Ngày 30/6 Trung Quốc tuyên bố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 27 căn hộ đầu tiên ở đảo Cây, trong nhóm đảo Vĩnh An, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh bắt đầu triển khai xây dựng trái phép dự án này từ tháng 11/2014. Khu định cư có diện tích lên tới 5.504 m2 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12. Ảnh:Hinews
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974.
Ngày 23/7, nước này chính thức khởi công xây dựng căn cứ hậu cần đầu tiên cho "thành phố Tam Sa" tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, trên diện tích 4 hecta.
Bắc Kinh nói rằng, khi hoàn thành, căn cứ sẽ được sử dụng làm nơi dự trữ vật tư, phục vụ công tác tiếp tế cho các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, đồng thời thực hiện nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp cho "Tam Sa" khi xảy ra thiên tai bão lụt. Ảnh:Sina.
Ngày 24/7, Bắc Kinh khánh thành trái phép Trung tâm dự trữ phân phối lương thực ứng phó khẩn cấp tại đảo Phú Lâm. Trung tâm có số tiền đầu tư hơn 6 triệu nhân dân tệ, với tổng diện tích kho dự trữ khoảng 675 m2, có thể ướp lạnh 150 tấn thực phẩm.
Một người phụ trách cái gọi là "chính quyền thành phố Tam Sa" nói rằng trung tâm có thể cung cấp lương thực sinh hoạt cho hơn 500 binh lính và ngư dân Trung Quốc đồn trú tại đảo Phú Lâm trong thời gian khoảng hai tháng. Ảnh:people.cn
Cùng ngày, Bắc Kinh khởi công xây dựng Trại tạm giam Tam Sa cũng tại đảo Phú Lâm. Trại tạm giam có diện tích khoảng 1.500 m2, có ba tầng, giam giữ được khoảng 56 người. Bắc Kinh còn ngang ngược nói rằng có thể sử dụng trại tạm giam để giữ những trường hợp bị coi là vi phạm chủ quyền cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Với những công trình xây dựng này, có thể thấy Trung Quốc đang ráo riết hiện thực hóa yêu sách chủ quyềnvà ngày càng phát triển theo hướng hung hăng hơn.Ảnh:Hinews.
Trung Quốc còn thông báo sắp đưa vào khai thác trái phép tàu du lịch thứ hai ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước cuối năm nay. Ảnh:Xinhua.
Từ 22/7, nước này tập trận 10 ngày tại vùng biển ngoài khơi phía đông đảo Hải Nam. Khu vực diễn ra hoạt động bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Theo giới chức hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận có hàng trăm sĩ quan tham dự và có bắn đạn thật.
Bắc Kinh bao biện rằng "hoạt động tập trận nằm trong kế hoạch thường niên của hải quân" và cho rằng Trung Quốc tổ chức tập trận trong vùng biển và vùng trời do Bắc Kinh quản lý.
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố cuộc tập trận của Trung Quốc là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp và đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình. Đồ họa:Mil.huanqiu.com.
Phương Vũ theo VnExpress