Mỹ tỏ thái độ ngăn chặn bành trướng ở Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 27/7 dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson ngày 26/7 cho hay chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thể hiện thái độ "rất rõ ràng" với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ duy trì lâu dài "tự do đi lại" ở Biển Đông.
Hãng tin CNN Mỹ ngày 27/7 cho rằng mặc dù bị Trung Quốc phản đối, Mỹ luôn triển khai các hoạt động bay và hải quân ở Biển Đông.
Đô đốc John Richardson vừa về Mỹ sau khi đến thăm Trung Quốc, ông cho biết ông đã nói rõ lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc: Tìm cách thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay tiến hành các hoạt động (phi pháp) như bồi lấp, xây đảo ở bãi cạn Scarborough đều sẽ bị coi là các vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Đô đốc John Richardson còn cho biết do sự "tiếp xúc thân mật" giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ ngày càng thường xuyên, Trung Quốc và Mỹ cần ký kết một số thỏa thuận để tránh xuất hiện phán đoán nhầm hoặc leo thang đối kháng khi hai bên gặp nhau.
Tuy nhiên, ông John Richardson cho rằng hiện nay quan hệ hai nước Trung-Mỹ "đang tiến lên", chứ không phải "rơi vào cục diện bế tắc đối đầu".
Trước đó, Đô đốc John Richardson đã có chuyến thăm đến Trung Quốc từ ngày 17 - 19/7. Trong cuộc hội đàm ngày 18/7, trước mặt Đô đốc John Richardson, ông Ngô Thắng Lợi, người đứng đầu Hải quân Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố "chủ quyền" (phi pháp) ở Biển Đông và cho biết lực lượng của ông ta đã sẵn sàng chống lại mọi "khiêu khích".
Mỹ điều chỉnh cách xử lý vấn đề Biển Đông?
Đa Chiều ngày 27/7 cũng có bài viết cho hay vừa qua Đô đốc John Richardson đến thăm Trung Quốc trong thời gian 3 ngày (từ ngày 17 - 19/7). Đến ngày 26/7, ông John Richardson đã lần đầu tiên tiết lộ nội tình thăm Trung Quốc và cho biết rõ ông đã nói rõ với phía Trung Quốc về lập trường của chính quyền Barack Obama.
Bài báo cho rằng gần đây, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ có ý định xử lý theo cách "hạ nhiệt". Ngày 25/7, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết rõ Mỹ không giữ lập trường đối với nội dung vụ kiện trọng tài của Philippines, ủng hộ Philippines khôi phục đối thoại với Trung Quốc, thông qua đối thoại song phương để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay.
Cũng trong ngày 25/7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Elizabeth Rice đã có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc. Bà Susan Rice cho biết quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có nghĩa là sự thành công của Trung Quốc cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Bà kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cần đối mặt với bất đồng một cách thẳng thắn, công khai. Dư luận chú ý thấy trong cuộc hội kiến này bà Susan Rice hoàn toàn không đề cập đến vụ kiện Biển Đông của Philippines, ít nhất là không nói đến một cách công khai.
Tờ Washington Post Mỹ ngày 25/7 cho rằng hiện nay Mỹ cần phải tìm cách ủng hộ các đồng minh của họ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, nhưng Mỹ lại không thể hoàn toàn rời xa Bắc Kinh.
Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các vấn đề biển và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng: “Mỹ đang tìm cách làm cho tình hình yên ổn trở lại, đồng thời khuyến khích ủng hộ kết quả trọng tài. Họ tìm cách xử lý khéo léo vấn đề này”.
Tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông ngày 26/7 cho rằng, Mỹ làm như vậy có khả năng là để tạo bầu không khí tốt đẹp cho cuộc hội đàm giữa ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình vào tháng 9 tới ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Đối với các vấn đề chi phối quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, sách lược của Trung Quốc là “vừa tươi cười, vừa lạnh lùng”.
Khi hội kiến với bà Susan Rice, ông Tập Cận Bình liên tục tái khẳng định Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường lòng tin, đi sâu hợp tác, quản lý kiểm soát bất đồng.
Nhưng, trong ngày 25/7, khi hội kiến với bà Susan Rice, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long đã thể hiện thái độ cứng rắn, chủ động đề cập đến vấn đề Biển Đông và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao đoạn cuối (THAAD) nhằm thể hiện quyết tâm kiên định của họ trong việc bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”.