Tướng diều hâu Trung Quốc dọa ra tay không thương tiếc với Nhật Bản ở Biển Đông

VietTimes -- Thiếu tướng La Viện cho rằng Nhật Bản đang thực hiện kế "vây Ngụy cứu Triệu", tiến hành bao vây "hình thoi" đối với Trung Quốc, đồng thời đề xuất nhiều thủ đoạn đáp trả Nhật Bản.
Thiếu tướng La Viện, Phó Hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc. Ảnh: news.qq.com
Thiếu tướng La Viện, Phó Hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc. Ảnh: news.qq.com

Trang tin QQ Trung Quốc ngày 24/9 đăng bài viết bình luận của Thiếu tướng La Viện, Phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc, tập trung bàn về việc Nhật Bản can dự vấn đề Biển Đông hiện nay.

Bài viết cho hay trong thời gian thăm Mỹ vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia hoạt động tuần tra chung với Quân đội Mỹ trên Biển Đông.

Bài viết chỉ trích Nhật Bản gây chiến trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai, có ý đồ đánh tráo khái niệm, cho rằng Nhật Bản đã chiếm các đảo "của Trung Quốc" ở Biển Đông (do đó sau này Trung Quốc "thu hồi").

Bài viết của La Viện phê phán Nhật Bản quay trở lại Biển Đông như là đang xát muối vào vết thương cũ, thậm chí kêu gọi các nước Đông Nam Á cảnh giác cao, ngăn chặn hành động này của Nhật Bản.

Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6K tiến hành tuần tra phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: Sina
Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6K tiến hành tuần tra phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: Sina

Tướng La Viện lấy các văn kiện quốc tế như Tuyên bố Cairo và Thông cáo Potsdam để biện hộ cho hành động xâm lược liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông trong thế kỷ 20. Bài viết cho rằng Trung Quốc sẽ tuyệt đối không cho phép những cái mà Bắc Kinh gọi "thành quả thắng lợi" (xâm lược) này bị mất đi.

Bài viết tuyên truyền cho rằng Nhật Bản quay trở lại Biển Đông về mặt quân sự là đang "thách thức" trật tự quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, lại "nhòm ngó" các hòn đảo trên Biển Đông.

Bài viết đề cập đến mục đích "quay lại" Biển Đông của Nhật Bản như sau: Một là thực hiện kế “vây Nguỵ cứu Triệu”, giảm bớt sức ép chiến lược trên biển Hoa Đông, đẩy tình hình căng thẳng đến Biển Đông (chứ không phải do Trung Quốc đang tìm mọi cách để hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp).

Hai là để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vươn ra nước ngoài, từ bỏ chính sách phòng vệ trước đây, dựa vào thuyền ra khơi, thoát khỏi ràng buộc sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Ba là bước lên "chiến xa" của Mỹ, vận hành cơ chế tự vệ tập thể giữa Nhật Bản và Mỹ, củng cố hệ thống đồng minh quân sự Nhật - Mỹ.

Bốn là lật lại lịch sử, thực hiện "chiến lược Nam tiến" mới, tiếp tục "kiểm soát" Biển Đông và tài nguyên chiến lược của các nước khu vực Đông Nam Á.

Năm là tìm cách "ngăn chặn, bao vây" Trung Quốc. Nhật Bản từng thúc đẩy ngoại giao về quan niệm giá trị, xây dựng “vòng bao vây hình thoi” đối với Trung Quốc, hiện nay tận dụng tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ để tiếp tục ý đồ chiến lược này.

Từ ngày 19 - 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: CCTV Trung Quốc.
Từ ngày 19 - 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: CCTV Trung Quốc.

Bài viết cho rằng Nhật Bản đã bất chấp "cảnh cáo" của nhà lãnh đạo Trung Quốc, kiên quyết quay trở lại Biển Đông về mặt quân sự, do đó theo La Viện "Trung Quốc phải chuẩn bị tốt cho cái gọi là "cuộc chiến chống can thiệp Biển Đông".".

Tướng TQ đề xuất các thủ đoạn mà Bắc Kinh cần áp dụng để đáp trả Nhật Bản gồm:

Trước hết, Trung Quốc cần tăng cường xây dựng "quốc phòng", lập ra các công sự (việc làm phi pháp - PV) trên các đảo đá do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, triển khai tuyến phong tỏa hỏa lực giữa các đảo, ngăn chặn tàu chiến Nhật Bản đi vào.

Thứ hai, phối hợp với các "nước bị hại" trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai để ngăn chặn Nhật Bản quay trở lại về quân sự. Trung Quốc có thể tận dụng lý do này để nhấn mạnh "tính cần thiết" của việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.

Thứ ba, nhảy ra "tuyến ngoài", gây nhiều phiền phức hơn cho Nhật Bản.

Bài viết lấy lý do Trung Quốc là "nước bị hại lớn nhất" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cho nên muốn dư luận hiểu cho "tính nhạy cảm" và "tính cảnh giác" của Trung Quốc đối với việc Quân đội Nhật Bản quay trở lại Biển Đông.

4 Thượng tướng Trung Quốc tham gia chỉ đạo trực tiếp cuộc tập trận phi pháp của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Sina
4 Thượng tướng Trung Quốc tham gia chỉ đạo trực tiếp cuộc tập trận phi pháp của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh:Chinanews

Như vậy, tướng học giả Trung Quốc La Viện đã cố tình bóp méo sự thật và ra sức rao giảng đạo đức và tỏ ra hết sức tức tối đối với sự can dự ngày càng tăng của Nhật Bản ở Biển Đông.

Nhật Bản là nước có thực lực mạnh, lại có quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ, cho nên Trung Quốc tỏ ra hết sức lo ngại, nhất là trong trường hợp Mỹ và Nhật Bản đang “chủ trì công đạo” yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà trước hết là tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines đưa ra vào ngày 12/7/2016.

Tình hình khu vực hiện nay khác các giai đoạn lịch sử của thế giới. Cộng đồng quốc tế đặc biệt coi trọng luật pháp quốc tế, sẽ không cho phép bất cứ nước nào tùy tiện đứng ngoài vòng pháp luật. Bắc Kinh cần nhanh chóng từ bỏ yêu sách chủ quyền và quyền lợi biển vô lý, phi pháp ở Biển Đông, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.