiện phát hành cổ phần riêng lẻ ở quy mô tối đa mà ĐHĐCĐ cho phép.

Lưu ý, lô cổ phiếu chào bán riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phát hành cho ai?

Phương án phát hành tại Nghị quyết số 24/2017/NQ-ĐHĐCĐ của HDBank nêu rõ, ngân hàng ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) toàn quyền lựa chọn và quyết định nhà đầu tư trong nước (pháp nhân và/hoặc cá nhân) đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp quy định của pháp luật hiện hành Việt Nam.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ không giới hạn chào bán cho thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc HDBank và cổ đông lớn.

Theo đó, ĐHĐCĐ HDBank đã thông qua việc phát hành riêng lẻ cho hai cổ đông hiện hữu và thuộc diện người có liên quan, là: Công ty cổ phần Sovico (38.258.999 cổ phiếu) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (17.658.000 cổ phiếu).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, như đã biết, là đương kim Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank; Còn  Công ty cổ phần Sovico (Sovico) hiện là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này. Tính đến trước thời điểm tăng vốn, ngày 10/10/2017, Sovico nắm giữ 84.991.029 cổ phần HDBank, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 10,49%.

Sovico được sáng lập bởi bà Thảo và chồng – là ông Nguyễn Thanh Hùng. Đây được coi là doanh nghiệp “lõi” trong hệ sinh thái doanh nghiệp của vợ chồng nữ tỷ phú tự thân đầu tiên ở Đông Nam Á, hoạt động theo mô hình holdings, quản trị và điều hành hơn 20 đơn vị thành viên và liên kết, trải rộng trên các lĩnh vực then chốt: Tài chính-ngân hàng; Bất động sản; Hàng không; Công nghiệp. Các thương hiệu đình đám như Vietjet Air, Furama, Ariyana, Ana Mandara, Phú Long, Thủy điện Bắc Hà, Thủy điện Bình Điền… và cả HDBank thực tế đều có sự liên hệ chặt chẽ với Sovico Holdings. Tỷ phú Thảo cũng trực tiếp nắm giữ vị trí Chủ tịch điều hành tại Sovico.

Như vậy, trong tổng số 98.099.998 cổ phần vừa được HDBank phát hành riêng lẻ, bà Thảo và công ty thân hữu đã nhận phân phối tới 55.916.999 cổ phần, chiếm 57%.

Sau thương vụ, nữ Phó Chủ tịch HDBank sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân tại ngân hàng từ 2,07% lên mức 3,67% (tính trên vốn điều lệ đã tăng). Qua đó, vượt P.TGĐ Nguyễn Hữu Đặng và Trưởng Ban Kiểm soát Đào Duy Tường, để trở thành lãnh đạo HDBank nắm giữ nhiều cổ phần ngân hàng nhất. Tương tự, sau thương vụ, Sovico cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại HDBank từ 10,49% lên 13,44% - củng cố vững chức vị thế đại cổ đông tại ngân hàng.

Ngoài phần của bà Thảo và Sovico, 42.182.999 cổ phần HDBank còn lại đã được phát hành cho ai?

“Nhà đầu tư tổ chức/cá nhân khác: Ủy quyền Hội đồng quản trị quyết định tiêu chí và quyết định danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ lần này”, Nghị quyết ĐHĐCĐ HDBank chỉ đề cập chung chung như vậy, nên chưa rõ đâu là nhà đầu tư đã tham gia nhận phát hành.

Song khả năng đó không phải là cổ đông hiện hữu và/hoặc người có liên của HDBank. Bởi lẽ, nếu thuộc diện này, Nghị quyết ĐHĐCĐ HDBank đã phải nêu rõ – tương tự như với bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Sovico.

Quy mô số cổ phần phát hành riêng lẻ còn lại này chỉ đạt chưa đến 5% vốn điều lệ HDBank sau khi tăng. Có nghĩa rằng, thông tin về chủ sở hữu và giao dịch có liên quan đến nó sẽ khó được công bố đại chúng.

Phát hành giá bao nhiêu?

Nghị quyết ĐHĐCĐ HDBank không ấn định cụ thể về giá phát hành, mà chỉ cho biết khá chung chung, rằng “giá chào bán cụ thể được xác định theo thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của ngân hàng; đồng thời ủy quyền cho Hội đồng Quản trị thương lượng và quyết định giá phát hành cụ thể với nhà đầu tư tại thời điểm phát hành, đảm bảo giá trị cao nhất cho Ngân hàng”.

Chưa rõ HĐQT HDBank đã thương lượng và quyết định giá phát hành cụ thể cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CTCP Sovico và các nhà đầu tư khác ra sao. Song với nguyên tắc “đảm bảo giá trị cao nhất cho Ngân hàng” mà ĐHĐCĐ HDBank đã đề ra, hẳn mức giá phát hành sẽ cao hơn đáng kể so với mệnh giá.  

Trên OTC, giá giao dịch gần nhất của cổ phiếu HDBank được xác định ở khoảng 31.500 đồng/cổ phiếu. Đây là một con số mà HDBank và các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ nên tham chiếu.

Trong bài báo được phát hành ngày 22/11/2017, Reuters từng đưa tin rằng: HDBank đang tổ chức đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng này. Dự kiến mức chào bán là 20% vốn cổ phần của ngân hàng với giá trị lên đến 300 triệu USD, theo cho biết từ một lãnh đạo ngân hàng.

Tuy nhiên, chia sẻ trong hội nghị APEC diễn ra gần đây, Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo lại cho biết: HDBank dự kiến bán riêng lẻ khoảng 20% cổ phiếu lưu hành thứ cấp cho một số NĐT mới thông qua một thương vụ được cơ cấu với tổng giá trị khoảng 300 triệu USD. Và sau đó, các cổ đông bán cổ phiếu dự kiến sẽ dùng tiền thu được để mua cổ phiếu HDBank phát hành mới ở cùng giá đã bán trước đó. “Nói cách khác cấu trúc thương vụ của HDBank lần này cũng giống như đã diễn ra với cổ phiếu VPB trước đó. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc bán cổ phần riêng lẻ là một bước trong thương vụ được cơ cấu này”, một công ty chứng khoán nhận xét.

Bất kể phương thức phát hành mà HDBank đã thực hiện là như thế nào thì cả hai nguồn tin đều cho thấy một chi tiết, đó là 20% cổ phần HDBank được định giá khoảng 300 triệu USD. Tương ứng, mỗi cổ phiếu HDBank sẽ có giá khoảng 33.000 đồng.

Dĩ nhiên, để “đảm bảo giá trị cao nhất cho Ngân hàng” thì giá chào bán 98.099.998 cổ phần HDBank trong thương vụ phát hành riêng lẻ sẽ không thể quá khác biệt so với mức định giá trên.

Chưa kể khi HDBank chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HoSE vào tháng 1/2018 tới đây, mức giá phát hành riêng lẻ sẽ trở thành tham số quan trọng để ngân hàng và các tổ chức tư vấn của họ xác định giá chào sàn cho cổ phiếu HDBank.

Thực tế trong quá khứ, trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, một doanh nghiệp đình đám khác của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – là CTCP Hàng Không Vietjet (Vietjet Air) – cũng đã có động tác tương tự. Đó là thông qua việc phát hành 22.388.060 cổ phần, tương đương với 7,46% cổ phần đang lưu hành khi ấy của Vietjet Air, cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny – nhà đầu tư thuộc sở hữu của cá nhân của bà Thảo. Giá phát hành được ấn định trong thương vụ này là 84.600 đồng/cổ phần – không khác biệt nhiều so với giá chào sàn của VJC khi lên HoSE (90.000 đồng/cổ phiếu).

Theo những gì đã phân tích, có lý do để tin rằng mức giá phát hành riêng lẻ mà HDBank đã áp dụng cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Sovico và các nhà đầu tư khác nhiều khả năng sẽ đạt trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Và quả nếu vậy, mức giá chào sàn của cổ phiếu HDBank trên HoSE tới đây cũng không thể thấp hơn.

Tại sao phải tăng vốn?

HDBank đã nêu ra 5 nhu cầu cần thiết tăng vốn điều lệ.

Thứ nhất là đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nâng cao năng lực tài chính tạo nền tảng để phát triển mạng lưới chi nhánh, mở rộng thị phần và quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các loạt hình dịch vụ ngân hàng,…;

Thứ hai là đảm bảo tuân thủ, đáp ứng tuân thủ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, hướng đến mục tiêu thực hiện Basel 2 theo đúng lộ trình của NHNN;

Thứ ba là tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng;

Thứ tư là đầu tư vào hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu phát triển của mạng lưới toàn hệ thống;

Thứ năm là góp vốn vào công ty con hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh có thể hỗ trợ thúc đẩy kết quả hoạt động của Ngân hàng.

HDBank cũng lên kế hoạch cụ thể cho việc sử dụng vốn điều lệ tăng lên từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, ngoài mục tiêu lớn là tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu hoạt động an toàn vốn, HDBank sẽ sự dụng nguồn tiền thu về từ việc phát hành riêng lẻ 98.099.998 cổ phần cho 3 mục đích chính: (1) Đầu tư vào hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu phát triển của mạng lưới trang bị máy móc (dự kiến 10% tính trên tổng số vốn huy động được); (2) Bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn (dự kiến 60% tính trên tổng số vốn huy động được); (3) Bổ sung vố hoạt động cho Ngân hàng (dự kiến 30% tính trên tổng số vốn huy động được).

Với phương án tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn điều lệ như đã nêu, HDBank dự kiến nâng vốn chủ sở hữu lên mức 11.500 tỷ đồng vào cuối năm 2017. Đồng thời đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất đạt 179.900 tỷ đồng; Dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp đạt 115.465 tỷ đồng; Huy động khách hàng đạt 154.189 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 2.016 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.613 tỷ đồng; ROE đạt 19,10%; tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất đạt 11,70%./.