Vận tải Uber là ngành nghề mới trong kinh tế Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản số 10448/BKHĐT-PTDN gửi Công ty TNHH Uber Việt Nam để góp ý về đề án xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải của doanh nghiệp.
Uber vẫn vướng về hành lang pháp lý khi kinh doanh ở Việt Nam. Ảnh: Internet
Uber vẫn vướng về hành lang pháp lý khi kinh doanh ở Việt Nam. Ảnh: Internet

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sự ủng hộ việc ứng dụng công nghệ trong kết nối vận tải vì cho rằng điều này đem lại lợi ích cho xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của ngành giao thông. Do đó, bộ này ủng hộ sự cần thiết của đề án thí điểm và khung pháp lý cho hoạt động kết nối vận tải mà Uber đề xuất và đề nghị doanh nghiệp làm theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải cũng như tham vấn thêm ý kiến các Bộ: Công an, Tài chính, Khoa học và Công nghệ…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch vụ kết nối vận tải không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh hay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý dịch vụ do Uber đề xuất là ngành nghề mới, chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007, cũng như chưa chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật Đường bộ 2008 hay các văn bản hướng dẫn.

Đây cũng là hoạt động kinh doanh mà Việt Nam chưa cam kết thực hiện theo phương thức cung cấp qua biên giới trong khuôn khổ cam kết WTO mà vẫn do pháp luật Việt Nam quản lý. Vì vậy, bộ này cho rằng việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kết nội dịch vụ vận tải là rất cần thiết.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết hiện công ty này chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ kết nối vận tải. Đặc biệt, cơ quan quản lý kinh doanh lưu ý, việc đề án khẳng định công ty mẹ Uber B.V tại Hà Lan sẽ đứng ra thực hiện các nghĩa vụ với các cơ quan Nhà nước và khách hàng tại Việt Nam là chưa phù hợp.

Vì vậy đề án cần điều chỉnh nghĩa vụ cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ, trong đó có nộp thuế theo pháp luật trong nước.

Lương Bằng - Báo Hải quan