Ukraine “trải thảm đỏ” mời Mỹ

Chính quyền hiện nay ở Ukraine đang chào bán tất cả các công ty nhà nước cho các nhà đầu tư Mỹ với mong muốn “thấy các chủ sở hữu người Mỹ trên lãnh thổ Ukraine”.
Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk (bên trái) và nữ Bộ trưởng Tài chính Natalie Jaresko trong một cuộc đàm phán với các chủ nợ của Ukraine
Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk (bên trái) và nữ Bộ trưởng Tài chính Natalie Jaresko trong một cuộc đàm phán với các chủ nợ của Ukraine

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng qua lên tiếng mời chào các nhà đầu tư mua các công ty nhà nước của Ukraine. Ông Yatsenyuk nhấn mạnh trong thông báo do cơ quan báo chí chính phủ Ukraine đưa ra ngày 9-6: “Chúng tôi muốn bắt đầu quá trình tư nhân hóa. Nếu các nhà đầu tư Mỹ quyết định đầu tư vào các công ty nhà nước Ukraine, thì chúng tôi muốn bán chúng với những điều kiện minh bạch nhất. Ukraine hy vọng thấy các chủ sở hữu người Mỹ trên lãnh thổ Ukraine”.

Người đứng đầu chính phủ Ukraine cho biết thêm rằng, Hội nghị đầu tư Ukraine - Mỹ sẽ được tổ chức ở Thủ đô Washington vào ngày 13-7 tới. Tại đó, theo ông Yatsenyuk, hai nước sẽ bàn bạc trực tiếp về khả năng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Ukraine.

Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Yatsenyuk cũng đã đưa ra lời kêu gọi các công ty Mỹ tích cực mua doanh nghiệp nước này, tham gia sâu vào quá trình tư nhân hóa ở Ukraina, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Lý do mà ông mời gọi các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào Ukraine là vì “Kiev không có đủ phương tiện để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế”.

Việc chính phủ Ukraine “trải thảm đỏ” mời mọc đầu tư Mỹ diễn ra trong bối cảnh quốc gia tách ra từ Liên Xô này đang đứng trên bờ vực thẳm vỡ nợ, gần như không có tiền cho bất cứ 

lĩnh vực nào. Tổng số nợ của Ukraine ước tính lên tới khoảng 50 tỷ USD trong năm 2014, chiếm 71% GDP và theo dự báo của Ngân hàng Quốc gia Ukraine thì tổng số nợ sẽ còn nhảy vọt lên 93% GDP vào năm 2015 này.

Trong khi đó, báo cáo của chính trị gia kiêm chuyên viên kinh tế Ukraine nổi tiếng Natalia Vitrenko cho biết, vào thời điểm hiện nay, 35% các nhà máy Ukraine đã ngừng sản xuất, 25% doanh nghiệp bị mất thị trường, 10% công ty phá sản… Năm 2014, GDP của Ukraine giảm 7% và giảm sâu thêm tới 17,6% trong quý 1-2015.

Đánh giá về mức độ khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế Ukraine, Giám đốc điều hành phụ trách các nước Đông Âu và Kavkaz của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Francis Malizh cho rằng, nước này đang đối mặt với khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng kinh tế do GDP năm ngoái suy giảm mạnh. Hiện các chủ nợ đều sợ đầu tư vào Ukraine vì nước này có thể vỡ nợ, khả năng mà theo hãng đánh giá tín nhiệm Moody's là gần 100%.

Chính vì thế ngoài việc các công ty Mỹ (hiện trong số chủ nợ lớn nhất của Ukraine có 5 công ty Mỹ) mua các doanh nghiệp nhà nước Ukraine để có tiền trang trải nợ nần, Kiev ngoài đàm phán với các chủ nợ để hoãn hay gia hạn nợ cũng đang sốt sắng chào bán 1 tỷ USD trái phiếu do Mỹ bảo lãnh. Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko kỳ vọng việc huy động được 1 tỷ USD trái phiếu này, cùng với các khoản viện trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU), sẽ giúp giảm gánh nặng nợ nần mà Kiev đang phải gánh, đồng thời mang lại “tia sáng” cho nền kinh tế Ukraine.

Theo: An ninh Thủ đô