Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 46 triệu USD dài 3.00km gồm một mạng lưới đường bộ, đường sắt và ống dẫn dầu nhằm kết nối vùng Tân Cương, đông bắc Trung Quốc vối cảng Gwadar tại miền tây nam Pakistan.
Hành lang này bị New Delhi ra sức phản đối vì nó chạy qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (PoK), thuộc vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Huang Xilian, phó giám đốc Văn phòng Châu Á tại Bộ ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ không có gì phải lo lắng vì đây chỉ là một dự án thương mại.
“Chúng tôi hiểu quan ngại của Ấn Độ và xin khẳng định những dự án này không mang tính chính trị. Chúng hoàn toàn nhằm mục đích tạo sinh kế cho con người”, ông Huang nói với một nhóm phóng viên và học giả Ấn Độ tại Bắc Kinh.
Song nguyên tắc này có vẻ không được áp dụng đối với Ấn Độ. Ông Huang cho biết mặc dù không biết chính xác Ấn Độ đã lên kế hoạch thăm dò dầu mỏ tại khu vực nào của Biển Đông, nhưng nếu rơi vào các khu vực tranh chấp, thì đó sẽ là vấn đề lớn.
“Ấn Độ sẽ phản đối nếu một công ty Trung Quốc đi vào một khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ với một nước láng giềng Nam Á”, ông Huang nói khi được hỏi về lý do phản đối của Bắc Kinh.
Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ khi tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ ký kết hợp đồng thăm dò dầu mỏ với Việt Nam. New Delhi đã lên tiếng bảo vệ những dự án của mình, khẳng định chúng hoàn toàn mang tính thương mại.
Bắc Kinh tự tuyên bố chủ quyền trên hầu hết toàn bộ Biển Đông, một con đường hàng hải quốc tế quan trọng với trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt, từ đó gây tranh chấp với một số quốc gia như Việt Nam, Philippines và Brunei.
Ông Huang đã tìm cách phân biệt kế hoạch Biển Đông của Ấn Độ với dự án đầu tư qua PoK của Bắc Kinh. Ông cho rằng hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Pakistan đã có từ lâu, còn sự tham gia của Ấn Độ tại Biển Đông là khá gần đây.
Đối với việc Ấn Độ phản đối hành lang thương mại chạy qua PoK, ông Huang cho rằng các khu vực tranh chấp lãnh thổ song phương cần được giải quyết bởi các bên liên quan.
“Chúng tôi không ủng hộ bất cứ bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Chúng tôi luôn chủ trương tranh chấp cần được giải quyết giữa các bên liên quan thông qua các biện pháp hòa bình”, ông tuyên bố.
Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ rất chặt chẽ và hành lang CPEC, một phần trong chiến lược “Con đường Tơ lụa” và tìm kiếm thị trường tại Tây Á và châu Âu của Bắc Kinh, sẽ là một bước tiến mới nhằm củng cố mối quan hệ này.
“Những hoạt động thương mại này không ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc về các bên tranh chấp lãnh thổ”, ông Huang khẳng định.
Về phía mình, Ấn Độ đã nêu rõ quan điểm phản đối kế hoạch của Trung Quốc. “Khi Thủ tướng (Ấn Độ) đến Trung Quốc, ông đã nói về vấn đề này rất rõ ràng. Ông đã khẳng định mạnh mẽ rằng chúng tôi không đồng ý với những gì Bắc Kinh đang nói về hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan chạy qua PoK”, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj phát biểu tại New Delhi hôm 31/5.
Theo: Dân Trí