Cùng nhau luyện khoa mục tấn công
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/9 cho rằng Hải quân Nga điều 3 tàu chiến và 2 tàu tiếp tế đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận Liên hợp trên biển-2016, từ ngày 12 đến ngày 19/9 sẽ triển khai hành động quân sự trên biển, trên đất liền và trên không với Hải quân Trung Quốc.
Tình huống là các tàu chiến quân đỏ đang neo đậu bị hải quân đối phương tấn công, nhiệm vụ đặt ra đối với tàu chiến tham gia tập trận là tiến hành đáp trả, phát hiện và cứu tàu chở dầu mất tích trên biển và giải cứu tàu thuyền của dân bị cướp biển bắt đi và kéo tàu được cứu về cảng biển của Trung Quốc.
Lực lượng hải quân đánh bộ của hai nước Trung Quốc và Nga sẽ triển khai hành động đổ bộ ở đảo "bị chiếm", sau đó tiến hành "dọn dẹp". Dưới sự yểm trợ của không quân, lực lượng tên lửa tiến hành tấn công đối với các mục tiêu trên biển - điều này sẽ trở thành nội dung quan trọng của cuộc tập trận.
Cuộc tập trận lần này giữa Hải quân Trung Quốc và Nga diễn ra ở Biển Đông – nơi Trung Quốc từng dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhảy vào tranh chấp, gây ra điểm nóng ở Biển Đông hiện nay.
Vì sao Nga ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông?
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan công bố phán quyết phủ nhận cái gọi là “quyền lợi lịch sử” và yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh luôn bất chấp luật pháp quốc tế, cố tình không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết này.
Trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc vào ngày 5/9/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện trọng tài Biển Đông, không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài.
Nga tuyên bố “không can thiệp” tranh chấp Biển Đông, nhưng Nga lại ủng hộ Trung Quốc, phản đối phán quyết của Tòa trọng tài. Đây là một động thái rất đáng để xem xét, đánh giá cho chính xác lập trường, chính sách thực sự của Nga đối với vấn đề Biển Đông.
Đáp lại, giữa các nhà lãnh đạo Đông Á, Mỹ và đồng minh đều lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, khẳng định phán quyết này có khả năng ràng buộc pháp lý.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời “chuyên gia” ngang nhiên cho rằng nếu eo biển Malacca và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đặt dưới sự "quản lý" của Trung Quốc và không bị Mỹ cùng đồng minh chi phối, sẽ có lợi cho Moscow.
Chuyên gia quân sự Victor Litovkin được Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời nói: "Bất kể có đồng ý hay không, Nga đều muốn ủng hộ chủ trương của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Đối với Nga, Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự trên các đảo này có thể bảm đảm cho các tàu chiến Hải quân Mỹ trang bị hệ thống Aegis, các tên lửa Tomahawk và SM-3 không xuất hiện ở khu vực này".
Hợp tác quân sự sẽ còn mở rộng
Alexey Maslov, Giám đốc Học viện Phương Đông, Đại học Kinh tế cao cấp Nga cho rằng sự phát triển của hợp tác quân sự hai nước rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với các dự án kinh tế.
Ông nói: "Mục đích cuộc tập trận lần này là kiểm nghiệm khả năng cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Đông Á và Đông Nam Á của hải quân hai nước".
Alexey Maslov cho rằng Nga và Trung Quốc hiện đang nghiên cứu hình thức liên minh chính trị-quân sự trong tương lai. Nhưng sẽ không thành lập tổ chức chính thức về hình thức và pháp lý như NATO.
Cuộc tập trận chung Liên hợp trên biển-2016 đã là cuộc tập trận chung loại này lần thứ năm do Nga và Trung Quốc tổ chức ở các vùng biển của Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận trước đó được tổ chức thiên về hướng bắc, gần biên giới Nga. Đây cũng là nguyên nhân năm nay Nga chỉ điều 3 tàu chiến và 2 tàu tiếp tế tham gia.
Năm 2015, khi diễn tập ở biển Nhật Bản, Nga điều tổng cộng 16 tàu chiến, 2 tàu ngầm, 12 máy bay chiến đấu của lực lượng đường không hải quân và 9 máy bay vận tải tham gia tập trận.
Trung Quốc điều tới bờ biển Nga 6 tàu đổ bộ, 6 máy bay trực thăng chiến đấu, 5 máy bay chiến đấu không quân hải quân và 400 binh sĩ hải quân đánh bộ tham gia "hành động giải phóng và tấn công" bờ biển.
Đồng thời, Bộ chỉ huy Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch mở rộng hợp tác trên lĩnh vực này.