Thiện chí không chỉ bằng lời
Thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông và quân sự hóa những đảo này. Theo thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cung cấp trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 14 vừa diễn ra tại Singapore thì Trung Quốc đã cải tạo hơn 8km2 đảo nhân tạo trên Biển Đông và Trung Quốc làm điều đó chỉ trong vòng 18 tháng qua.
Không chỉ tiến hành các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, Trung Quốc thậm chí đã đưa vũ khí ra Biển Đông, bước đi được giới phân tích đánh giá là nhằm từng bước quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép. Ngay trước khi khai mạc Đối thoại Shangri-La 14, Trung Quốc đã cho công bố thông tin nước này động thổ xây dựng 2 hải đăng ở đá Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây rõ ràng là những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại Đối thoại Shangri-La 14, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc là Đô đốc hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nói rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc.
Quan chức quân sự Trung Quốc cho rằng hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình và ổn định. Vị Đô đốc này còn tỏ ra rất mềm mỏng khi khẳng định hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm mục đích “thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc liên quan tìm kiếm và cứu hộ trên biển, phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường...”.
Những tuyên bố chung chung, mập mờ như vậy không thể bao biện cho những hành động đơn phương, ngang ngược của Trung Quốc, không thể giải tỏa những quan ngại sâu sắc của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Rất nhiều câu hỏi đầy nghi ngại đã được đặt ra, đặc biệt là về khả năng bùng phát xung đột, sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và cách hành xử bất công của nước lớn với nước nhỏ. Trung Quốc đang làm cho các đảo nhân tạo trên Biển Đông mà nước này chiếm đóng và xây dựng trái phép trở nên lớn hơn về mặt diện tích, nhưng chính điều đó đang làm xói mòn lòng tin của các nước đối với Trung Quốc.
Phớt lờ dư luận
Không phải tới khi Đối thoại Shangri-La 14 diễn ra, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông mới bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Hồi cuối tháng tư, các nước ASEAN đã đồng thanh lên án hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông với tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 26.
Theo đó, các nước ASEAN nhất trí rằng hành động của Trung Quốc làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Tuyên bố cũng nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn DOC nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện kiềm chế trong các hành động, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Bất chấp lời kêu gọi có lý có tình của ASEAN, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo và tiến hành các hoạt động trái phép khác trên Biển Đông. Sự ngang ngược của Trung Quốc tiếp tục bị hàng loạt nước trên thế giới chỉ trích. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực hiện nay đã vượt khỏi các chuẩn mực quốc tế. Ông Carter cũng tuyên bố Mỹ phản đối bất cứ hoạt động quân sự hóa nào tại Biển Đông.
Một ngày sau Đối thoại Shangri-La 14, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1-6 tuyên bố hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông là phản tác dụng, đồng thời kêu gọi chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này. Ông Obama nêu rõ Trung Quốc là một nước lớn trong khu vực và phải tôn trọng luật pháp, không sử dụng vũ lực. Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng việc đi chệch khỏi các cách ứng xử đã được thiết lập trong giải quyết tranh chấp và dựa vào sức mạnh nước lớn sẽ làm tổn hại sự thịnh vượng của châu Á cũng như khu vực Thái Bình Dương.
Cũng trong ngày 1-6, Hãng tin Reuters dẫn lời Thư ký Bộ Quốc phòng Australia Dennis Richardson cho rằng hoạt động của Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang diễn ra với tiến độ và quy mô chưa từng thấy, làm dấy lên quan ngại về ý đồ của Bắc Kinh trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews trước đó cũng đã cùng với Mỹ và các nước khác phản đối hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Trung Quốc về những hoạt động của nước này trong khu vực. Ngoài ra, một loạt quốc gia khác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) cùng bày tỏ quan ngại về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Sự phớt lờ dư luận không chỉ thể hiện trong hành động mà còn được phản ánh qua thái độ của Trung Quốc. Điển hình nhất là cách hành xử của trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tại Shangri-La 14. Đô đốc Tôn Kiến Quốc dường như chỉ tới sự kiện này để đọc một bài phát biểu có sẵn. Những ngôn từ mà ông này tuyên bố kiểu như “quan hệ cùng thắng” càng khiến các cử tọa hoài nghi. Trong phiên thảo luận sau đó, hàng chục câu hỏi đã được đặt ra cho vị đô đốc này xoay quanh vấn đề Biển Đông hoặc nhằm làm rõ hơn thế nào là “quan hệ cùng thắng”.
Thay vì tập trung giải đáp các câu hỏi, ông Tôn Kiến Quốc lặp lại luận điệu cũ rằng “Trung Quốc luôn kiềm chế, bảo đảm an ninh an toàn trên biển, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới” và rằng Trung Quốc sẽ có trách nhiệm gánh vác cùng các nước trên nguyên tắc coi Liên hợp quốc là trung tâm để đảm bảo hòa bình, đồng thời các nước cần thúc đẩy lòng tin, tìm ra điểm chung để giải quyết những khác biệt...
Vậy nhưng khi nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc Trung Quốc đưa vũ khí tới các đảo tranh chấp cũng như cần một sự giải thích rõ ràng, minh bạch hơn cho những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thì ông Tôn Kiến Quốc thoái thác với lý do thời gian quá hạn hẹp. Có cử tọa còn mỉa mai rằng đại diện của Trung Quốc rất có tài, đặc biệt là có tài dự đoán trước tương lai khi ông Tôn Kiến Quốc trả lời một số câu hỏi bằng lập luận đã nói rõ trong bài phát biểu rồi! Không ít chuyên gia coi thái độ của vị đại diện Trung Quốc này là hành động bịt tai tham dự Đối thoại Shangri-La.
Chỉ báo nguy hiểm
Tham vọng muốn “nuốt trọn” Biển Đông, biến khu vực này thành “ao nhà” của của Trung Quốc đã lộ rõ từ lâu. Các bước đi mà Trung Quốc tiến hành nhằm thực hiện tham vọng này nằm trong chiến lược nhất quán, được phối hợp một cách bài bản. Đó không chỉ là các hoạt động xây dựng trái phép, không chỉ là việc đưa vũ khí ra Biển Đông, mà còn là những lệnh cấm đánh bắt cá phi lý, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác, thậm chí hành động một cách vô nhân đạo khi sử dụng vũ lực cướp bóc tài sản của ngư dân, đâm chìm tàu cá của họ…
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo? Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực Trường Sa. Theo giới chuyên gia, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở khu vực các đảo nhân tạo đang xây dựng trái phép. Mới đây, khi máy bay tuần thám của Mỹ bay trên Biển Đông, hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát tín hiệu liên lạc vô tuyến với máy bay Mỹ để cảnh báo. Dù chưa chính thức tuyên bố, song đây có thể coi là hành động “diễn tập” ADIZ của Trung Quốc.
Tại Đối thoại Shangri-La vừa qua, Phó Tổng tham mưu trưởng PLA Tôn Kiến Quốc đã ngang ngược tuyên bố việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ phụ thuộc vào sự cân nhắc xem liệu an ninh hàng hải và hàng không của Trung Quốc có bị đe dọa hay không! Ai cũng nhận thấy đây là một tuyên bố hết sức vô lý và ngược đời khi một nước lớn sợ bị nước nhỏ bắt nạt. Nhưng phát biểu này rõ ràng là một chỉ báo về các hành động leo thang của Trung Quốc, tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình, phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Và lần này, “thiện chí” của Trung Quốc có vẻ như đã biến mất ngay cả trong lời nói.