Tờ Le Figaro phản ánh hiện tượng này dưới một bài báo có tựa đề: "Tham nhũng ẩn mình sau thư pháp Trung Quốc".
Từ một năm nay, với chiến dịch "bàn tay sạch", ông Tập Cận Bình yêu cầu công chức của Đảng hạn chế "tài năng" nghệ sĩ của mình. Từ đó, công việc kinh doanh tại khu phố thư pháp ngay cạnh Tử Cấm Thành trở nên ế ẩm.
Một người kinh doanh tại đây cho biết: "Không ai dám mua hay bán tác phẩm của các cán bộ Đảng đương chức. Còn tác phẩm của các quan chức nghỉ hưu thì chẳng còn giá trị".
Đây là biện pháp mới của Ủy ban kiểm tra kỉ luật Trung ương Đảng, sau khi đã "sờ gáy" những sở thích sang trọng của quan chức, như sưu tập rượu quý, đồng hồ hay xe hơi hạng sang của Đức.
Kết quả là nhiều cán bộ đương nhiệm đã phải từ chức tại các hội thư pháp-hội họa vì theo nhận định của Ủy ban, loại hình nghệ thuật này là một cách hối lộ tinh vi, với nhiều cách thức khác nhau.
Một cán bộ cấp cao, nắm quyền quyết định, viết thư pháp hay vẽ tranh ngoài giờ làm việc. Các nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp giầu có được mời tới để thưởng thức tác phẩm. Và người nào mua một trong những tác phẩm đó sẽ trúng thầu một dự án bất động sản.
Thậm chí, để bán tác phẩm với giá cao nhất, nhiều cán bộ còn tổ chức bán đấu giá tác phẩm của mình song song với các thông báo mời thầu của chính quyền địa phương. Cán bộ có chức càng cao, tác phẩm càng có giá trị. Các doanh nhân hay những người muốn mở công ty cũng thường treo thư pháp của một cán bộ để chứng tỏ có "quan hệ".
Một cách thức khác, cán bộ của đảng bán tranh tại các triển lãm dưới một tên giả. Thế nhưng, các doanh nhân vẫn "tinh ý" nhận ra được dấu ấn của tác giả nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia được trả thù lao hậu hĩnh. Khi đã mua được bức tranh, doanh nhân sẽ tới chào và thể hiện sự ngưỡng mộ tài năng đối với tác giả trước khi chuyển qua chuyện làm ăn.
Một số quan chức cấp cao trao đổi tác phẩm với các nghệ sĩ nổi tiếng. Những người này không dám từ chối. Trong khi, tác phẩm thư pháp của quan chức đó chẳng có giá trị gì, thì tác phẩm của người nghệ sĩ được vị quan chức rao bán với giá vài trăm nghìn nhân dân tệ.
Mới đây, tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) phản ánh trường hợp một trợ lý giám đốc Phòng Tuyên truyền của tỉnh Giang Tô. Trị giá các tác phẩm của cựu cán bộ này lên tới 1,7 triệu euro. Khi nghiên cứu thị trường bất động sản tại đây, các nhà điều tra đã phát hiện rằng nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi tới 15.200 euro để mua một tác phẩm của ông.
Bài viết dẫn lại lời một chuyên gia về thư pháp, kết luận: "Học thư pháp như leo núi. Cần phải có lòng kiên nhẫn trước khi lên tới đỉnh. Để trở thành một bậc thầy nổi tiếng ngày nay, phải nắm được hết các kỹ thuật của các bậc tiền bối trước khi phát triển phong cách riêng của mình. Các nhà lãnh đạo và cán bộ hiện nay chỉ ở trình độ rất thấp. Các bức vẽ nguệch ngoạc của họ chẳng có giá trị gì thế nhưng được bán với giá rất cao".
Theo Bizlive