Sáng 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" khi triển khai "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06)
5 hạn chế còn tồn tại khi triển khai đề án 06
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mặc dù Đề án 06 đã đã được một số kết quả tốt sau 2 năm rưỡi triển khai như: cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỉ đồng/năm; có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương; việc kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được đẩy mạnh... tuy nhiên công tác triển khai đề án vẫn còn tồn tại 5 hạn chế.
Thứ nhất, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu. Vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành đúng thời hạn. Còn một địa phương chưa hoàn thành việc ban hành các nghị quyết miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, vẫn còn 317 thủ tục được quy định tại 65 văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục sửa đổi.
Thể chế, cơ chế, chính sách về thương mại điện tử còn chậm thay đổi, chưa bám sát tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu. Vẫn còn các thôn, bản chưa được phủ sóng di động. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích.
Thứ ba, công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng.
Thứ tư, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử còn thất thoát.
Thứ năm, công tác tuyên truyền về triển khai Đề án 06 chưa được thường xuyên, liên tục, chưa hiệu quả.
"Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện"
Theo Thủ tướng, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong dự án 06 và xử lý các "điểm nghẽn" thì các cấp, các ngành, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại.
Các cơ quan cần đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.
"Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử", Thủ tướng yêu cầu.
Hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; khẩn trương đánh giá những dịch vụ công đang thí điểm hiệu quả như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội để nhân rộng trên toàn quốc.
Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn.
Việc chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử cũng cần được đẩy mạnh, nhất là trong quản lý hoạt động thương mại điện tử. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về hóa đơn điện tử, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng; rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.