Tờ Nhật báo Phương Đông Trung Quốc ngày 22/6 cho hay Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, tình hình căng thẳng Biển Đông tiếp tục nóng lên.
Nguồn tin từ báo chí Nhật Bản tiết lộ, nếu PCA phán quyết "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông không có giá trị thì Trung Quốc có thể tiến hành đáp trả bằng cách rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Thông tin này đến từ một nguồn tin ngoại giao của hãng tin Kyodo Nhật Bản. Theo nguồn tin này, Trung Quốc căn cứ vào yêu sách "đường chín đoạn" phi pháp, chủ trương đòi "quyền quản lý" đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
Nhưng kết quả xấu nhất đối với Trung Quốc mà PCA có thể phán quyết là "quyền lợi" do Trung Quốc chủ trương không có căn cứ luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định "đường chín đoạn" vô giá trị.
Điều này chắc chắn tác động rất lớn đối với các hành động tiến hành quân sự hóa (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó bao gồm xây đảo nhân tạo.
Do đó, Trung Quốc đã thông báo với Bộ trưởng Ngoại giao một số nước ASEAN rằng nếu PCA đưa ra phán quyết như trên thì việc "rút khỏi UNCLOS cũng là một trong những phương án lựa chọn (của Trung Quốc)".
Do UNCLOS thừa nhận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ven biển, nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thì có khả năng không thể dựa vào luật pháp quốc tế để yêu sách quyền lợi biển. Trung Quốc dường như cũng đang cân nhắc thận trọng về ảnh hưởng của việc rút khỏi UNCLOS.
Hãng Kyodo Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thì “trật tự luật pháp quốc tế ở biển Hoa Đông và Biển Đông sẽ bị lung lay, Trung Quốc chắc chắn sẽ càng bị cô lập hơn trong cộng đồng quốc tế”.
Về vấn đề này, Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/6 dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Những thông tin trên (Bắc Kinh rút khỏi UNCLOS) trước hết đều đến từ báo chí Nhật Bản, không biết nguồn gốc và mục đích của những tin ấy là gì”. Bà ta tái khẳng định Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines.
Được biết, UNCLOS là công ước được thông qua vào năm 1982, trong đó đã tiến hành làm rõ các khái niệm quan trọng như vùng nội thủy, lãnh hải, vùng biển tiếp giáp, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế. Tháng 5/1996, Trung Quốc đã phê chuẩn tham gia UNCLOS.
Trong khi đó, tờ Văn hối Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 22/6 đưa ra một bài bình luận phê phán kịch liệt hãng tin Kyodo Nhật Bản. Bài viết cho rằng báo chí Nhật Bản có thể bị nguồn tin “đánh lừa” hoặc “cố tình thổi phồng”, tiến hành “bôi đen” Trung Quốc, tìm cách để buộc Chính phủ Trung Quốc làm rõ vấn đề liên quan.
Bài viết cho rằng Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS hay không là do họ tự quyết định và không có nghĩa vụ phải thông báo cho cộng đồng quốc tế theo kiểu “khua chiêng gõ trống” như vậy.
Bài viết rõ ràng khẳng định Trung Quốc chưa rút ra khỏi UNCLOS vào thời điểm này, bởi vì bài viết xuyên tạc rằng PCA không có quyền thụ lý đối với vụ kiện của Philippines, rằng phán quyết của PCA do vậy chỉ gây ảnh hưởng có hạn.
Tờ Văn hối còn cho rằng hiện nay rút khỏi UNCLOS cũng không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì, và cũng không phù hợp với “lợi ích biển tổng thể” (bành trướng biển) của Trung Quốc. Nếu rút khỏi UNCLOS thì một năm sau việc này mới có hiệu lực, sẽ không thể làm thay đổi ảnh hưởng “tiêu cực” từ vụ kiện của Philippines.
Như vậy, báo Hồng Kông rõ ràng đã khẳng định Trung Quốc sẽ bị “ảnh hưởng tiêu cực” từ vụ kiện của Philippines. Điều này chẳng khác nào, Trung Quốc -- một thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc -- biết rõ yêu sách của họ là vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng lại cố tình áp đặt cho láng giềng.
Theo bài viết, UNCLOS đã xây dựng một “hệ thống chế độ biển” khổng lồ, thủ tục trọng tài cưỡng chế chỉ là một cơ chế rất nhỏ trong đó. Hơn nữa, trong phần lớn chế độ của UNCLOS, Trung Quốc là người “được lợi”, chẳng hạn như độ rộng lãnh hải, chế độ đường cơ sở thẳng và chế độ thềm lục địa cơ bản của Trung Quốc.
Đặc biệt, UNCLOS đã trao cho Trung Quốc quyền lợi khai thác vùng biển quốc tế và khu vực đáy biển, Trung Quốc đã giành được hợp đồng quyền thăm dò và khai thác ưu tiên 3 lô ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, các cơ quan và tổ chức quốc tế được thành lập bởi UNCLOS như Tòa án Luật biển, Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế và Ủy ban Ranh giới thềm lục địa đều có thẩm phán, ủy viên và thành viên quốc tịch Trung Quốc.
Trung Quốc là một thành viên quan trọng của cơ chế UNCLOS, nếu rút khỏi UNCLOS sẽ mất đi cơ hội tham gia xây dựng trật tự biển.
Từ phân tích trên đây của báo Hồng Kông, rõ ràng, rút hay không rút khỏi UNCLOS thì Trung Quốc đều đang đối mặt với tình thế khó xử, nhất là khi PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.
Cho dù Trung Quốc sẽ tiến hành “báo thù” như thế nào, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nêu cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, buộc Trung Quốc – một thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phải làm gương đi đầu ứng xử nghiêm túc nhất, xứng đáng là “nước lớn” như Trung Quốc tự xưng.
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được cập nhật ttrong các báo cáo sau.