Ủy ban Giám sát Tài chính: Lãi suất có dấu hiệu tăng

Lãi suất có dấu hiệu tăng trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Lãi suất có dấu hiệu tăng làm huy động TPCP chỉ đạt gần 32% kế hoạch năm.
Lãi suất có dấu hiệu tăng làm huy động TPCP chỉ đạt gần 32% kế hoạch năm.

Trong báo cáo của Ủy ban phục vụ cho phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Ủy ban nhận xét, lãi suất có dấu hiệu tăng.

Đặc biệt, lợi suất trái phiếu Chính  phủ (TPCP) có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015, gây khó khăn cho huy động TPCP. Lũy kế từ đầu năm, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP đạt 64,5% và chỉ đạt 31,7% kế hoạch phát hành TPCP của cả năm.

Ngoài nguyên nhân lãi suất, huy động TPCP chậm còn do:

(i) Dòng tiền đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư còn hạn chế, các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều tới trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư;

(ii) Các ngân hàng thương mại ưu tiên đẩy mạnh tín dụng.

Với tốc độ huy động TPCP hiện tại, áp lực huy động vốn đối với Kho bạc Nhà nước trong những tháng tiếp theo sẽ không nhỏ. Lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống TCTD tăng chậm hơn cho vay.

Tính đến 31/3/2015 tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỉ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó vốn huy động bằng tiền đồng Việt Nam (VNĐ) tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỉ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay bằng VNĐ tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%.

Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12-2014. Đáng chú ý là tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.

Báo cáo cho biết, mặc dù lạm phát ổn định (chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ 2014), tỷ giá vẫn phải chịu sức ép nhất định ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào ngày 07/05/2015.

Nguyên nhân là do: (i) 5 tháng nhập siêu gần 3 tỉ đô la Mỹ (ii) tiền gửi ngoại tệ của khách hàng giảm khi tính đến 31/3/2013 do huy động bằng ngoại tệ giảm 4,9%. (iii) lãi suất đô la Mỹ qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh và dao động quanh khoảng 0,4- 0,8%, cao hơn mức 0,25% ở thời điểm đầu năm.

Bất chấp tình hình trên, Ủy ban nhận xét, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 5 tháng đầu năm tăng 9,2%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước (2013: 4,8%; 2014: 5,6%).

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện đã khuyến khích đầu tư và tiêu dùng.

Tín dụng đối với toàn nền kinh tế tính đến 20/5 ước tăng 4,26% (cùng kỳ năm 2014 tăng 1,11%)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2015 cũng tăng 9,05% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,15%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2011-201412.

Nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất do đó cũng tăng theo. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu máy móc thiết bị - dụng cụ phụ tùng tăng 44,9% (so với cùng kỳ), cùng kỳ 2014 tăng 26,7%; nhập khẩu điện tử - máy tính và linh kiện tăng 36,4%, cùng kỳ 2014 tăng 4,5%.

Tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đến ngày 15/5/2015, tăng 4,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 21,5%).

Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thấp. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 63,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 15,4%).

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 5 tháng đầu năm nay ước tính đạt 66,2 tỉ đô la Mỹ, đưa mức nhập siêu 5 tháng đầu năm lên gần 3 tỉ đô la Mỹ, bằng 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó nhập siêu khu vực doanh nghiệp trong nước lên tới gần 7,7 tỉ đô la Mỹ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu ở mức gần 4,7 tỉ đô la Mỹ (kể cả dầu thô).

Theo TBKTSG