Tờ Liên hợp Đài Loan ngày 7/9 cho biết Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ tổ chức thảo luận về các vấn đề quan trọng như kinh tế, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người và chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài ra, trong tình hình Trung Quốc đã vượt Mỹ, Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, hãng tin Reuters Anh cho hay dự thảo Thông cáo Hội nghị Cấp cao ASEAN được tiết lộ cho thấy, mặc dù dự thảo có đề cập đến 8 điểm liên quan đến Biển Đông, nhưng không có một chữ nào nói đến vụ kiện trọng tài Biển Đông. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã “giành thắng lợi về ngoại giao”.
Ngày 2/9, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines cũng cho biết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, nước Chủ tịch sẽ không đưa vấn đề trọng tài Biển Đông vào nội dung tuyên bố chung.
Việc thảo luận về Biển Đông phải lấy tình hình tổng thể, an ninh hàng hải và pháp trị làm nền tảng; đồng thời trong vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có khuynh hướng tiến hành “tham vấn song phương” với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 7/9 dẫn nguồn tin cho biết Nhật Bản vẫn đang cố gắng thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào trong một loạt hội nghị cấp cao của ASEAN.
Sau khi đến Lào vào ngày 6/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập tức tổ chức hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Hai bên đã thảo luận về tình hình Biển Đông và kết quả vụ kiện trọng tài Biển Đông, "đồng thời tìm kiếm chính sách ngoại giao của Philippines đối với Trung Quốc trong tương lai".
Trong bối cảnh Mỹ tuyên bố hủy bỏ hội đàm cấp cao Mỹ-Philippines, Nhật Bản và Philippines vẫn tiến hành hội đàm cho thấy Nhật Bản đang áp dụng chính sách ngoại giao độc lập ở Biển Đông và trong quan hệ với Philippines.
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 6/9 cho rằng sau cuộc hội đàm giữa ông Shinzo Abe và ông Rodrigo Duterte, Nhật Bản quyết định cung cấp 2 tàu tuần tra cỡ lớn cho Philippines, trợ giúp Philippines tăng cường năng lực phòng thủ trên biển, kiềm chế tham vọng biển đảo của Trung Quốc.
Ông Rodrigo Duterte cho biết: Khả năng hiện diện của Philippines ở Biển Đông đã tăng lên. Ông còn cho hay: "Cần tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trước đó". Ông Shinzo Abe bày tỏ "hoàn toàn ủng hộ lập trường của Philippines".
Tờ Asahi Shimbun ngày 6/9 cho hay đến ngày 8/9 ông Shinzo Abe sẽ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á với sự có mặt của lãnh đạo 18 nước, khi đó, ông Shinzo Abe sẽ chủ yếu phát động thảo luận về việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình vấn đề bằng pháp lý.
Tờ Nezavisimaya Gazeta Nga cho rằng Nhật Bản và Mỹ khó đạt được mục đích đưa vấn đề Biển Đông vào các hội nghị tại Vientiane, Lào.
Trước khi đến Hàng Châu - Trung Quốc, Mỹ đã công khai lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Nhưng, trong cuộc họp báo của Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Như vậy, từ hội nghị thượng đỉnh này cho thấy vai trò ảnh hưởng của Mỹ đã “giảm mạnh” - báo Trung Quốc dẫn báo Nga bình luận.
Tờ Nihon Keizai Shimbun ngày 6/9 cũng cho rằng trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc đã đóng "vai trò minh chủ (lãnh đạo) của các nước đang phát triển".
Lãnh đạo các nước ASEAN phổ biến coi trọng các hội nghị ở Lào, trong đó Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Cố vấn nhà nước Myanmar Aung san Suu kyi đều lần đầu tiên tham gia hội nghị này. ASEAN còn lần đầu tiên tổ chức hội nghị 10+1 với Australia.
Trong ngày thứ Ba, Tổng thống Philippines đã ít nhất tổ chức 3 cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Hiện nay còn chưa xác định bà Aung san Suu kyi có tổ chức cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ bên lề các hội nghị cấp cao ở Lào hay không.
Một tờ báo Myanmar cho biết từ khi bà Aung san Suu kyi lên cầm quyền, những "người đến sau" trong các nhà lãnh đạo ASEAN cần nắm mọi cơ hội để tìm hiểu sự vận hành của cơ chế ASEAN và xây dựng quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo trong và ngoài ASEAN.