Trung Quốc và Hàn Quốc có thể tăng cường trừng phạt Triều Tiên

VietTimes -- Hàn Quốc lo ngại các cuộc tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên, cho dù chỉ giới hạn ở tấn công phá hủy các cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng có thể gây ra chiến tranh toàn diện.
Ông Vũ Đại Vĩ, đại diện cấp cao Trung Quốc và các quan chức ngoại giao Hàn Quốc. Ảnh: New York Times
Ông Vũ Đại Vĩ, đại diện cấp cao Trung Quốc và các quan chức ngoại giao Hàn Quốc. Ảnh: New York Times

Theo tờ New York Times bản tiếng Trung ngày 11/4, một quan chức ngoại giao cấp cao Hàn Quốc cho biết vào thứ Hai, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đồng ý rằng nếu Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thì sẽ tiến hành trừng phạt nặng nề hơn đối với nước này.
Đồng thời, Mỹ đang điều một cụm tấn công tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên, tăng cường sức ép đối với Triều Tiên.
Thông tin trên được Hàn Quốc công bố hầu như nhằm can ngăn Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Nhưng, mối đe dọa trừng phạt trước đó hoàn toàn không thể ngăn chặn Triều Tiên thúc đẩy chương trình hạt nhân của họ. Tình hình khu vực trở nên căng thẳng cao độ.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh tiến hành tấn công tên lửa đối với Syria và quyết định điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đến vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên.
Những quyết định này làm cho một số người Hàn Quốc lo ngại rằng nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử hạt nhân thì các cuộc tấn công quân sự đối với nước này có thể đang tới gần.
Hiện nay, Trung Quốc đã "gia nhập" vào các nỗ lực quốc tế để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Vào thứ Hai, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đại diện cấp cao Trung Quốc, ông Vũ Đại Vĩ đã có cuộc hội đàm với ông Kim Hong-kyun – đại diện Hàn Quốc, đã thảo luận về cách thức ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Ông Kim Hong-kyun nói: "Hai bên đều cho rằng, mặc dù cộng đồng quốc tế không ngừng đưa ra cảnh cáo, nhưng nếu Triều Tiên tiến hành các hành động khiêu khích chiến lược như thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn bổ sung theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc".
Ông Kim Hong-kyun cho hay, ông không thảo luận với ông Vũ Đại Vĩ về khả năng Mỹ tiến hành tấn công quân sự đối với Triều Tiên. Ông Vũ Đại Vĩ không phát biểu với báo giới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn hối thúc Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy kinh tế để kiểm soát quốc gia láng giềng, nếu không Mỹ sẽ triển khai các hành động đơn phương.
Có chuyên gia cho rằng, những hành động có khả năng nhất mà Mỹ áp dụng sẽ bao gồm tiến hành trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc tình nghi hỗ trợ Triều Tiên kiếm ngoại tệ, từ đó Triều Tiên có tiền để phát triển vũ khí.
Tuy nhiên, vài tuần gần đây, trợ lý cấp cao của ông Donald Trump cũng công khai cảnh cáo, họ hoàn toàn không loại trừ "phương án quân sự". Cuối tuần, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ tấn công quân sự đối với Syria là để phát đi tín hiệu với nước khác: Nếu họ tạo ra mối đe dọa thì Mỹ "có khả năng thực hiện các biện pháp đáp trả".
Hàn Quốc lo ngại các cuộc tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên cho dù chỉ giới hạn ở tấn công phá hủy các cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng có thể gây ra các hành động báo thù mang tính thảm họa và chiến tranh toàn diện. Thủ đô Seoul, Hàn Quốc nằm trong phạm vi tấn công của pháo và rocket ở biên giới Triều Tiên.

Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria. Ảnh: QQ
Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria. Ảnh: QQ

Từ lâu, ở Hàn Quốc, việc đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên được coi là không thực tế. Nhưng nhà phân tích Cheong Seong-chang (Hàn Quốc) thì cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump thì không loại trừ khả năng Mỹ tiến hành đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên.
Còn nhà phân tích Lee Sang-hyun (Hàn Quốc) cho rằng, ông Donald Trump hầu như thường đưa ra các quyết định "ngẫu hứng" trong chính sách ngoại giao.
Nhưng, theo Cheong Seong-chang, tấn công đánh đòn phủ đầu vẫn chỉ là một khả năng về lý thuyết. Không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sắp triển khai hành động quân sự đối với Triều Tiên, chẳng hạn rút vài chục nghìn người Mỹ sinh sống ở Hàn Quốc hoặc nâng cao mức cảnh giới cho quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Duk-haeng cũng cho biết: "Tất cả vấn đề của bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình". Hàn Quốc đang tiến hành tham vấn chặt chẽ với Washington, "không nên quá lo lắng" về thông tin Mỹ có thể tấn công Triều Tiên.
Theo Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo, về vấn đề tấn công đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên, lập trường giữa Hàn Quốc và Mỹ khác nhau là "rất tự nhiên".
Đối với người Hàn Quốc, việc ông Donald Trump hạ lệnh tấn công Syria vừa qua cho thấy ông sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để tấn công Triều Tiên. Việc điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson quay lại bán đảo Triều Tiên cũng "không bình thường". Vì tháng trước, cụm tấn công tàu sân bay này đã tiến hành tập trận ở khu vực này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết sự quay trở lại của cụm tàu sân bay này là để ngăn chặn các hành động "khiêu khích" của Triều Tiên trong vài tuần tới.

Triều Tiên bắn thử tên lửa Pukguksong-2 ngày 12/2/2017. Ảnh: Cankao
Triều Tiên bắn thử tên lửa Pukguksong-2 ngày 12/2/2017. Ảnh: Cankao

Khả năng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân và tên lửa để kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đang gây lo ngại cho dư luận về tình hình bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.
Mặc dù Mỹ ra sức gây sức ép quân sự đối với Triều Tiên, nhưng Triều Tiên vẫn đưa ra những tuyên bố rất cứng rắn, cho rằng "không sợ mối đe dọa" - khả năng Mỹ tấn công quân sự đối với Triều Tiên.