Trung Quốc tăng tốc cuộc đua tàu sân bay với Mỹ

VietTimes -- Chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên được đóng tại Trung Quốc và chính thức hạ thủy tại Đại Liên, trên thực tế là phiên bản hiện đại hóa sâu của tàu tuần dương sân bay hạng nặng Liên Xô, dự án 1143 Krechet. 
Tàu sân bay Trung Quốc, nguyên mẫu tàu Liêu Ninh
Tàu sân bay Trung Quốc, nguyên mẫu tàu Liêu Ninh

Dự án 1143 Krechet là dự án đóng các tàu tuần dương sân bay của Liên Xô, được bắt đầu năm 1970. Sau một thập kỷ nghiên cứu phát triển, dự án được nâng cấp và phát triển theo hướng tàu sân bay: boong – đường băng được kéo dài, các tổ hợp tên lửa và pháo binh được loại bỏ, sàn sân bay của tàu cho phép các máy bay thông thường có thể cất và hạ cánh. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của dự án là tàu Đô đốc Kuznetsov, khởi đầu mang tên "Liên Xô".

Chiếc tàu thứ hai của dự án 1143 Krechet chính là tàu tuần dương sân bay Varyag, do sự sụp đổ của Liên bang Xô viết đã không đi đến hoàn thiện và Ukraine được hưởng thành quả này. Trong những mối quan hệ phức tạp địa chính trị, tuần dương sân bay Varyag được bán cho Trung Quốc cùng với tất cả các hồ sơ thiết kế, tài liệu nghiên cứu đi cùng mà người Ukraine sở hữu.

Nhờ kết quả thương vụ kinh doanh thành công này, Trung Quốc có tàu sân bay của riêng mình. Các kỹ sư đóng tàu Trung Quốc tháo dỡ những bệ phóng tên lửa, lắp đặt các trang thiết bị điện tử và phương tiện chiến đấu, hoàn thiện các hệ thống trang thiết bị, động lực trạm nguồn và đặt tên tàu Liêu ninh, nơi có thành phố công nghiệp đóng tàu nổi tiếng Đại Liên.

Tàu sân bay mới hạ thủy của Trung Quốc Type -001A là phiên bản copy có nâng cấp cải tiến của tàu Liêu Ninh, có kích thước lớn hơn, lượng giãn nước 70.000 tấn, dài 315 m, rộng 75 m. Tàu có tốc độ 31 hải lý/giờ, có thể mang theo trên boong 36 máy bay tiêm kích J-15.

Trong tương lai, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng từ 4 đến 6 tàu sân bay, tổ chức thành 4- 6 cụm tàu tấn công chủ lực. Dự kiến ban đầu, các cụm tàu tấn công chủ lực sẽ được bố trí trên hai vùng biển then chốt. Từ đó tạo hướng triển khai hoạt động trên Ấn Độ Dương, được coi là đại dương chiến lược của hải quân Trung Quốc. Chính vì vậy, chiếc tàu sân bay tự đóng trong nước thứ 2 – Type -002 sẽ được đóng theo mẫu các tàu sân bay Mỹ.

Một số chi tiết phác thảo đầu tiên tàu sân bay Trung Quốc Type - 002
Đồ họa tàu sân bay tương lai của Trung Quốc
Chương trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Mikhail Korostik trong bài viết "Các hàng không mẫu hạm Trung Quốc trang bị máy phóng" đăng tải trên báo Kommersant cho biết, các phương tiện truyền thông Trung Quốc công bố các chi tiết đầu tiên tàu sân bay thứ 3, Type-002 của Trung Quốc, đóng tại nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải.

Theo tin từ báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP), dẫn nguồn tin thân cận với Bộ tư lệnh Hải quân Trung Quốc, tàu sân bay thứ 2 sẽ được lắp đặt 3 máy phóng hơi nước thay cho cầu nhảy. Sau khi chiếc tàu sân bay thứ 2 Type-002 hoàn thành, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ 2 trên thế giới có thể tổ chức các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực – có mô hình cơ cấu tổ chức tương tự như các cụm tàu tấn công của hải quân Mỹ.

Tàu sân bay Type-002 sẽ có 3 máy phóng hơi nước, cấu trúc thượng tầng giảm 10%, giải phóng không gian boong sân bay cho máy bay. Trên đỉnh của kết cấu boong thượng sẽ là 4 anten mảng pha 360 độ. Tàu có thể sẽ được trang bị 4 tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần 24 ống phóng cho mỗi tổ hợp. Theo dự kiến, tàu sân bay Type-002 sẽ có lượng giãn nước khoảng 85.000 tấn và sẽ được hạ thủy không sớm hơn năm 2021. 

Hạ thủy tàu sân bay Type - 001A Trung Quốc tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh


NT