Nhiều chuyên gia an ninh theo dõi động thái của các tổ chức cực đoan cho biết, sau khi xảy ra liên hoàn các vụ tấn công khủng bố, tổ chức cực đoan nằm vùng ở Iraq và Syria ISIS đang vấp phải các đợt không kích và bao vây với cường độ ngày một lớn hơn, dường như chiến tuyến của tổ chức này đang không ngừng bị thu hẹp, rơi vào giai đoạn phòng thủ toàn diện.
Tứ phía bao vây
Tháng 10 vừa qua, phi cơ Airbus chở khách của Nga này rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập, 224 người trên máy bay thiệt mạng, phía Nga cho rằng máy bay do khủng bố đánh bom; Tháng 11, thủ đô Paris của nước Pháp xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở nhiều nơi, khiến 129 người thiệt mạng, hơn 350 người bị thương.
Sau khi tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” chủ động nhận trách nhiệm các vụ tấn công này, Nga và Pháp đã tăng cường các chiến dịch không kích truy quét phần tử khủng bố trong lãnh thổ Syria.
Một số chuyên gia an ninh cho rằng, cách đây không lâu, ISIS đã phát động một số vụ tấn công khủng bố chấn động toàn cầu, nhưng dường như thế lực này không bị ảnh hưởng quá nhiều vì sự chế tài hoặc truy quét của các nước phương Tây. Tuy nhiên, do thời gian qua gây hấn ngày càng nhiều với các quốc gia, tổ chức này ngày càng vấp phải sự trả đũa quyết liệt của các quốc gia đó, lực lượng dần dần cũng bị suy giảm. Ông Hisham Alhashimi – chuyên gia an ninh của Iraq nhận định: “Vài tháng gần đây, đại đa số mặt trận của ISIS tại Syria và Iraq đã chuyển sang thế thủ, tổ chức này đã mất đi quyền chủ động trong vấn đề phát động các cuộc tấn công”.
Ông Hisham Alhashimi cho rằng, thời gian vừa qua Mỹ và Nga tăng cường cường độ không kích, cộng với sự tham gia của Pháp và Anh, gây sức ép lớn cho ISIS, điều này khiến tổ chức này khó có thể thông qua phương thức tập kết lực lượng trên quy mô lớn để điều khiển và bố trí nhân lực.
Ngày 21/12 mới đây, trang quốc phòng Jane's Defence Weekly của Anh công bố báo cáo, diện tích khu vực mà tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” chiếm đóng giảm 14% trong năm 2015, từ 90.800.000 km vuông xuống còn 78.000.000 km vuông. Báo cáo cho biết, trong số các khu vực mà ISIS thất thủ, có không ít điểm xung yếu, bao gồm thị trấn Tell Abyad ở biên giới Syria, thành phố Tikrit ở Iraq và nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq ở thị trấn Baiji.
Chuyên gia phân tích cấp cao của trang Jane's Defence Weekly cho biết, các hoạt động tấn công nhằm vào năng lực sản xuất dầu thô của ISIS được tăng cường, cộng với việc mất đi quyền kiểm soát thị trấn Tell Abyad, dư luận đã nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực đối với năng lực tài chính của tổ chức này”. Lực lượng đắc lợi nhất sau khi ISIS suy yếu là lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria, năm 2015, diện tích đất kiểm soát của người Kurd năm 2015 tăng 186%.
Chuyển công thành thủ, tài nguyên cạn kiệt
Một điều đáng nói là, kể từ cuối tháng 9/2015 – thời điểm Nga bắt đầu tấn công vào các mục tiêu của ISIS trên lãnh thổ Syria, hàng loạt thiết bị quân sự, xe cộ và thiết bị dẫn dầu của ISIS bị phá hủy, nhiều đường tiếp tế quan trọng cũng bị cắt đứt.
Ông Hisham Alhashimi cho biết: “Nguồn tiếp tế hậu cần của ISIS đã cạn kiệt”. Với vai trò là thủ đoạn quan trọng trong các đợt tấn công khủng bố mà ISIS phát động, nguồn nhân lực “đạn người” của tổ chức này cũng bắt đầu thiếu trầm trọng.
Tại Iraq, thị trấn dầu mỏ Baiji tại tỉnh Salahudin và đầu mối giao thông quan trọng Sinjar thuộc tỉnh Nineveh mà ISIS kiểm soát trong một thời gian dài liên tiếp thất thủ, tuyến đường tiếp tế quan trọng tại Iraq và Syria bị cắt đứt; Tại Syria, ISIS vấp phải sự bao vây của nhiều thế lực như lực lượng vũ trang chính phủ, lực lượng vũ trang phi chính phủ người Kurd, khiến sức mạnh của tổ chức này giảm đi rõ rệt.
“Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang vấp phải sự tấn công của nhiều thế lực ở các chiến tuyến khác nhau”. Một nhà phân tích Syria của Pháp cho biết: “Tổ chức này đang ở trong thế thủ, phụ thuộc vào khu vực trung tâm do chính bọn họ kiểm soát”.
Tuần trước, lực lượng quân đội Iraq chia thành hai ngả, bao vây thành phố Ramadi do ISIS kiểm soát, quyết tâm giành lại được thành phố này từ tay ISIS. Ngày 20/12, quân đội chính phủ cho máy bay dải truyền đơn xuống thành phố Ramadi, yêu cầu dân thường rút lui trong vòng 72 giờ đồng hồ, điều này cho thấy cuộc đại chiến giải phóng thành Ramadi sắp diễn ra quyết liệt.
Ngày 21/12, Người phát ngôn Bộ quốc phòng Iraq Naseer Nuri cho biết, có thông tin tình báo cho thấy, nhân viên vũ trang của ISIS đang tìm cách ngăn cản dân thường rút khỏi thành phố, có thể chúng chuẩn bị lấy dân thường làm rào chắn để thủ thành.
Phần tử khủng bố quốc tịch nước ngoài vẫn đáng sợ
Một số chuyên gia an ninh cho biết, mặc dù đang ở thế thủ, nhưng “Nhà nước Hồi giáo” vẫn có thủ đoạn phát động các cuộc tấn công khủng bố, cần hết sức cảnh giác.
Nhà phân tích Karim Bitar của Viện nghiên cứu quan hệ và chiến lược quốc tế cho rằng: “Hiện tại ISIS vẫn thu hút được nhiều thành viên quốc tịch nước ngoài gia nhập đội ngũ quân khủng bố chống lại loài người, đồng thời “bọn họ đã chứng minh được có thể phát động tấn công ở các khu vực khác trên toàn thế giới”.
Một báo cáo của tập đoàn tình báo The Soufan Group cho biết, số nhân viên vũ trang mang quốc tịch nước ngoài ở Iraq và Syria lên tới trên 27.000 người, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014. Trong số các phần tử nước ngoài này, 20% đến 30% số người đang tìm cách quay trở về đất nước mình, để các quốc gia này phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh.
Mặc dù “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng không thể bắn rơi chiến cơ “liên minh quốc tế”, nhưng IS tuyên bố sẽ lên kế hoạch triển khai các vụ tấn công ở những quốc gia này để phá hoại sự ổn định, thu hút nhiều thành viên cấp tiến hơn”.
Theo QPAN