Một loạt video được đăng trên mạng xã hội, bao gồm cả trên Telegram của Bộ Quốc phòng Ukraine trong tuần này, cho thấy các máy bay không người lái (UAV) bay thấp nhả ra những dòng lửa – thực chất là kim loại nóng chảy – xuống các vị trí do Nga trấn giữ trong rừng.
Hỗn hợp nóng gồm bột nhôm và oxit sắt, được gọi là nhiệt nhôm (thermite), cháy ở nhiệt độ lên tới 4.000 độ F (2.200 độ C). Nó có thể nhanh chóng đốt cháy cây cối và thảm thực vật che chở cho quân đội đối địch, nếu không muốn nói là tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn binh sĩ bên dưới.
Khi được thả từ UAV, nhiệt nhôm giống như ngọn lửa phát ra từ miệng của loài rồng trong thần thoại, khiến cho loại UAV này được đặt biệt danh là “rồng”.
“Nhóm ‘Strike Drone’ là đôi cánh báo thù của chúng tôi, mang lửa dội thẳng từ trên trời xuống!”, một bài đăng trên mạng xã hội từ Lữ đoàn cơ giới số 60 của Ukraine cho biết.
“Chúng trở thành mối đe dọa thực sự đối với kẻ thù, đốt cháy các vị trí của kẻ thù với độ chính xác mà không loại vũ khí nào khác có thể đạt được”, bài viết tiếp tục. “Khi ‘Vidar’ của chúng tôi hoạt động – người Nga sẽ không bao giờ ngủ ngon” nó nói thêm. Được biết Vidar là vị thần báo thù của người Bắc Âu.
Theo Nicholas Drummond, nhà phân tích ngành công nghiệp quốc phòng chuyên về chiến tranh trên bộ và là cựu sĩ quan Quân đội Anh, reo rắc nỗi sợ hãi có thể là tác dụng chính của mẫu UAV “rồng” của Ukraine.
“Đó là một thứ rất khó chịu. Sử dụng UAV để phân phối nó (nhiệt nhôm) là một cách khá sáng tạo. Nhưng sử dụng theo cách đó, tác dụng của nó chủ yếu là về tâm lý nhiều hơn là để gây thiệt hại”, ông Drummond phân tích.
Ông nói: “Tôi hiểu rằng Ukraine chỉ sở hữu khả năng hạn chế để triển khai loại đạn này, vì vậy dùng UAV để rải chúng là khả năng thích hợp”. Tuy nhiên, vị chuyên gia thừa nhận nhiệt độ khủng khiếp mà loại đạn này có thể tạo ra. “Tôi không muốn mình bị dính phải thứ này chút nào”, ông nói thêm.
Vũ khí gây cháy trong chiến tranh
Nhiệt nhôm có thể dễ dàng đốt cháy hầu hết mọi thứ, kể cả kim loại, do đó có rất cách để tự vệ trước loại đạn này.
Nó được một nhà hóa học người Đức phát hiện vào những năm 1890 và ban đầu được sử dụng để hàn đường ray xe lửa. Nhưng tiềm năng quân sự của nó nhanh chóng trở nên rõ ràng khi người Đức thả nó từ khinh khí cầu như một loại bom xuống nước Anh trong Thế chiến I, theo ghi chép lịch sử từ Đại học McGill ở Montreal.
Bước sang Thế chiến II, cả Đức và quân Đồng minh đều sử dụng bom nhiệt thả từ trên không, và họ cũng sử dụng nó để vô hiệu hóa các khẩu pháo thu được, bằng cách đưa nhiệt nhôm vào nòng súng và làm tan chảy vũ khí từ bên trong.
Theo Hành động chống bạo lực vũ trang (AOAV), một nhóm vận động phản chiến của Anh, Ukraine trước đây đã sử dụng chất nhiệt nhôm được thả từ UAV để vô hiệu hóa vĩnh viễn xe tăng Nga.
Một báo cáo của AOAV cho biết chất nhiệt nhôm được thả “trực tiếp qua các cửa sập, nơi nhiệt độ cực cao nhanh chóng đốt cháy và phá hủy mọi thứ bên trong”. “Độ chính xác này, kết hợp với khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ truyền thống của UAV, khiến bom nhiệt trở thành một công cụ hiệu quả cao trong chiến tranh hiện đại”, báo cáo cho biết thêm.
Nhiệt nhôm không phải loại vũ khí gây cháy duy nhất, ngoài nó ra còn có những loại khác như bom napalm và phốt pho trắng.
Văn phòng Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc cho biết vũ khí gây cháy có thể gây ra sự tàn phá khủng khiếp và thiệt hại về môi trường.
“Các đám cháy do chính vũ khí tạo ra hoặc do khả năng thiêu đốt của nó rất khó dự đoán và ngăn chặn. Do đó, vũ khí gây cháy thường được mô tả là 'vũ khí khu vực' do tác động của chúng trên một khu vực rộng lớn”, tổ chức này viết trên trang web của mình.
Mỹ từng sử dụng bom napalm để đốt cháy phần lớn thủ đô của Nhật Bản trong các cuộc tấn công khét tiếng ở Tokyo trong Thế chiến II. Lực lượng Mỹ cũng sử dụng nó rất nhiều ở Việt Nam.
Quân đội Mỹ cũng đã sử dụng nhiệt nhôm trong lựu đạn. Xưởng vũ khí Pine Bluff của Quân đội Mỹ sản xuất loại vũ khí này từ những năm 1960 đến năm 2014 và sau đó tiếp tục sản xuất lại vào năm 2023.
Nhiệt nhôm gây tác hại ra sao với con người?
Theo luật pháp quốc tế, nhiệt nhôm không bị cấm sử dụng trong chiến đấu quân sự, nhưng việc sử dụng nó để tấn công các mục tiêu dân sự bị cấm vì những tác động khủng khiếp mà nó có thể gây ra đối với cơ thể con người.
Trong một báo cáo năm 2022 về vũ khí gây cháy, chẳng hạn như nhiệt nhôm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gọi chúng là “khét tiếng vì gây ra tổn thất nhân mạng khủng khiếp”, bao gồm cả việc gây bỏng cấp độ 4 hoặc cấp độ 5.
“Chúng có thể gây tổn thương cơ, dây chằng, gân, dây thần kinh, mạch máu và thậm chí cả xương”, HRW cho biết.
Việc điều trị có thể kéo dài nhiều tháng và cần được chú ý hàng ngày. HRW cho biết nếu nạn nhân sống sót, họ vẫn sẽ mang những vết sẹo khó lành cùng tổn thương về tâm lý.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Drummond, những thứ vũ khí như đạn nhiệt nhôm là chưa đủ để tạo bước đột phá trên chiến trường cho Ukraine.
“Nếu Ukraine muốn đạt được kết quả thực sự, họ cần phải có đủ lực lượng để tạo bước đột phá chuẩn mực hơn, như ở Kurrsk. Đó mới là chiến thắng”, ông Drummond nói. Tuy nhiên, ông cho rằng UAV thả nhiệt nhôm cũng khiến binh sĩ Nga có thêm lý do để sợ hãi trước các UAV của Ukraine.
Tổng thống Zelensky: Chiến tranh ở Ukraine phải chấm dứt vào "mùa thu này"
Phương Tây đặt câu hỏi về việc Kiev vội vã triển khai F-16 sau vụ tai nạn nghiêm trọng
Tổng thống Zelensky sa thải Ngoại trưởng do nguồn viện trợ vũ khí yếu
Theo CNN