Trung Quốc tung tàu hải cảnh khổng lồ xuống Biển Đông chống phán quyết PCA

VietTimes -- Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA bác bỏ yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông không làm Bắc Kinh bất ngờ. Trung Quốc đã chuẩn bị cho những hành động tiếp theo nhằm hiện thực hóa mưu đồ thống trị Biển Đông, trong đó có việc triển khai tàu hải cảnh khổng lồ Hải cảnh 3901.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông đồng nghĩa với sự gia tăng căng thẳng khu vực. Chính vì lẽ đó, lực lượng thực thi pháp luật hàng hải dân sự (CMLE) của Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ và trở thành lực lượng tấn công chủ chốt trên biển.

So sánh tàu hải cảnh Haijing 2901 của Trung Quốc với các chiến hạm Hải quân Mỹ

Trung Quốc đã phát triển mạnh các tàu thực thi pháp luật dân sự hàng hải (CMLE) trong khi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tập trung vào sức mạnh hải quân, “quân bài” lớn của các cuộc chơi trên biển như tàu ngầm và tên lửa chống tàu. Mục đích của Bắc Kinh là tiến hành các hoạt động cưỡng bức dân sự quyết liệt bằng các tàu chấp pháp nhằm mở rộng vùng kiểm soát. khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông trong khi vẫn duy trì tình trạng hòa bình và ổn định giả tạo trên những vùng biển tranh chấp.

Chính vì lý do này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết: chiếc tàu hải cảnh khổng lồ thứ 2 đang trong giai đoạn chuẩn bị ra khới tuần tra trong những ngày gần đây. Mang số hiệu thân tàu 3901, tàu hải cảnh này đang đậu trên bến cảng một xưởng đóng tàu.

Tàu hải cảnh lớn nhất thế giới Hải cảnh 3901 chuẩn bị đưa vào biên chế thuộc Chi nhánh Hải cảnh Biển Đông

Trước đó một thời gian, chiếc tàu đã được thử nghiệm trên bến cảng và trên biển. Khi hoàn thành lắp đặt các trang thiết bị cần thiết, Hải cảnh 3901 chính thức được đưa vào biên chế trong lực lượng Hải cảnh.

Thực tế chiếc Hải cảnh 3901 không xa lạ với những quan sát viên hiểu biết về sự phát triển tàu hải cảnh Trung Quốc. Đây là chiếc thứ 2 sau khi chiếc hải cảnh đầu tiên có lượng giãn nước khổng lồ Hải cảnh 2901, hoàn thành lắp đặt trang bị và bàn giao cho Chi cục biển Hoa Đông.

Những thông tin về tàu hải cảnh này (những hình ảnh đầu tiên khi chiếc tàu đang được đóng) xuất hiện vào tháng 1. 2014 và ngay lập tức, chiếc tàu được coi là một "quái vật" OPV (tàu cảnh sát biển) và gây lên một cảm giác lo ngại về những hoạt động của tàu Hải cảnh 2901 trên biển Hoa Đông.

Tải trọng cực đại của tàu cảnh sát biển theo nguồn tin từ Trung Quốc cho biết nằm giữa khoảng 10.000 đến 12.000 tấn đầy tải, vượt xa tàu hải cảnh Nhật Bản lớp Shikishima, được đóng vào đầu những năm 1990, có trọng lượng đầy tải khoảng 6.500 tấn, được đánh giá là tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới.

Điều đáng kinh ngạc là tốc độ đóng tàu của Trung Quốc, chiếc tàu đầu tiên 2901 và chiếc 3901 được đóng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Tốc độ đóng tàu này cho thấy mục đích tương lai của Bắc Kinh là tăng số lượng các tàu hải cảnh thêm nhiều chiếc nữa.

Chiếc tàu hải cảnh siêu trọng Haijing 3901

 Tàu  ZHONGGUO HAIJING 3901 (số hiệu đăng ký tổ chức hàng hải quốc tế IMO: 9756028, số hiệu nhận dạng hàng hải quốc tế MMSI: 413482360); là tàu thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc.

Theo quy định chung, tàu hải cảnh CCG không mang tên hiệu, không giống như các chiến hạm nổi của Hải quân PLA. Các tàu hải cảnh thường được gọi bằng số thân tàu, ví dụ như "Hải cảnh 3901” bao gồm các thông tin như cơ quan / khu vực và thông số kỹ thuật của tàu chuyên ngành. Số hiệu thân tàu có khoảng bốn hoặc năm chữ số và có thể có sự khác biệt trong cách thể hiện nếu những con số dự định trùng với những số hiệu của các tàu thế hệ trước.

Với những tàu hải cảnh có số hiệu thân 4 chữ số, chữ số đầu tiên thường đề chỉ một trong 3 vùng hàng hải của Hải cảnh CCG. "1" biểu thị Chi nhánh Bắc Hải; "2" Chi nhánh Đông Hải và "3" Chi nhánh Biển Đông. Những tàu hải cảnh mang số hiệu thân tàu có năm chữ số: hai chữ số đầu tiên biểu thị khu vực. Ví dụ, tàu hải cảnh 31239 - tàu hải cảnh CCG có vũ trang đầu tiên hoạt động ngoài khơi thuộc quần đảo Senkaku đang có tranh chấp với Nhật Bản cuối tháng 5.2015, chữ số"31" biểu thị Thượng Hải, hải cảng căn cứ của tàu.

Số thứ hai thường chỉ tải trọng của tàu. Hai chữ số cuối hiển thị cơ sở hoặc hãng đóng tàu, nhưng cũng có thể là hai chữ số cuối của số thân tàu trước đây khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ một lực lượng khác. Ví dụ nữa về tàu hải cảnh Hải cảnh 31239, hai chữ số cuối cùng "39" là giữ lại số thân tàu 539 khi hạm tàu này đang phục vụ trong hải quân trước đây.

Chiếc tàu thực thi pháp luật dân sự Trung Quốc CMLE đầu tiên được triển khai tới Biển Đông là tàu Haixun 31 có tải trọng đến 3.000 tấn thuộc cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc tháng 04.2009. Thời gian này, đây là chiếc tàu Hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc hoạt động trong khu vực.

Tháng 3 .2013 trước khi dự án bồi đắp đảo nhân tạo bắt đầu, Trung Quốc tăng cường sức mạnh của Lưc lượng chấp pháp trên  Biển Đông bằng việc triển khai tàu Yuzheng 312 có tải trọng đến 5.000 tấn, chuyển đổi mục đích sử dụng từ tàu Hải quân PLA.

Tháng 1.2014 Bắc Kinh làm nóng lại chương trình đóng tàu hải cảnh có tải trọng lớn hơn 5.000 tấn, đồn trú thường xuyện tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" mới được thành lập trên đảo Hải Nam. Điều này trùng hợp với thông tin trên mạng xã hội cho biết: Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đang có kế hoạch đóng mới lớp tàu có trọng tải khoảng 10.000 tấn cho lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

 Tàu hải cảnh mới Hải cảnh 3901 là chiếc tàu chấp pháp lớn nhất được đóng cho lực lượng Hải cảnnh Chi nhánh Biển Đông, vượt xa tất cả các loại tàu Cảnh sát biển của các quốc gia trong vùng biển tranh chấp về kích thước và tải trọng, bao gồm cả tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam DN-2000 (OPV-9014), tàu cảnh sát biển này có chiều dài 90 mét, trọng tải 2.500 tấn được đóng theo thiết kế của công ty đóng tàu Hà Lan Damen tại nhà máy đóng tàu  Sông Thu.

Các tàu “vỏ trắng” Trung Quốc gây bất ổn?

Các tàu hải cảnh Trung Quốc CMLE, thường được gọi là tàu "vỏ trắng”, ít gây sự quan tâm của thế giới hơn các chiến hạm hải quân màu xám. Những tàu vỏ trắng được trang bị vũ trang nhẹ (thông thường là pháo tự động 76 mm, các loại súng tự động, radar tìm kiếm và theo dõi mục, các bộ khí tài quan sát quang điện tử, hệ thống dẫn đường hiện đại và hệ thông thông tin liên lạc mở rộng tần số, súng phun nước công suất lớn. Tàu "vỏ trắng" cũng mang theo trên boong hoặc trong hầm tàu  một hoặc nhiều xuồng tuần biển động cơ nhỏ phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm, truy đuổi và bắt giữ.

Những tàu hải cảnh Trung Quốc có kích thước lớn được trang bị các bộ khí tài hiện đại rất mạnh, cho phép các tàu chấp pháp có thể hoạt động xa bờ trong thời gian dài, trên vùng biển quốc tế và các vùng nước tranh chấp chồng lấn, hoạt động trong mọi điều kiện mọi thời tiết, thủy văn môi trường.

Tàu có thể có sàn hạ đỗ máy bay trực thăng (hầm chứa máy bay) cho một hoặc thậm chí hai máy bay trực thăng. Với một lớp tàu hải cảnh kích thước lớn có thể thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, trong đó có cả vị trí vai trò như một kỳ hạm hải cảnh, chỉ huy điều hành mọi hoạt động của các tàu hải cảnh nhỏ hơn thực hiện các nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Điểm đặc biệt khiến cộng đồng quốc tế cho rằng các tàu hải cảnh không đe dọa hòa bình và ổn định là không có vũ khí tấn công (pháo hạm cỡ nòng lớn, tên lửa), thường trang bị súng tự động và hệ thống điều khiển hỏa lực nhỏ và các súng phun nước công suất lớn.

Nếu rút ra từ bài học thực tế của vụ giàn khoan HD-981, chính nhóm tàu hải cảnh mới là lực lượng tấn công quan trọng của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa những tuyên bố “yêu sách chủ quyền” phi pháp của mình.

Một lực lượng tàu hải cảnh với nhiều loại tàu khác nhau, bao gồm cả kỳ hạm tải trọng lớn, các tàu nhỏ hơn và lực lượng tàu cá lớn có thể tạo thành một sức mạnh vây lấn, xô đẩy, đâm húc. Các tàu vỏ trắng thường sử dụng súng phun nước, vũ khí phi sát thương như loa âm thanh công suất lớn, vòi rồng có thể bao vây, phong tỏa và kiểm soát một khu vực lớn như bãi cạn Scarborough.

Trong tình huống căng thẳng, các tàu “vỏ trắng” tải trọng lớn có thể xô đẩy, đâm húc với các tàu cảnh sát biển của các quốc gia láng giềng, có số lượng và tải trọng ít hơn. Chính nhân tố này mới thực sự là lực lượng tác chiến “then chốt” trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Bằng các nhóm tàu hải cảnh kích thước  và tải trọng lớn, Trung Quốc có thể bao vây một thực thể địa lý trên Biển Đông trong một thời gian dài, các tàu nhỏ hơn có thể tiến hành các hoạt động xung đột phi quân sự để đầy lực lượng bảo vệ chủ quyền dân sự (tàu đánh cá, vận tải, cảnh sát biển ra khỏi thực thể địa lý mà quốc gia đối thủ đang bảo vệ.

Với số lượng đông, tải trọng lớn, tàu Hải cảnh Trung Quốc (bao gồm cả tàu Hải cảnh 3109) có thể vây lấn và đánh chiếm thêm nhiều thực thể địa lý, hỗ trợ Bắc Kinh trong việc bồi đắp đảo và kiểm soát tự do hàng hải, sẵn sàng tiến hành các cuộc đọ sức mạnh vỏ thép trên Biển Đông.

(Còn tiếp)

 TTB